Bản Vi bảo tồn bản sắc văn hoá Thái

24/11/2011 14:40

(Baonghean.vn) Trong đề án xây dựng huyện điểm văn hoá, huyện Quỳ Hợp đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc, nhất là việc chỉ đạo xây dựng mô hình văn hoá thuần dân tộc thiểu số. Một số bản được huyện chỉ đạo thành công, nổi bật lên là bản Vi, xã Bắc Sơn.

(Baonghean.vn) Trong đề án xây dựng huyện điểm văn hoá, huyện Quỳ Hợp đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc, nhất là việc chỉ đạo xây dựng mô hình văn hoá thuần dân tộc thiểu số. Một số bản được huyện chỉ đạo thành công, nổi bật lên là bản Vi, xã Bắc Sơn.


Nếu ai về thăm bản Vi vào dịp đêm trăng sáng nhất của bất kỳ mỗi một tháng nào trong năm thì sẽ được thả hồn theo các điệu xuối, lăm, nhuôn... và tiếng nhạc từ các nhạc cụ truyền thống véo von sâu lắng do các nghệ nhân của Câu lạc bộ dân tộc Thái của bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) thể hiện. Bên bờ suối nước chảy róc rách, núi rừng yên tĩnh và vầng trăng toả sáng lung linh, gần 100 thành viên trong câu lạc bộ cùng nhau đàn hát. Đó là một nét đẹp văn hoá của bản Vi được gìn giữ từ nhiều đời nay.



Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bản Vi.


Mỗi thành viên trong Câu lạc bộ đều gắn với một cái tên rất ấn tượng: "cây nhị","cây xuối", "cây lăm", "cây nhuôn"... Ông Vi Văn Chiến là một trong những nghệ nhân kéo nhị, ông đã nhiệt tình truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ. Những lúc rảnh rỗi, ông Chiến lại lên rừng tìm những cây tre đẹp đem về nhà chế tác nhạc cụ. Ở bản Vi, còn nhiều "cây nhị", "cây nhuôn", "cây xuối" có tên tuổi như nghệ nhân Vi Thanh Hoài vừa sáng tác, vừa thể hiện được các làn điệu xuối, nhuôn..; anh Lô Văn Nhiên nghệ nhân Pí nhuôn thổi nhạc cụ dân tộc rất hay; em Vi Văn Tuấn năm nay mới học lớp 8 cũng thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu lăm, nhuôn. Những ngày hội, tết, khách đến thăm bản Vi còn được thưởng thức những món ăn truyền thống vô cùng độc đáo , đó là món cà lọp (cơm lam) không gói bằng lá chuối mà đồng bào vào rừng hái lá dong, gói nếp, bỏ vào ống nứa nướng chín; món mọc được làm từ bột nếp lẫn chút thịt, cá, chuối non rừng và gia vị hạt giội để cho mọc thơm, cay... ăn vào cảm nhận đậm đà hương vị rất riêng của vùng núi miền Tây xứ Nghệ.

Bí thư xã Bắc Sơn Vi Thanh Hoài cũng là nghệ nhân các làn điệu suối, nhuôn, cho biết: Bản Vi thuần Thái 100%, nhà ở của đồng bào phần lớn đang giữ được nhà sàn truyền thống. Đặc biệt, khá đông lớp người cao tuổi từ 50 - 90 tuổi, hiện nay còn biết một số vốn văn hoá của dân tộc mình như: kể chuyện, hát dân ca, dệt thổ cẩm, việc tâm linh tín ngưỡng, chuyện cúng mo, ẩm thực...

Bản đã thành lập được Câu lạc bộ văn hoá dân gian. Hoạt động của các câu lạc bộ này chủ yếu tập trung vào việc khai thác và sưu tầm về văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Thái và chia thành 4 nhóm. Đó là nhóm nhạc cụ dân tộc như: cò ke, pí nhuôn, khèn bè, khèn ma, trống, cồng chiêng, khắc luống, sạp,.. các loại nhạc cụ này chủ yếu phục vụ cho các lễ hội và đám ma; nhóm sưu tầm các vật thể, đồ vật dụng như mâm, chõ hông xôi, ghế mây, ép xôi, phắc pạ, bộ đồ dệt và sản phẩm thổ cẩm, đồ thờ cúng ở đền Choọng..; nhóm sưu tầm các làn điệu hát dân ca như lăm, xuối, nhuôn, khắp, hát ru, đồng dao... và nhóm cuối cùng đó là nhóm ẩm thực với các món ăn truyền thống như hò mọc, cơm lam, chẻo, canh bồi... Trong các ngày lễ, hội đồng bào tổ chức thi nấu các món ăn khoe tài...


Từ nỗ lực vươn lên của đồng bào nên bản Vi không chỉ giàu về tinh thần mà còn khá về đời sống vật chất. Hiện bản Vi chỉ còn 3 hộ nghèo theo chuẩn mới.


Thu Hương