Kiểm soát vốn vay: SOS!
(Baonghean.vn) Thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt tập trung ở TP.Vinh, gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận nhân dân, nhất là những người đã trót cho con nợ vay tiền. Vậy, liệu tín dụng đen và tình trạng vỡ nợ có liên quan đến tín dụng chính thức hay không?
(Baonghean.vn) Thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt tập trung ở TP.Vinh, gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận nhân dân, nhất là những người đã trót cho con nợ vay tiền. Vậy, liệu tín dụng đen và tình trạng vỡ nợ có liên quan đến tín dụng chính thức hay không?
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, đến 31/12/2011 dư nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước 865 tỷ đồng, chiếm 1,4% trong tổng dư nợ, tăng 584 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vẫn nằm trong phạm vi cho phép dưới 5% trong tổng dư nợ nhưng nợ xấu tăng mạnh đang là mối lo thực sự của các ngân hàng khi thời điểm cuối năm 2011 đang đến rất gần và tình trạng vỡ nợ của khách hàng có liên quan đến ngân hàng đang gia tăng.
Thượng tá Trần Sỹ Phàng - Phó trưởng Công an Thành phố Vinh, cho biết: Thời gian gần đây Công an Thành phố Vinh nhận được đơn trình báo của một số cá nhân và một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tố cáo một số người vay tiền không có khả năng thanh toán. Điển hình như Công ty TNHH Phú Mỹ Vân, công ty này chuyên sản xuất kinh doanh nghề xây dựng. Trong quá trình kinh doanh đã lập dự án, làm thủ tục vay vốn để mua phương tiện. Công ty đã vay vốn của 20 người với số tiền khoảng 35 tỷ đồng.
Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của khách hàng
sẽ hạn chế được rủi ro.
Hiện nay công ty này đã mất khả năng thanh toán. Công ty CP thương mại và dịch vụ Đức Anh - Thành phố Vinh, hoạt động của công ty chủ yếu kinh doanh gas hoá lỏng và nhà hàng. Trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ. Công ty này đang vay nợ ngân hàng 12 tỷ đồng, ngoài ra còn vay của 12 cá nhân khác với số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Hiện đã mất khả năng thanh toán. Và còn một số trường hợp vỡ nợ khác trên địa bàn... Ngoài ra, trong thời gian gần đây cơ quan Công an Thành phố Vinh đã tiếp nhận 6 trường hợp và Công an tỉnh tiếp nhận 2 trường hợp đến tự thú xin được tạm giam tại Công an để an toàn tính mạng trước sự đòi nợ ráo riết của các chủ nợ, trong đó có 3 cán bộ ngân hàng. Cả 8 trường hợp trên đều có món nợ hơn 10 tỷ đồng/người.
Thượng tá Trần Sỹ Phàng cho biết: Nguyên nhân của tình trạng vỡ nợ, mất khả năng thanh toán của một số người do trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng và những người đã vay. Dẫn đến phải vay ngoài vớilãi suất cao, vay 1 triệu trả lãi suất 5 ngàn đồng/ngày. Cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn vay người sau để trả lãi suất cho người trước, rồi vỡ nợ... Một số người hám lợi hoạt động tín dụng đen; Cá biệt có người vay vốn ngân hàng đem về sử dụng vào mục đích đánh bạc, thua lỗ, vỡ nợ... Các chi nhánh ngân hàng thương mại khi làm thủ tục thế chấp tài sản do không kiểm tra kỹ hồ sơ, không xác minh đánh giá tài sản, thậm chí giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhưng không kiểm tra, vẫn tiếp nhận, giải ngân vốn vay một cách dễ dàng, dẫn đến hậu quả là nợ xấu gia tăng.
"Cho vay nặng lãi thực chất là hoạt động tín dụng đen trái pháp luật. Các con nợ mất khả năng thanh toán, các chủ nợ có hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Các chủ nợ nên đến cơ quan chức năng để tố cáo, để cơ quan chức tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật. Đồng thời, những con nợ không nên bỏ trốn, hãy đến các cơ quan chức năng để tự thú. Đối với khu dân cư, khi phát hiện một số người đến đòi nợ ở gia đình nào đó, nên thông báo cho chính quyền địa phương biết..." - Ông Phàng nói.
