Chuyển đổi ruộng đất: Cách làm ở Phúc Thành

22/11/2011 14:22

(Baonghean.vn) Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Phúc Thành là 1 trong 3 xã được huyện Yên Thành chọn làm điểm. Một trong những tiêu chí mà Phúc Thành chọn thực hiện đầu tiên là chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để từng bước cơ giới hoá nông nghiệp.

(Baonghean.vn) Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Phúc Thành là 1 trong 3 xã được huyện Yên Thành chọn làm điểm. Một trong những tiêu chí mà Phúc Thành chọn thực hiện đầu tiên là chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để từng bước cơ giới hoá nông nghiệp.

Xác định, xây dựng nông thôn mới là phong trào và là nhiệm vụ quan trọng cần sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Vì vậy, Phúc Thành chọnhướng thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương ở từng thời điểm cụ thể. Với cách làm dễ trước, khó sau, lồng ghép tuyên truyền để nhân dân ý thức được những việc cần phải làm, từ đó vạch ra những lộ trình thực hiện.



Đưa cơ giới vào làm giao thông thuỷ lợi nội đồng.

Ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lúc đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, Phúc Thành định đưa nhiệm vụ xây dựng giao thông nông thôn thực hiện trước, nhân dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Tuy nhiên, do tài sản trên đất của người dân quá lớn nên rất khó khăn, cần phải có thời gian. Vì vậy, địa phương quyết định chọn việc chuyển đổi ruộng đất, đồn điền, đổi thửa, xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Để triển khai thực hiện tiêu chí này cần sự đồng thuận, phát huy nội lực của nhân dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, chỉ đạo viên phụ trách các xóm, tuyên truyền, phân tích cụ thể để người dân hiểu, chuẩn bị triển khai thực hiện. Địa bàn nào khó, dân chưa đồng thuận thì đích thân chủ tịch xã trực tiếp phụ trách.

Khi ý Đảng lòng dân đã thuận, ban chỉ đạo việc dồn điền, đổi thửa tiến hành triển khai việc phân chia lô, thửa, xứ đồng, xếp hạng loại đất, quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh mương tưới tiêu một cách khoa học và hợp lý. Để đảm bảo công bằng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được xã phân ra hai vùng cụ thể. Vùng cao và vùng chạy lụt. Theo đó, diện tích vùng chạy lụt sẽ không tính sản phẩm thu nhập của vụ hè thu và có hệ số diện tích chia cho đầu khẩu cũng được tính nhiều hơn. Sau khi thống nhất, các xóm sẽ tiến hành bốc thăm, nhận ruộng. Điều ghi nhận ở Phúc Thành là trước đây, khi chưa thực hiện việc dồn điền, đổi thửa thì diện tích sản xuất của nhân dân rất manh mún, phân chia rải rác khắp nơi nên khó khăn cho việc chỉ đạo sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Khi việc thực hiện dồn điền, đổi thửa hoàn tất thì diện tích canh tác mỗi hộ dân không đổi nhưng chỉ tập trung 1 đến 2 thửa ruộng trên một cánh đồng, thuận lợi cho việc đầu tư, thâm canh, tăng giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Diến, xóm 16, cho biết: Trước đây gia đình ông làm 7 sào ruộng ở 4 xứ đồng khác nhau, vì thế việc cày cấy, chăm bón và thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Bây giờ 7 sào ruộng được tập trung trên 2 thửa cùng một cánh đồng rất thuận lợi cho sản xuất.

Song song với chuyển đổi ruộng đất, hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng cũng được triển khai. Phúc Thành vận động nhân dân đóng góp theo đầu sào hưởng lợi trong thời gian 2 năm với 400 trăm ngàn đồng/sào để đưa cơ giới vào thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn đã đào đắp hơn 200 nghàn m3 đất, 790 ha đất nông nghiệp đã hoàn thành việc chuyển đổi; hệ thống đường giao thông nội đồng rộng 5 đến 7m đảm bảo cho xe cơ giới đi lại. Theo Chủ tịch UBND xã, Đinh Văn Dương, sở dĩ địa phương chọn thời điểm này để triển khai là vì năm nay thời tiết mưa nhiều nên cây vụ đông bà con nông dân không trồng được, tranh thủ thời gian đất nghỉ để thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Việc chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng là việc làm mang tính đột phá và cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quá trình sản xuất. Sau khi chuyển đổi ruộng đất xong, Phúc Thành sẽ chỉ đạo bà con gieo cấy cùng một giống lúa trên cùng cánh đồng nhằm chủ động phòng trừ sâu bệnh và thuận lợi cho việc chăm sóc.

Xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương đều có những cách làm khác nhau, nhưng những tiêu chí mà Phúc Thành đang triển khai thực hiện là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng thiết thực của nhân dân.


Minh Thứ