Phát hiện "anh em song sinh" của Trái đất
Kính viễn vọng vũ trụ Kepler của NASA đã phát hiện hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời có thể trở thành nơi cư ngụ cho con người.
Hành tinh Kepler 22b ở vào khoảng cách thích hợp so với ngôi sao của nó để có nước, có nhiệt độ và khí quyển có khả năng hỗ trợ sự sống, theo công bố của NASA hôm 5.12.
Kepler 22-b nằm cách Trái đất khoảng 600 năm ánh sáng, lớn gấp 2,4 lần Trái đất và có nhiệt độ khoảng 22 độ C. Tuy nhiên, người ta chưa biết Kepler-22b được cấu tạo chủ yếu từ đá, khí hoặc chất lỏng.
Khoảng cách và quỹ đạo của Kepler 22-b so với hệ mặt trời - Ảnh: NASA
Đây là lần đầu tiên kính viễn vọng Kepler của NASA xác nhận về một hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời thuộc khu vực không quá nóng và không quá lạnh để có thể ở được.
Trước đây, các nhà thiên văn đã hai lần thông báo về việc phát hiện các hành tinh ở khu vực đó song cả hai lần đều không như kỳ vọng. Một hành tinh thì gây tranh cãi trong khi hành tinh còn lại nằm trên rìa nóng của khu vực.
Theo NASA, Kepler đã phát hiện hơn 1.000 hành tinh có tiềm năng sở hữu những điều kiện tương tự Trái đất. Trong đó, có 10 ứng cử viên có kích thước gần giống với Trái đất và Kepler 22-b là hành tinh nhỏ nhất được tìm thấy ở giữa khu vực có thể ở được của một ngôi sao tương tự mặt trời.
“Đây là một cột mốc lớn trên con đường tìm người anh em song sinh của Trái đất. Các kết quả của Kepler tiếp tục chứng tỏ sự quan trọng trong các sứ mệnh của NASA, vốn có mục đích trả lời một số câu hỏi lớn nhất về nơi ở của chúng ta trong vũ trụ", nhà khoa học thuộc chương trình Kepler Douglas Hudgins phát biểu tại trụ sở của NASA ở Washington, Mỹ.
Theo Thanh niên