Giải pháp cho bãi rác ở Quỳnh Hồng?

29/11/2011 15:30

(Baonghean.vn) Bãi rác xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) nằm trên chân của lèn đá cũ. Sau khi khai thác hết đá, diện tích đó không thể chuyển đổi sản xuất được,UBND xã Quỳnh Hồng quyết định cho người dân mang rác thải ra đổ. Sau 10 năm đi vào sử dụng, bãi rác tạm của xã Quỳnh Hồng đang trong tình trạng "quá tải" và hiện tại gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

(Baonghean.vn) Bãi rác xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) nằm trên chân của lèn đá cũ. Sau khi khai thác hết đá, diện tích đó không thể chuyển đổi sản xuất được,UBND xã Quỳnh Hồng quyết định cho người dân mang rác thải ra đổ. Sau 10 năm đi vào sử dụng, bãi rác tạm của xã Quỳnh Hồng đang trong tình trạng "quá tải" và hiện tại gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Nằm giáp ranh giữa 2 xã Quỳnh Hồng và Quỳnh Hậu, bãi rác chịu sự quản lý của chính quyền hai bên. Bãi rác phía xã Quỳnh Hậu nằm cách xa khu dân cư một con sông và một quãng đồng, bởi vậy tình hình ô nhiễm của bãi rác không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Còn về phía Quỳnh Hồng, bãi rác nằm cạnh khu dân cư thôn 1. Hàng ngày, người dân ở đây phải sống trong sợ hãi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi muỗibay vào kín cả nhà. Khổ nhất là sau những ngày mưa, đặc biệt vào những ngày xã tiến hành đốt rác, một không khí hôi thối bốc mùi kinh hoàng khiến người dân ngột ngạt, khó thở.



Bãi rác xã Quỳnh Hồng tràn ra tứ phía gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xã Quỳnh Hồng hiện có 1.650 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu. Ngoài sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, xã không có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nào nên chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Trên địa bàn xã có 9 xóm, nhưng có tới 7 xóm tập trung đổ rác ở bãi rác tạm này, còn lại 2 xóm 8 và 9 có bãi rác riêng. Ngoài ra, một bộ phận dân cư sống ven Quốc lộ 1A phát triển ngành nghề dịch vụ, đây cũng là nguồn có số lượng rác thải ra hàng ngày lớn nhất.


Ông Hồ Hữu Thụy - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng, cho biết: Năm 2001, chính quyền xã xét thấy địa điểm của khu vực này phù hợptrong việc làm bãi đổ rác tạm nên quyết định cho người dân đổ rác tại đây. Tuy nhiên, do ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống còn hạn chế, nênbãi rác mỗi ngày một thêm ô nhiễm. Hiện nay, xã cũng có quy định xử phạt những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, tuyên truyền cho người dân công tác bảo vệ môi trường;vì mỗi tháng tiến hành thu đốtlần, khoảng vài tháng thì thực hiện chôn lấp.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Bãi rác không có người quản lý, người dân đổ bừa bãi, không có sự phân loại rác. Bên cạnh đó, đây là vùng giáp ranh nên việc người dân xã này đổ rác sang địa phận của xã kia là chuyện không tránh khỏi. Ông Vũ Ngọc Thịnh, Trưởng thôn 1 cho biết: "Người dân của xóm rất bức xúc trước tình trạng khi phảitrực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề từ bãi rác. Hiện nay, người dân đang hoang mang, lo lắng khi số trường hợp bị mắc bệnh ung thư ngày càng tăng. Thôn 1 xã Quỳnh Hồnghiện có 181 hộ dân với gần 800 nhân khẩu,có tới 13 trường hợp bị ung thư, trong đó có 9 trường hợp bị ung thư vú hiện đang điều trị tia xạ tại bệnh viện ở Hà Nội. Người dân đang trông chờ Dự án Xây dựng bãi rác tập trung của huyện Quỳnh Lưu".


Chị Hồ Thị Tư (thôn 1) bức xúc nói: "Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã cho chuyển bãi rác đi nơi khác, hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không cho tồn đọng nhiều khiến rác bốc mùi. Nhưng cũng chưa thấy chính quyền xã có một phản hồi nào. Có hôm, chúng tôi phải mắc màn ăn cơm, vì ruồi bay vào nhà quá nhiều. Nhất là vào mùa hè, ruồi đậu đen cả sân cứ như đang phơi đậu".


Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Tài Nguyên Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho biết: Bãi rác xã Quỳnh Hồng không nằm trong sự quản lý của huyện. Thực hiện chương trình 3 của Đảng bộ khóa 26, huyện quy định mỗi xã ít nhất phải có từ 1-2 điểm thu gom rác, và các xã phải quản lý tình hình hoạt động của bãi rác trên địa bàn.

Cuối năm 2008, Dự án Xây dựng bãi xử lý rác thải huyện Quỳnh Lưu được tiến hành xây dựng tại xã Ngọc Sơn, hiện đang dần hoàn thiện và tiến hành bàn giao để đưa vào vận hành. Khi bãi xử lý rác thải được đưa vào hoạt động thì 43 xã, thị trấn sẽ tiến hành trung chuyển rác lên đó để xử lý tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề xung quanh bãi xử lý rác. Theo như dự án được duyệt thì biện pháp xử lý rác cơ bản vẫn là chôn lấp. Mô hình hoạt động, phương tiện vận chuyển, phương án xử lý và thời gian đưa vào hoạt động vẫn còn chưa thống nhất. Có thể nói sau 3 năm, dự án vẫn còn "treo". Mong muốn của người dân có một bãi xử lý rác thải tập trung xem ra còn xa vời.


Hiện tại, gần 800 người dân thôn 1 xã Quỳnh Hồng đang "sống dở, chết dở" vì khói và mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác. Đề nghị cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, sớm có phương án xử lý, khắc phục kịp thời tình trạng ô nhiễm tại khu vực này để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân.


Nguyễn Thị Quỳnh