Bài 1: "Con đường" xâm nhập của rượu vào đời sống

14/12/2011 17:08

(Baonghean) - Vào mỗi dịp tết, nhu cầu sử dụng rượu làm thức uống của người dân lại tăng cao. Có cầu ắt có cung, các hộ nấu rượu thủ công lại đua nhau nấu để tung ra thị trường. Thế nhưng, bên cạnh nguồn rượu "dồi dào" sΩn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì nó cũng đem lại những tác động xấu rất khó lường.

Từ lò nấu rượu thủ công

Trong vai những người đi hỏi mối nhập rượu cho quán nhậu mới khai trương, chúng tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị V, một chủ lò rượu có tiếng tại xóm Trung tâm, xã Nghi Ân (TP.Vinh). Bà V cho biết, gia đình bà làm nghề nấu rượu gạo từ nhiều năm nay, ban đầu chỉ là thỉnh thoảng nấu vài nồi để ngâm thuốc cho chồng con uống hằng ngày, đồng thời lấy chút hèm (bã rượu) để nuôi lợn. Thế nhưng, thỉnh thoảng lại có người đến hỏi mua, nên gia đình bà đầu tư nhiều hơn cho việc nấu rượu, mỗi ngày nấu vài ba nồi, nhập cả chục lít cho các quán nhậu. Bình thường rượu được nấu trong một nồi cỡ trung bình 40 lít, nấu gần 10kg gạo thì cho ra khoảng 7 lít rượu. Với mức giá hiện nay là 20.000 đồng/lít loại bình thường, và 30.000 đồng/lít loại rượu nếp, trung bình mỗi tháng thu nhập từ rượu của gia đình bà lên đến cả chục triệu đồng, trừ tiền vốn cũng lãi khoảng 4-5 triệu, đó là chưa kể trong nhà lúc nào cũng có cả trăm lít rượu, sΩn sàng đáp ứng cho những khách hàng cần đột xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Nghi Ân là địa phương có "phong trào" nấu rượu khá rầm rộ, với hàng trăm hộ tham gia. Đó là chưa kể trên địa bàn TP. Vinh có nhiều địa phương khác cũng có "phong trào" nấu rượu khá sôi nổi như: Nghi Phú, Nghi Đức... Đặc biệt, nắm bắt được xu thế, nhu cầu sử dụng rượu tăng nhanh trong dịp tết, nên không chỉ những hộ thường xuyên nấu, mà có những hộ suốt năm quen việc đồng áng, chăn nuôi, nay cũng làm nghề nấu rượu để bán, bởi vào những dịp này, giá mỗi lít rượu có thể lên đến 40-50 ngàn đồng, thu nhập hơn hẳn so với các công việc nhà nông khác.

Thông thường, để cho ra những giọt rượu, phải trải qua các khâu nấu cơm, đánh tơi cơm, trộn men, ủ để cơm lên men, sau cùng là nấu. Đây là quy trình nấu rượu theo cách truyền thống. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là do không được cấp phép, không có giấy chứng nhận VSATTP do cơ quan chức năng cấp, nên chất lượng rượu của các lò nấu rượu thủ công bán ra thị trường như thế nào thì chẳng ai biết được. Thông thường theo quy trình sản xuất rượu hiện đại, rượu sau khi được nấu ra phải trải qua các thiết bị hoặc một tháp lọc để loại bỏ các tạp chất, các chất độc hại đối với sức khoẻ. Thế nhưng, với những hộ nấu rượu thủ công, việc đầu tư tiền của mua máy về lọc xem ra còn rất xa vời. Hơn nữa, có một vấn đề được không ít người quan tâm, đó chính là việc các hộ nấu rượu thủ công sử dụng men Trung Quốc để nấu, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa nhanh cho ra rượu, giá thành bán ra lại rẻ hơn. Với cách làm này có thể chỉ chưa đầy 1 ngày trộn men là có thể đem đi nấu, thậm chí là "vừa đi vừa nấu", hay làm rượu theo công thức "1 thùng phuy cồn + 2 thùng phuy nước = rượu". Loại rượu này ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ, người uống thường có cảm giác đau đầu dù uống ít hay nhiều.

Đến quán nhậu

Có thể nói, chưa bao giờ các quán nhậu lại phát triển, "ăn nên làm ra" như hiện nay. Điều dễ nhận thấy là đối tượng ở quán nhậu đủ các độ tuổi, thành phần xã hội từ lao động phổ thông, đến công chức, sinh viên, và không ít trong số đó có cả phụ nữ. Và tất nhiên trong các cuộc vui, gặp mặt này, một thứ không thể thiếu đó là rượu.



Tràn lan quán nhậu (ảnh chụp ở đường Hồng Bàng - TP.Vinh).

Phố Hồng Bàng (TP.Vinh) được nhiều người mệnh danh là "con đường bia rượu", bởi chỉ một đoạn đường ngắn khoảng 500m từ ngã 6 đến đường Đinh Công Tráng nhưng đã có hàng chục quán nhậu từ bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng. Con đường vốn nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội hơn bởi người, xe tấp nập dừng lại trước các quán nhậu. Kèm theo đó là tiếng chúc tụng, tiếng "zô" huyên náo.

Còn đường Bạch Liêu ngay bên cạnh Trường đại học Vinh được xem là tụ điểm thích hợp cho việc "chén chú, chén anh" của nhiều sinh viên trọ học xa nhà. Chị Hoa, chủ một quán rượu ốc trên đường Bạch Liêu cho biết: Trung bình mỗi ngày quán của chị bán được cả chục lít rượu cho các "thượng đế" chủ yếu là sinh viên và công nhân làm công quanh khu vực. Dù quán trưng bày nhiều thức uống khác nhau, từ bia lon, bia chai, và cả vodka Hà Nội đóng chai..., thế nhưng hầu hết khách đến quán đều chọn rượu gạo để uống, chứ ít người uống bia, hay rượu đóng chai sΩn. Vì rượu gạo giá rẻ, hợp túi tiền những đối tượng là sinh viên, công nhân... nên số lượng tiêu thụ hằng ngày ở những quán này rất lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc được sử dụng như là một thức uống quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người dân (ở đây không nói là nghiện), thì "thị phần" của rượu gạo tự nấu khá ổn định. Thông thường, ở những nhà hàng sang trọng chuyên phục vụ đối tượng khách "sang" thì rất ít có rượu tự nấu; nó chỉ có thể chiếm được "vị thế" trong các quán nhậu bình dân. Các loại này có nguồn gốc là rượu trắng tại lò nấu (cũng có thể là cồn pha nước) được các chủ quán nhậu "chế biến" lại thành nhiều loại khác nhau, từ rượu chuối hột, rượu thuốc bắc, rượu mật gấu, rượu tắc kè... để đáp ứng theo từng nhu cầu của khách hàng.

Lý giải việc thích uống rượu tự nấu, Nguyễn Bình Trọng (SV Đại học Vinh), đang cùng nhâm nhi chén rượu với bạn bè tại một quán chân gà nướng trên đường Lê Hồng Phong, cho chúng tôi biết: "Vì không có điều kiện nên bọn em chỉ chọn rượu nấu, nó cũng đã trở thành một thói quen mỗi khi bạn bè gặp nhau, nhất là vào các quán có nhiều món nhậu ngon, thì luôn phải có rượu để cùng góp vui". Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng có sợ bị ngộ độc khi uống những loại rượu có nguồn gốc không rõ ràng hay không?, một người bạn đi cùng Trọng trả lời: "Uống ở đây nhiều lần rồi vẫn chưa sao cả".


Quảng An