Bài 1: Mục tiêu của Chiến lược biển

06/12/2011 17:13

(Baonghean) - Vùng biển Nghệ An giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vùng Bắc Trung bộ. Với vị trí chiến lược là "cửa ngõ", giàu tiềm năng kinh tế nhưng việc khai thác, bảo vệ môi trường biển chưa xứng tầm, đời sống của đại đa số bà con vùng biển vẫn còn nghèo, các chính sách đối với người dân làm nghề biển đến nay vẫn còn bất cập.

Với 82 km bờ biển, vùng biển và ven biển, Nghệ An là một trong những "cửa ngõ" biển của vùng Bắc Trung bộ, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Vùng biển Nghệ An nằm trên hành lang của tuyến đường hàng hải quốc tế, có sân bay Vinh, Cảng Cửa Lò. Hiện nay, Cảng nước sâu Nghi Thiết đang được thu hút đầu tư, Cảng Đông Hồi đã được xây dựng phục vụ cho Khu công nghiệp Đông Hồi, Khu công nghiệp Hoàng Mai. Vùng biển Nghệ An có nhiều thuận lợi trong giao thương, là nơi tập trung trên một triệu cư dân với hàng trăm nghề kinh tế gắn với biển.

Thực hiện Chiến lược biển của cả nước, Nghệ An đặt mục tiêu GDP đầu người vào năm 2010 đạt 1.100 USD và 4.860 USD vào năm 2020, bằng 1,55 lần mức bình quân chung của cả nước. Xây dựng vùng biển và ven biển Nghệ An thành khu vực phát triển nhanh, năng động để thu hút đầu tư và làm động lực thúc đẩy lôi kéo kinh tế của Nghệ An, vùng Bắc Trung bộ phát triển nhanh, trở thành một trong những trọng điểm kinh tế biển của Miền Trung, là một "bàn đạp" để miền Trung tiến ra Biển Đông. Kinh tế tăng trưởng nhanh, thời kỳ 2008-2020 đạt mức tăng trưởng bình quân 14,9% /năm, đưa tỷ trọng GDP của vùng ven biển Nghệ An trong tổng GDP của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 lên 60,9%. Nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân vùng biển, giảm nhanh tỷ trọng đói nghèo. Tăng nhanh thu ngân sách vùng này lên khoảng 65% của tỉnh vào năm 2020. Hình thành một số ngành, sản phẩm mũi nhọn như dịch vụ vận tải biển, du lịch biển, thủy sản.. Ưu tiên các nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế có vai trò đầu tàu, tác động sâu rộng đối với kinh tế, xã hội vùng biển và ven biển.



Cần bảo vệ nguồn lợi biển lâu dài cho nghề khai thác cá.

Cũng theo chiến lược đó, tỉnh ta chủ trương phát triển các đô thị hạt nhân ven biển, hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu kinh tế như Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, các khu du lịch biển.. Phát triển hài hòa, bền vững, bảo vệ môi trường, khai thác đi đôi với bảo vệ và làm giàu tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội. Xây dựng vùng biển Nghệ An thành một vùng biển ổn định, hợp tác, phát triển với các tỉnh bạn và cả các nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Nghệ An đã có Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/2/2007 của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ ban hành chương trình hành động thực hiện NQ TƯ 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gồm 33 đề án, chương trình, dự án và kế hoạch được giao cho 19 sở, ban, ngành và UBND các huyện ven biển thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư có 3 đề án: lập dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng biển và ven biển; Lập danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên ở vùng biển và ven biển; lập danh mục dự án đầu tư ưu tiên phát triển kinh tế biển. Sở Giao thông Vận tải được giao một đề án và một dự án: Xây dựng kế hoạch chi tiết làm việc về qui hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển, cảng than, cảng cá và nơi trú bão. Nâng cấp sân bay Vinh, quy hoạch ga và đường sắt Nam Cấm. Xây dựng đường biển và các cầu trên tuyến, di dời Cảng Bến Thủy ra khỏi Thành phố Vinh; lập quy hoạch xây dựng các đoạn đường nối Khu kinh tế Đông Nam với các Quốc lộ dọc ngang với cảng biển và hệ thống giao thông từ Quốc lộ 1A đến vùng bãi ngang ven biển. Sở Văn hóa Thể thao và du lịch có đề án: "Phát triển Du lịch đảo kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa vùng biển, ven biển. Sở Công thương với đề án phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở vùng biển; quy hoạch điện vùng biển. Sở Tài nguyên - Môi trường với 3 đề án: xây dựng các trạm quan trắc, các trung tâm dự báo và thông tin thời tiết biển, bảo vệ môi trường biển. Sở Nông nghiệp và PTNT với 6 đề án khá trọng điểm, gắn bó mật thiết với đời sống người dân biển...

