Cần đầu tư toàn diện hơn cho giáo dục miền núi

22/11/2011 14:26

(Baonghean.vn) Theo thống kê, đến hết năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 14 trường dân tộc nội trú, trong đó có 1 trường THPT DTNT cấp tỉnh, 9 trường THPT DTNT và 4 trường THCS-PTCS DTNT cấp huyện với tổng số 372 lớp, 12.894 học sinh.

Ngoài các trường phổ thông, bán trú cụm xã, tất cả các huyện miền núi đều thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú để thu hút số học sinh THCS là người dân tộc thiểu số học giỏi, tạo nguồn cán bộ tương lai cho các địa phương. Sự phát triển của mạng lưới trườn,g lớp tại khắp các địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường. Nhờ đó mà trình độ dân trí của miền núi nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được nâng lên.



Không có cầu, học sinh bản Phia Khắm Hai, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) phải lội qua sông đến trường.


Tuy nhiên, tốc độ phát triển giáo dục của miền núi còn quá chậm, chưa đồng bộ. Trước hết, dù mạng lưới trường lớp hiện nay là khá rộng khắp, nhưng vẫn còn một số nơi "trắng" trường tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, các huyện đều có trường THPT, nhưng trường lại nằm ở trung tâm huyện, chỗ ăn ở thiếu thốn, tạm bợ nên khó thu hút học sinh theo học. Bên cạnh đó, do điều kiện dân cư thưa thớt, số lượng học sinh ít nên nhiều vùng phải tổ chức lớp học ghép (toàn tỉnh hiện có 97 trường, với 347 lớp học ghép, 3.862 học sinh), và điều này gây khó khăn không ít cho công tác dạy và học.


Chất lượng cũng là một bài toán nan giải đối với sự nghiệp giáo dục miền núi. Hiện nay, tỉ lệ trẻ theo học ở bậc mẫu giáo là rất thấp. Điều này khiến cho các em gặp rất nhiều trở ngại khi vào lớp 1, do các em không biết tiếng Việt. Đã phải học trong những lớp ghép, lại không biết tiếng Việt nên chất lượng của bậc tiểu học miền núi chưa đạt yêu cầu.

Lớp 1 mất nền tảngnên khi học lên, nhất là vào bậc THCS thì nhiều em không theo nổi, dẫn đến chán học, rồi bỏ học giữa chừng. Với những bất cập hiện nay, vấn đề đầu tiên cần quan tâm đó là cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất. Đạt được mục tiêu trên, một trong những giải pháp mang tính định hướng chiến lược lâu dài đó là: Cần đầu tư hơn nữa ngân sách cho miền núi, trong đó ưu tiên bố trí các nguồn vốn, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển giáo dục. Bởi thực tế, hiện nay trường lớp ở miền núi còn tạm bợ khá nhiều, một số nơi thiếu thốn trang thiết bị. Tích cực xóa "xã trắng" về giáo dục tiểu học và THCS, tạo điều kiện cho học sinh đến trường vì khoảng cách giữa các xã ở miền núi cònrất xa.


Ông Nguyễn Phùng Đạt - Phó Trưởng ban Giáo dục miền núi và dân tộc - Sở GD&ĐT, cho biết: Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên, học sinh như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu cho giáo viên được điều động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đối với học sinh, ngoài thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ theo QĐ 112 của Chính phủ, ngành Giáo dục còn có chính sách miễn hoàn toàn học phí, trợ cấp sách vở và được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi như trợ giúp tiền sinh hoạt phí, gạo ăn hàng tháng thông qua các tổ chức xã hội.

Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, để tăng cường hơn nữa việc đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số vào giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, ngành còn tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng dân tộc Mông cho gần 200 giáo viên ở 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; đảm bảo "một có" (có chỗ học thuận lợi), "ba đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ SGK), "ba biết" (biết chế độ chính sách ưu tiên, biết nhu cầu lao động sử dụng nguồn lực và biết chọn chỗ học phù hợp với điều kiện của mình).


Để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, dân tộc, ngoài đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp khang trang thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, mở các lớp dạy tiếng Việt, tiếng dân tộc; đầu tư kinh phí thông qua các chương trình, dự án giúp các địa phương đặc biệt khó khăn phát triển giáo dục, quan tâm đời sống giáo viên, đào tạo nguồn cán bộ dân tộc từ các trường DTNT... là những giải pháp tích cực được xem là khả thi và phù hợp với giáo dục miền núi.

Bên cạnh đó, cần kịp thời có chính sách khuyến khích, động viên đối với giáo viên, học sinh người dân tộc có thành tích xuất sắc. Xây dựng đội ngũ giáo viên đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng, kết hợp với công tác luân chuyển để các thế hệ giáo viên yên tâm công tác vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp "trồng người".


Xuân Thống