Nói về mối quan ngại của tình hình nợ xấu gia tăng và sự sa sút đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng, Ông Lê Hoài Nam - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Liên Việt Nghệ An, chia sẻ: Đối với người đứng đầu một tổ chức tín dụng, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn phải có cái tâm. Theo tôi cái tâm của người thủ lĩnh rất quan trọng, vì người đó sẽ định hướng cho cả đơn vị phục vụ cho mục đích đó.
Động cơ của người lãnh đạo đi theo hướng nào? Mang lại lợi ích công bằng hay đánh bóng thương hiệu, duy trì cương vị giám đốc...?Mỗi động cơ ấy đều dẫn đến một kết quả khác nhau, nhưng động cơ không lành mạnh thì sớm muộn gì cũng dẫn đến đổ vỡ. Thực tế ở Nghệ An trong thời gian gần đây đã có tập thể ngân hàng phải trả giá đắt (...); Làm ngân hàng, nhiều cơ hội để cán bộ có thể nảy sinh trục lợi, nếu đạo đức nghề nghiệp của cá nhân đó không chuẩn mực.
Do đó, khâu tuyển chọn nhân lực đầu vào phải sàng lọc kỹ lưỡng. Quá trình làm việc phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, khâu thẩm định tài sản thế chấp, chất lượng của dự án vay vốn cũng rất quan trọng, thẩm định càng kỹ lượng càng tránh được nguy cơ rủi ro. Còn một số trường hợp vỡ nợ có liên quan đến ngân hàng là do ngân hàng bơm tiền quá lớn so với thực lực nhu cầu sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Ông Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ, cho biết: Chúng tôi thường xuyên đào tạo cán bộ, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Không ngừng hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ và thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau. Liên tục sàng lọc, luân chuyển cán bộ giữa các phòng, giao dịch viên, đối với người làm thủ quỹ có thể luân chuyển 6 tháng/lần, trưởng, phó phòng 1 năm/lần.
Ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu của Ngân hàng Công thương Việt Nam giao, chi nhánh định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, tập trung đầu tư vào đối tượng khách hàng ưu tiên, có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi. Không cho vay bất động sản, chứng khoán, chỉ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên mua nhà ở, sửa nhà, dùng thu nhập trả dần. Không được hạ thấp điều kiện, tiêu chuẩn tín dụng. Tiếp tục hoàn thiện chặt chẽ, kín kẽ quy trình, quy chế cho vay để không ai có thể lợi dụng được. Kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu số liệu hàng ngày và thường xuyên theo dõi khách hàng. Minh bạch kết quả hoạt động...
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh - Đại tá Đào Hồng Lập, cho biết: Địa bàn Nghệ An hiện có 32 chi nhánh tổ chức tham gia hoạt động tín dụng, đơn vị nào cũng có nợ xấu, song nợ xấu đang trong tầm kiểm soát. Thời gian gần đây xuất hiện một số trường hợp vay vốn mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, phần lớn đều có căn nguyên từ biến động của thị trường bất động sản.
Năm 2010, thị trường bất động sản đội lên một cách nhanh chóng, giá nhà và đất được thổi lên gấp nhiều lần, hiệu ứng tâm lý. Chính điều ấy khiến nơi nào cũng có người đến mua nhà và đất nhưng để ở rất ít, chủ yếu để mua đi bán lại kiếm lời, đặc biệt là những lô đất được quy hoạch. Chính vì vậy, nhiều người vay vốn ngân hàng, hoặc vay ngoài để mua đất hy vọng kiếm lời. Hiện tượng mua đi, bán lại những tài sản chưa định hình như một căn hộ đang dự định xây dựng, hoặc đang xây dựng, hàng mua rồi không bán được do từ tháng 2/2011 đến nay thị trường bất động sản đóng băng.
Từ thực tế trên đã gióng lên hồi chuông báo động cho các tổ chức tín dụng, nếu có sự cho vay mà không kiểm soát được đối tượng vay tiền của ngân hàng để làm gì thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng của tín dụng đen đến tín dụng chính thức. Cần duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và khách hàng để có thông tin trao đổi kịp thời, nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
Quỳnh Lan