Ông Nguyễn Thọ Cảnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện tốt các đề án, dự án liên quan đến chiến lược biển. Đã gắn các chương trình, dự án vào công việc chuyên môn hằng ngày của các phòng ban, chi cục. Sở đã tích cực triển khai các dự án liên quan về đê biển, đã hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đê biển Kim- Hải- Hùng (Diễn Châu), đê Trung- Thịnh- Thành (Diễn Châu), đê Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), đê bãi ngang, đê Quỳnh Lập, đê Bích- Vạn- Ngọc (Diễn Châu)... Công tác khai thác, nuôi trồng, xây dựng khu chế biến tập trung, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cơ sở hạ tầng nghề cá có nhiều kết quả tích cực. Sở cũng đã tổng kết các mô hình phát triển kinh tế ở vùng biển có hiệu quả thiết thực, nhất là đối với việc hạn chế nạn tận diệt nguồn lợi biển. Đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 bến cá: Lạch Quèn, Lạch Vạn, NghiThủy, 3 khu neo đậu tránh trú bão..

Sở Giao thông Vận tải đã tích cực làm việc với các bộ, ngành, nâng cấp Cảng Cửa Lò, đưa Cảng Đông Hồi vào qui hoạch phát triển cảng biển của cả nước, nâng cấp Sân bay Vinh, quy hoạch ga Phủ Diễn và đường sắt Mỹ Lý- Cửa Lò, lên Đô Lương và Tân Kỳ, quy hoạch và thi công các tuyến đường dọc ngang ven biển, lập qui hoạch xây dựng các đường nối Khu kinh tế Đông Nam với các Quốc lộ dọc ngang với cảng biển và hệ thống giao thông từ Quốc lộ 1A đến vùng bãi ngang ven biển. Sở đang tích cực thi công Quốc lộ 1A - Đông Hồi, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 A đoạn Diễn Châu, Nghi Lộc...

Sau 4 năm thực hiện chiến lược biển (dù chưa có đánh giá báo cáo), một loạt các kế hoạch, đề án chưa thực hiện được. Một số sở thực hiện các gói công việc rất tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao như Sở Nông nghiệp và PTNT, sở Giao thông Vận tải, sở Công thương. Một số sở, ngành thực hiện yếu như: Sở Tài nguyên Môi trường (mới hoàn thành 1/3 đề án), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam... Chiến lược biển vốn rất quan trọng nhưng có thể do thực hiện còn manh mún, chưa đồng bộ, nguồn lực yếu, qua 4 năm nhìn lại kết quả thực hiện vẫn còn khá ... mờ nhạt. Các ngành, các sở đang chạy theo các dự án, tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư. Ở đâu có nguồn vốn ở đó rất tích cực. Ngược lại các chương trình về cộng đồng, về bảo vệ môi trường, về chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số... chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập.

Chiến lược biển của tỉnh ta đang nặng về các dự án, công trình trên và trong bờ, ven biển, nặng về hạ tầng, ít có các đề án, công trình nào "vươn khơi". Các đề án dành cho ngư dân, cho người dân vùng biển nguồn vốn nhỏ giọt, thiếu thốn. Sự quan tâm đối với biển nói chung và ngành Thủy sản chưa cao, do đó những đóng góp từ phía biển mang lại chưa xứng tầm.

(Còn nữa)


Châu Lan