Hiệu quả ở Hùng Sơn

14/12/2011 18:06

Theo chuyến đò vượt sông Lam, chúng tôi đã có dịp trở lại Hùng Sơn (Anh Sơn). Cảm nhận đầu tiên là sự đổi thay bất ngờ trước một vùng đất mới, trỗi dậy sức vươn từ những đồi chè xanh mướt, ôm trọn cả đồi rừng . Những năm gần đây, nhờ ứng dụng cơ giới hóa có hiệu quả trong việc phát triển vùng chè công nghiệp, Hùng Sơn đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà nói chung.

(Baonghean) - Theo chuyến đò vượt sông Lam, chúng tôi đã có dịp trở lại Hùng Sơn (Anh Sơn). Cảm nhận đầu tiên là sự đổi thay bất ngờ trước một vùng đất mới, trỗi dậy sức vươn từ những đồi chè xanh mướt, ôm trọn cả đồi rừng . Những năm gần đây, nhờ ứng dụng cơ giới hóa có hiệu quả trong việc phát triển vùng chè công nghiệp, Hùng Sơn đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà nói chung.

Xã Hùng Sơn nằm cách trung tâm huyện Anh Sơn 15 km, đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Xã hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 2.000 ha, trong đó, đất đồi rừng chiếm trên 1/2. Địa hình có độ dốc phù hợp với cây chè.Từ năm 2001 trở lại đây, Đảng ủy và chính quyền nhân dân xã Hùng Sơn đã xác định việc chuyển đổi từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa là mục tiêu cơ bản. Theo định hướng này, Hùng Sơn xác định mũi nhọn là cây chè công nghiệp. Trong đề án phát triển cây chè hàng năm, Đảng ủy đặc biệt quan tâm đến các giải pháp nhằm ứng dụng cơ giới hóa vùng chè để đẩy nhanh thu hái, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thời điểm này, các đồi chè công nghiệp cơ bản đã sắp đi vào cuối mùa thu hái. Bà con nông dân đang chuẩn bị cho một vụ chăm bón “mạnh”, bù lại cho những đợt hái từ đầu năm đến nay. Trên từng chân đồi, những hàng chè xanh, thẳng tắp trong những vệt cắt đều đặn, nối theo nhau trải dài.



Người dân Hùng Sơn thu hoạch chè bằng máy

Anh Võ Văn Đồng- xóm 5, hiện có trên 1,5 ha chè công nghiệp, phấn khởi: “Năm 2007, gia đình tôi được trợ giá 4 triệu đồng để mua máy hái chè ( giá máy 13,5 triệu đồng), Tính cụ thể hơn, một ngày cao điểm máy có thể cắt khoảng 8 tạ-1 tấn chè búp, trong khi đó, nếu hái tay, để có sản lượng này nhà tôi phải dùng đến 15 lao động/ngày. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, thu hoạch 6 tấn chè/tháng, với giá chè ổn định 28 ngàn/yến thì tôi thu được 16 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi chi phí xăng, nhờn hết 300 ngàn đồng, công nhặt, cắt chè hết khoảng 1,3 triệu đồng tôi có thu nhập gần 14 triệu đồng/tháng. Từ khi có máy hái chè, tôi xây được nhà cửa và các công trình phụ”. Bên cạnh giải phóng sức lao động, đặc biệt là lao động phụ nữ, sử dụng máy hái chè còn đáp ứng không chậm lứa phát triển của chè, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng chè búp hái. Chị Trần Thị Cúc, xóm 5, bộc bạch: “Hái chè bằng tay trước đây dễ bỏ sót, thời điểm chè rộ hái không kịp làm chè bị già, hư, phải đổ bỏ. Hái chè bằng tay muốn đảm bảo thu hái kịp thời trong tháng phải mất 4 lứa mới xong, trong khi cắt máy chỉ cần 1 lứa hái trong 2 ngày là hoàn thành, tranh thủ bón được đạm và urê sớm. Chè hái bằng máy đẹp và phát triển đều như ý muốn ”.

Thống kê của xã Hùng Sơn. Đến nay, xã có trên 500/820 hộ có thu nhập chính từ cây chè. Toàn xã có trên 200 máy hái chè, trong đó 180 máy được hưởng theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Số máy còn lại bà con tự đầu tư vốn để mua và sử dụng. Đa số bà con sử dụng máy đúng quy trình, đạt hiệu quả cao. Hùng Sơn trở thành địa phương tiêu biểu của phong trào ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, cho hay: "Xã Hùng Sơn xác định cơ giới hóa là yếu tố đi đầu trong mọi quá trình sản xuất. Muốn vậy, trước tiên cần đầu tư chiều sâu cho vùng chè, làm nền cho ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và có hiệu quả”. Từ đầu năm 2010 đến nay, xã chỉ đạo bà con tập trung đầu tư thâm canh. Kết quả chăm bón chè bằng phân hữu cơ vi sinh rất tốt, chè đẹp và phát triển nhanh. Bên cạnh đó, xã xây dựng đề án tưới nước giữ ẩm cho chè bằng các công trình hồ đập giữ ẩm và đầu tư máy bơm di chuyển dùng vòi hút nước từ hồ đập. Hùng Sơn hiện có 50 hồ đập giữ ẩm cho chè. Hiện mô hình tưới cơ động cho chè, quy mô trên 65 triệu đồng tại xóm 5 đang được triển khai có hiệu quả. Là đơn vị thu mua, chế biến chè ngay trên địa bàn, xưởng chế biến chè Hùng Sơn đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của bà con trồng chè về giá cả phù hợp.

Đến nay, Hùng Sơn có trên 260 ha chè kinh doanh, 420 ha chè đang trong độ tuổi chuẩn bị kinh doanh, trồng mới hàng năm trên 60 ha. Xóm 4, xóm 5, bà con chủ động chuyển các cây trồng lâu nay không hiệu quả như sắn, vừng, cây ăn quả sang trồng chè.

Trước thực tế trên, để đảm bảo đẩy nhanh thu hái, đáp ứng kịp nhu cầu của bà con nhân dân trong mùa thu hái chè rộ, từ năm 2007 đến nay Hùng Sơn đã thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh trong hàng năm với mức hỗ trợ 20% giá trị máy hái chè và 100% lãi suất vay ngân hàng trong vòng 24 tháng. Trên tinh thần này, xã tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị là Công ty CP cơ giới nông nghiệp và PTNT Nghệ An, Công ty CP xây dựng- DVNN Nghệ An để phân bổ máy theo năm.

Tuy nhiên, Hùng Sơn vẫn chưa chủ động được trong việc thực hiện vay vốn tại ngân hàng để triển khai cho bà con sử dụng vốn vay sử dụng máy hái chè. Năm 2008, Hùng Sơn có quyết định chính thức của tỉnh số 394/QĐ.UBND, được phân bổ 8 máy hái chè, theo đó, người dân được hưởng hỗ trợ 20% giá trị gốc và 24 tháng không tính lãi suất tại ngân hàng. Nhưng khế ước chỉ được Ngân hàng Nông nghiệp Anh Sơn giải quyết 12 tháng theo cơ chế, còn lại các hộ đã phải nộp tiền lãi suất trong 12 tháng còn lại, mỗi hộ từ trên 1,5 đến trên 2 triệu đồng. UBND xã đã gửi kiến nghị của 7 hộ có liên quan lên UBND huyện Anh Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Anh Sơn để được giải quyết, song đã hơn 3 năm, những thắc mắc của các hộ dân và chính quyền xã Hùng Sơn vẫn treo “lơ lửng” và chưa được giải thích thỏa đáng.


Lương Mai