Chi trả trợ cấp xã hội tại cộng đồng: Còn nhiều vướng mắc

06/09/2011 09:39

Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/ND - CP của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu được thực hiện tại tỉnh ta từ năm 2007. Đến nay, hàng nghìn đối tượng đã được nhận tiền trợ cấp. Tuy vậy, tại nhiều nơi chính sách này vẫn chưa đến được với các gia đình.

(Baonghean) - Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/ND - CP của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu được thực hiện tại tỉnh ta từ năm 2007. Đến nay, hàng nghìn đối tượng đã được nhận tiền trợ cấp. Tuy vậy, tại nhiều nơi chính sách này vẫn chưa đến được với các gia đình.

Theo Nghị định này, 9 đối tượng được nhận tiền trợ cấp hàng tháng là trẻ em mồ côi, người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ thuộc gia đình nghèo, người mắc bệnh tâm thần, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, gia đình có từ 2 người tàn tật trở lên không có khả năng tự phục vụ, người đơn thân diện hộ nghèo, có con nhỏ dưới 16 tuổi... Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 89.475 người đã được nhận tiền trợ cấp xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng, trong đó riêng đối tượng người cao tuổi là trên 50.000 người. Qua chương trình, hàng nghìn hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và người tàn tật không nơi nương tựa có một khoản trợ cấp thường xuyên, góp phần ổn định cuộc sống.

Để chính sách này đến được đúng đối tượng, những năm qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã trực tiếp giao cho phòng Lao động của các huyện, thành, thị lập danh sách và xét duyệt các hồ sơ. Tuy vậy, theo ông Phan Bùi Hải - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở Lao động Thương binh và Xã hội thì nhiều địa phương vẫn còn chậm trễ trong việc lập hồ sơ xét duyệt cho các đối tượng. Như ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, nhiều người dân phản ánh, mặc dù hồ sơ trợ cấp đã hoàn thành gần một năm nay nhưng đến nay nhiều cụ già trên 80 tuổi ở đây vẫn chưa nhận được tiền chế độ. Hay như ở xóm Mới, xã Châu Phong huyện Quỳ Châu người dân lại phản ánh việc chậm chi trả chế độ cho đối tượng Người tàn tật. Thống kê của Hội người cao tuổi tỉnh Nghệ An cũng cho thấy dù Nghị định 67 (và sau này thay bằng Nghị định 13) của Chính phủ đã quy định từ 1/1/2011, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mỗi tháng được nhận trợ cấp 180.000 đồng nhưng đến nay việc chi trả chế độ cho các đối tượng trên còn hết sức chậm. Hiện trong số 21.483 người cao tuổi đã làm xong hồ sơ thủ tục nhưng đến nay chỉ mới 1.498 người nhận được tiền trợ cấp. Theo ông Đậu Văn Long - Trưởng phòng Lao động huyện Quế Phong - một trong những huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu thì, khó khăn nhất hiện nay của huyện là vấn đề nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở tuyến xã. Lâu nay, việc theo dõi và hướng dẫn lập hồ sơ đều do cán bộ chính sách của xã thực hiện, nhưng đây đều là cán bộ kiêm nhiệm, địa bàn xã lại rộng nên một người không đảm nhận được hết công việc. Tại huyện Quỳ Châu, bà Hoàng Thị Oanh - Phó phòng Lao động lại cho rằng: Quá trình lập hồ sơ không gặp nhiều vướng mắc nhưng lại chậm ở việc chi trả. Lý do là huyện thường lập danh sách chi trả theo 6 tháng một lần, phòng tài chính cũng dựa trên số lượng đó để dự trù kinh phí. Những đối tượng mới được lập trong thời gian trên phải kéo dài đến 6 tháng cuối năm mới thanh toán được.

Ông Phan Bùi Hải - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội cho biết thêm: Nghị định 67 đã quy định cụ thể các đối tượng được nhận tiền trợ cấp, tuy nhiên do nội dung đưa ra còn chung chung nên không ít nơi cán bộ chính sách bị lúng túng khi xét duyệt hồ sơ. Ví như, tại Khoản 4, Điều 4 quy định đối tượng "người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, thuộc gia đình nghèo" sẽ được hưởng tiền trợ cấp. Theo quy định người không còn khả năng lao động kể từ 15 tuổi trở lên, vậy đối tượng dưới 15 tuổi bị tàn tật thì có được hưởng theo chế độ này hay không. Nhiều hồ sơ của người tàn tật bị chậm lại là do vướng ở điểm này.

Để tháo gỡ những tồn tại, thời gian qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi ra Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xin ý kiến chỉ đạo. Bên cạnh đó, ngành Lao động cũng mong muốn các ban ngành và các địa phương cần quan tâm hơn nữa vấn đề trên, đốc thúc các ban ngành liên quan nhanh chóng triển khai để chính sách sớm được thực hiện ở cơ sở. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến cán bộ làm công tác chính sách ở cơ sở, có chế độ đãi ngộ rõ ràng, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực và trách nhiệm trong việc xác định đối tượng và thực hiện chính sách cho người dân ở cơ sở. Nếu thực hiện đồng bộ các nội dung trên, chắc chắn trong thời gian tới công tác chính sách trên địa bàn tỉnh ta sẽ thực hiện tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, từng bước đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.


Song Hoàng