Phát triển cây cao su - hướng đi mới ở Tân Kỳ

21/12/2011 17:47

(Baonghean.vn) Là huyện miền núi, Tân Kỳ có tiềm năng đất đai dồi dào, phù hợp với việc trồng các loại cây nguyên liệu, trong đó cây cao suđược xác định là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nơi đây xoá đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian qua, hàng trăm ha đất hoang hóa và các diện tích trồng cây hoa màu kém hiệu quả đã và đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện đầu tư cải tạo để trồng cao su.

(Baonghean.vn) Là huyện miền núi, Tân Kỳ có tiềm năng đất đai dồi dào, phù hợp với việc trồng các loại cây nguyên liệu, trong đó cây cao suđược xác định là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nơi đây xoá đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian qua, hàng trăm ha đất hoang hóa và các diện tích trồng cây hoa màu kém hiệu quả đã và đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện đầu tư cải tạo để trồng cao su.

Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp An Ngãi là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Tân Kỳ phát triển cây cao su. Ban đầu Công ty chỉ trồng thử nghiệm 70 ha, sau 5 năm đã cho khai thác với lượng mủ khá lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo nhanh chóng. Từ đó, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su. Đến nay, Công ty đã phát triển diện tích cao su lên 470 ha. Phát huy lợi thế về điều kiện đất đai của địa phương, Ban Giám đốc Công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tíchlên 730 ha vào năm 2015.

Gia đình ông Trần Quang Tứ, xóm Diễn Châu, xã Tân An là một trong những hộ đã thoát nghèo từ cây cao su. Trước đây gia đình chủ yếu chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, lạc. Do tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1997, khi Nông trường An ngãi và cấp ủy đảng, chính quyền xã Tân An có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây nguyên liệu dài ngày, ông đã mạnh dạn phá bỏ 2 ha ngô và sắn để đầu tư trồng cao su.Lúc bấy giờ, cây cao su trên đất Tân Kỳ còn là loại cây trồng khá mới mẻ, chưa ai dám khẳng định được hiệu quả kinh tế của nó, nhưng ông vẫn mạnh dạn trồng. Đến nay sau 14 năm, vườn cao su của gia đình ông đã cho sản lượng mủ khá,mỗi năm đạt từ 10 đến 15 tấn mủ, đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và khai thác nên cao su của gia đình ông ngày càng cho năng suất cao. Từ nguồn thu nhập này, ông đã có điều kiện để nuôi con ăn học và cuộc sống ngày càng khấm khá.

Cây cao su không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà con tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/người/ tháng.Một năm người lao động có việc làm trong 8 tháng khai thác mủ cao su.

Từ hiệu quả kinh tế mà cây cao su đem lại, hiện nay trên đất Tân Kỳ đã có hàng trăm hộ nông dân tham gia trồng cao su với tổng diện tích 1.337 ha, tập trung ở Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sông Con, Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp An Ngãi, Tổng đội Thanh niên xung phong 4 và các xã: Tân An, Tân Hợp, Tân Xuân, Nghĩa Phúc. Trong đó có 530 ha cao su đã đến kỳ khai thác và 807 ha cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi sang trồng cây cao su, cấp uỷ, chính quyền huyện đã phối hợp với Công tyTNHH một thành viên Sông Con và Công ty TNHH một thành viên An Ngãi trên địa bàn có cơ chế hỗ trợ bà con về phân bón, giống và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc và khai thác mủ cao su. Đồng thời các công ty còn đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm cho ngườitrồng cao su. Để đáp ứng nhu cầu sơ chế tại chỗ lượng mủngày càng lớn, 2 công ty đầu tư dây chuyền thiết bị mới có công suất chế biến 300 tấn mủ nước/ngày.

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, so với các loại cây trồng khác trên cùng một chất đất, cây cao su cho thu nhập và lãi ròng cao nhất. Cụ thể tính theo giá thời điểm hiện tại 1ha cao su một năm cho lãi ròng 13,1 triệu đồng, trong khi 1 ha mía một năm cho lãi ròng 6,3 triệu đồng, 1 ha sắn lỗ 4,2 triệu đồng. Từ hiệu quả rõ rệt đó, huyện Tân Kỳ đang tích cực chuyển đổi các vùng trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả và khảo sát các vùng đất hàng hóa có chất đất phù hợp đưa vào trồng cao su, tiến tới xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển cây cao su trở thanh cây trồng hàng hóa. Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, cho biết: Hiện nay, huyện đã quy hoạch 5 nghìn ha đất trồng cao su, trung bình mỗi năm trồng mới từ 200 đến 300 ha. Để giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn, huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là chủ trương trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài…”


Hồng Thinh