Cảnh giác "thầy thuốc" hành nghề ở chợ

09/11/2011 17:52

(Baonghean) - Họ thường chọn những khu chợ đông người qua lại để làm nơi "hành nghề". Chỉ cần một tấm nilon trải xuống nền đường, một chiếc làn đựng những túi thuốc được đóng gói một cách qua loa, đơn giản. Đó là tất cả đồ nghề của những người tự xưng là "thầy thuốc" gia truyền, có thể chữa được bách bệnh dù nặng hay nhẹ, ngoại thương hay nội thương.

"Thành tâm vào, nếu không sẽ bị các mẹ làm phép "

Thời gian gần đây, tại một số chợ trên địa bàn Thành phố Vinh như: Quán Lau, Quán Bánh, Hưng Dũng xuất hiện "đội quân" chuyên bắt mạch bốc thuốc, đa số họ là nữ. Sẽ dễ dàng nhận thấy những người này bởi họ luôn ngồi từ 2-3 người và giơ tay ra để... vẫy khách. Với lời chào mời thân mật: "Vào đây mẹ /chị nói chuyện với em/với coong một lát". Theo người dân thì "đội quân" này xuất hiện ở đây khoảng 5 năm nay. Mỗi năm họ qua đây 2-3 tháng, sau đó lại đi tỉnh khác. Có năm họ qua đây vài ba lần. Họ thường đi xe mang biển kiểm soát của những tỉnh miền Nam. Những người này không chỉ kiếm ăn bằng việc xem chỉ tay đơn thuần, mà sau khi đã phán một vài câu về cuộc đời, số phận, tương lai để lấy lòng khách hàng như: phúc hậu, tin vui, tốt đẹp, thành công... thì họ bắt đầu phán bệnh và chiêu cuối cùng là tiếp thị thuốc. Chúng tôi tìm đến chợ Quán Bánh (xã Nghi Phú) để được "mục sở thị" về chiêu thức hoạt động của các "thầy". Đặt trên một tấm nilon được trải xuống lòng đường là những túi thuốc "năm không": không tên thuốc, không thành phần, không ngày giờ sản xuất, không hướng dẫn sử dụng, không công dụng. Nhìn bên ngoài trong chúng giống như một thang thuốc bắc, bao gồm các phần thân rễ, hạt, lá nhưng chúng thuộc vị thuốc gì thì không ai rõ. Chỉ thấy người bị bệnh thấp khớp, bệnh gan, bệnh đau thần kinh, "thầy" cũng lấy gói thuốc đó ra để bán. Những túi thuốc đã hoàn tán được cho vào túi nilon nhỏ sau đó dùng lửa gắn lại một cách sơ sài. Tất cả để lẫn vào trong một chiếc làn màu đỏ với đầy đủ "tạp phế lù".

Người phụ nữ tự xưng là "mẹ Hoa" khoảng chừng 50 tuổi, có nước da ngăm đen. Bà mặc một chiếc váy hoa dài, tay và cổ đeo nhiều đồ trang sức bằng vàng. Bằng giọng miền Nam, "mẹ Hoa" nói với vẻ nghiêm trọng : "Giờ coong đang có bệnh trong người, nó hành hạ coong từng ngày. Nếu coong không chữa trị kịp thời, sau này bệnh sẽ nặng thêm và rất nguy hiểm. Bây giờ mẹ giúp coong chữa bệnh, coong có ơn mẹ không?". Bà lấy ra một lọ nhựa bé bằng hai ngón tay, màu trắng không gắn nhãn mác gì. "Mẹ Hoa" đổ ra một ít bột màu xám, gói vào giấy báo cũ rồi dúi vào tay tôi "Mẹ cầu lộc cho coong, cầu may có may, cầu lộc có lộc" bà còn "niệm chú" thêm một tràng tiếng dân tộc nào đó nữa tôi không hiểu được. "Mẹ Hoa" nói đây là những vị thuốc gia truyền của dân tộc Chăm ở Phan Rang "Quý lắm đấy, chỉ có mẹ mới có". Chỉ cần uống vào vài tuần sẽ khỏi. Tôi lấy mấy gói thuốc đã hoàn tán cho căn bệnh đau lưng với giá 100 nghìn đồng. "Mẹ Hoa" còn khuyến mại cho tôi một "nhúm lộc" gói trong giấy báo cũ rồi dặn: "Đem về hoà vào nước để uống, còn lại coong hoà vào nước ấm để tắm. Uống trong 9 ngày khí huyết trong người coong sẽ thông và coong sẽ cảm thấy thoải mái hơn, bệnh tật tan biến". Với lí do, nếu uống khỏi bệnh sẽ giới thiệu cho bạn bè nên tôi đã xin được số điện thoại của "mẹ Hoa" một cách dễ dàng. "Mẹ Hoa" không quên dặn với theo: "Khỏi bệnh thì ơn mẹ nghe coong!". Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng trong một buổi chiều mỗi mẹ kiếm được vài ba trăm nghìn là chuyện thường.



Nhiều người mất tiền oan cho những thầy thuốc rởm.

Cần sự vào cuộc của chính quyền

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều người ngồi xuống yêu cầu xem bói và bốc thuốc. Có người phải đợi để tới lượt mình. Chị Lan, một người bán cá gần đó nói: "Chị cũng từng xem bói ở đó rồi, họ nói cũng đúng lắm. Nhưng khi xem bói, bắt mạch hay lấy thuốc thì các em cũng phải thành tâm vào, đừng tỏ thái độ gì nếu không "các mẹ sẽ làm phép". "Các mẹ" sẽ làm cho mình bị đau bụng, đau đầu, bị tai nạn hoặc bị bệnh gì đó". Khi chúng tôi lân la hỏi, thì người dân buôn bán trong chợ nói, đã có nhiều người bị bệnh thần kinh, bệnh dạ dày, phong thấp uống thuốc của các mẹ mà khỏi bệnh. Nhưng họ lại không kể ra được tên tuổi, địa chỉ cụ thể của một ai. Chỉ là nghe nói thế!

Cũng có người không tin tưởng vào tài bắt mạch, chữa bệnh của mấy "thầy thuốc" này. Ông Nguyễn Văn Nam, trông xe ở chợ Quán Bánh (xã Nghi Phú) nói: "Chẳng bao giờ tôi tin những người bán thuốc ở đây, lúc nào có ốm đau bệnh tật gì thì lên trạm xá, đi khám bác sĩ đàng hoàng chứ không bao giờ phí tiền vào những bà lang băm bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ". Ông Nam cũng nói thêm, nhiều người uống thuốc tây, thuốc nam cũng không khỏi bệnh nên tâm lý muốn dùng thử xem như thế nào. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người gửi sức khỏe của mình cho mấy bà lang băm không bằng cấp, không giấy phép hoạt động.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phú (TP. Vinh) nói: "Những người mua thuốc thường là những người nhẹ dạ cả tin. Hiện nay, chính quyền chưa thấy một phản ánh nào của người dân về việc trên. Nhưng chính quyền sẽ tiến hành thanh, kiểm tra và sẽ có những biện pháp tuyên truyền, xử lý kịp thời. Việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân. Khuyên người dân không nên tin vào những người tự xưng là thầy thuốc, lợi dụng mê tín dị đoan , vin vào sự nhẹ dạ của người dân để lừa đảo, tránh để "tiền mất tật mang".


Nguyễn Thị Quỳnh