Đồng chí Phan Đình Trạc tiếp xúc cử tri huyện Diễn Châu
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ngày 10/12, tại trụ sở UBND xã Diễn Yên và Diễn Phú -huyện Diễn Châu (nghệ An), các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, gồm các đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An; Phạm Văn Tấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri 8 xã vùng bắc và 7 xã vùng nam huyện Diễn Châu.
(Baonghean) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ngày 10/12, tại trụ sở UBND xã Diễn Yên và Diễn Phú -huyện Diễn Châu (nghệ An), các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, gồm các đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An; Phạm Văn Tấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri 8 xã vùng bắc và 7 xã vùng nam huyện Diễn Châu.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Phạm Văn Tấn báo cáo trước cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVIII; báo cáo những kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp…
Đồng chí Phan Đình Trạc giải trình các vấn đề cử tri quan tâm.
Cử tri nêu kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ .
Tiếp đó cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, trong đó tập trung vào vấn đề đảm bảo chế độ cho đội ngũ công an xã; cán bộ cấp xóm; chế độ chính sách cho người có công, nhất là những người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chế độ gì, hay thân nhân liệt sỹ. Các vấn đề xã hội bức xúc, như ô nhiễm môi trường; tình trạng lạm thu trong các trường học; vấn đề suy thoái đạo đức và vi phạm pháp luật của một số bộ phận thanh thiếu niên; tại nạn giao thông; khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế; vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng…, đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập.
Kết thúc cuộc tiếp xúc cử tri, đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu, khẳng định: Các ý kiến của các bậc cử tri rất thẳng thắn và trách nhiệm, trong đó có nhiều ý kiến thuộc thẩm quyền của xã, của huyện do chưa giải trình đầy đủ, cho nên gây bức xúc trong nhân dân. Đồng chí giải trình từng ý kiến mà cử tri phản ánh, băn khoăn, đề xuất.
Giải trình về vấn đề cùng bằng sơ cấp, nhưng người học 3 tháng, người học 6 tháng, người học 9 tháng, đồng chí cho rằng: “Nhà nước đã quy định thời gian học cho từng ngành nghề ở từng bậc đào tạo cụ thể trên yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn của từng ngành nghề, như cũng là bằng đại học nhưng ở ngành y là phải học 6 năm, an ninh là 5 năm, có nhiều trường là 4 năm. Điều quan trọng là bằng cấp phải phản ánh tương xứng với lượng kiến thức và khả năng tư duy của người học”.
Đồng chí cũng thừa nhận ý kiến phản ánh của cử tri là tình hình tại nạn giao thông xẩy ra quá nhiều, một trong những nguyên nhân là do phép nước không nghiêm. Mỗi năm, cả nước có khoảng 12 nghìn người chết do tai nạn giao thông, đó còn chưa kể người bị thương, tạo gánh nặng cho xã hội, trở thành quốc nạn. Điều này đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng nhận thức rất rõ, vì vậy trong thời gian gần đây nhiều giải pháp đã được triển khai quyết liệt để xiết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.
Giải trình về việc bình xét hộ nghèo chưa chính xác và khoảng cách thu nhập giữ hộ nghèo, hộ không nghèo rất nhỏ, đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, các vấn đề bất cập xung quanh thực hiện chính sách cho hộ nghèo, người nghèo, tỉnh biết, Trung ương biết và cũng đang cố gắng tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, trước mắt chính quyền địa phương cần phải nhận thức được, việc thực hiện chính sách hộ nghèo là tạo điều kiện cho họ tự vươn lên, coi thoát nghèo là vinh dự cho gia đình, dòng họ, bản thân, tránh trông chờ ỷ lại vào sự ưu đãi của Nhà nước…
Minh Chi