Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH kiểm tra công tác đào tạo nghề tại huyện Thanh Chương
(Boanghean) - Chiều nay 9/11, đoàn công tác Bộ Lao động Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi làm trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Thanh Chương.
Tại xã Thanh Dương, đoàn trực tiếp tìm hiểu tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Đây là một xã thuần nông, đời sống của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, nhu cầu đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề, thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân được các cấp chính quyền và các ngành ở Thanh Chương đặc biệt ưu tiên. Do đặc thù của địa phương nên thời gian qua, các ngành nghề được tập trung đào tạo là chăn nuôi, trồng trọt và một số ngành dịch vụ. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người nông dân đã nắm bắt và ứng dụng được các kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã.
Thanh Chương xác định 5 nghành nghề trọng tâm để tập trung đào tạo: trồng trọt, chăn nuôi, điện dân dụng, mộc và nhóm nghề để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến 2015, huyện phấn đấu trên 20% lao động đã qua đào tạo nghề. Riêng 10 tháng đầu năm 2011, thông qua Trung tâm Dạy nghề huyện, Thanh Chương mở được 6 lớp đào tạo nghề may công nghiệp; 3 lớp chăn nuôi lợn; 4 lớp trồng hoa hàng hóa; 2 lớp đào tạo tin học; 2 lớp quản lý điện nông thôn; 3 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm; 2 lớp may tre đan; 2 lớp lái xe ô tô.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi phát biểu, nhấn mạnh: Đào tạo nghề cần phải đạt được mục tiêu: đào tạo gắn với giải quyết việc làm; lựa chọn ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải dựa trên cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở, địa phương, từng vùng, kể cả nhu cầu của người học, đặc biệt là tận dụng được thời gian nông nhàn. Trung tâm dạy nghề cấp huyện cần có chương trình, thời gian đào tạo phù hợp cho từng đối tượng người học nhằm mục đích giúp người học dễ tiếp thu, thực sự phát huy hiệu quả kiến thức được học vào sản xuất, kinh doanh của mình.
Hoa Thành