Bài cuối: Cần những biện pháp hỗ trợ

01/12/2011 15:27

(Baonghean) - Những làng nghề truyền thống bị mai một, nhiều ngành nghề mới du nhập nhanh chóng "chết yểu" hoặc hoạt động phập phù... Đó là những "góc khuất" đáng buồn trong bức tranh phát triển làng nghề ở tỉnh ta, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Là một địa phương rất quan tâm đến phát triển làng nghề và có khá nhiều cơ chế, chính sách để làm "đòn bẩy" cho loại hình kinh tế này phát triển, nhưng Yên Thành cũng đã phải chứng kiến không ít lần thất bại. 14 xã, thị đã du nhập nghề mới là mây, tre đan và móc sợi đã hoàn toàn "chết yểu" sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Trưởng phòng Công thương huyện - ông Nguyễn Vương Ngọc, cho biết: "Qua thực tế ở Yên Thành cho thấy, ở đâu mà chính quyền cấp xã, thậm chí ông trưởng làng nghề hoạt động tích cực thì nghề có thể "trụ" được. Tuy nhiên, hiện cơ chế nhà nước để hỗ trợ, trả lương cho lực lượng điều hành, tổ chức làng nghề là chưa có nên rất khó. Bên cạnh đó, vai trò "bà đỡ" của các HTX, doanh nghiệp ở làng nghề là vô cùng quan trọng chính những lực lượng này cũng đang gặp nhiều khó khăn".

Ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi (Yên Thành) cho biết: Hiện HTX mới chỉ vay được 200 triệu đồng để phát triển kinh doanh, trong đó 100 triệu là từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của huyện, trong khi nhu cầu vốn dùng mua vật liệu, xây dựng cải tiến hệ thống nhà xưởng, đào tạo thợ lành nghề là rất lớn. Hiện tại, dù trăn trở về việc sản xuất những sản phẩm cao cấp, nâng cao thu nhập người làm nghề, nhưng vì chưa "xoay" được kinh phí nên ông cũng như ban lãnh đạo HTX đành "lực bất tòng tâm". Cái khó hiện nay của các HTX, làng nghề là muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng thì phải đáp ứng được các yêu cầu như: Hệ thống tài chính kế toán của HTX phải minh bạch, đã được cấp đất để sản xuất kinh doanh hoặc phải có tài sản thế chấp, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu qủa. Nhưng thực tế, số ít các HTX trên địa bàn như HTX Thắng Lợi, doanh nghiệp tư nhân Ngọc Cành chủ yếu hoạt động dịch vụ là chính, năng lực một số cán bộ quản lý còn hạn chế nên tính khả thi trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất, khả năng thanh khoản thấp, không đáp ứng được đầy đủ thủ tục vay vốn theo quy định của ngân hàng...

Tại HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết - Nghi Lộc), không khí lao động không còn nhộn nhịp như xưa. Chủ cơ sở đóng tàu thuyền Đông Nghi - một trong những cơ sở được xem là đang làm ăn hiệu quả, cho biết mỗi năm, cơ sở đóng được khoảng 10- 15 tàu, nguồn vốn cần đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện gia đình anh chỉ thế chấp bìa đất nhà ở vay ngân hàng được gần 300 triệu, số tiền đầu tư để phát triển sản xuất hầu như đều vay ngoài với lãi suất khá cao, thậm chí "vay nóng" với mức lãi cao ngất ngưởng. Nhiều ngày, công nhân phải nghỉ làm vì không mua được gỗ. Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên - ông Nguyễn Gia In xác nhận: Tiếp cận được với nguồn vốn vay của ngân hàng là rất khó. Cách đây 4-5 năm, ông đã vay được cho các cơ sở đóng tàu trong HTX số tiền là 200 triệu từ Liên minh HTX nhờ đưa nhà mình ra... thế chấp! Các ngân hàng cũng đòi hỏi phải có bìa đất, không chấp nhận tài sản thế chấp là nhà xưởng. Cách đây vài năm, HTX đã huy động nhân lực tiến hành cải tạo vùng đầm lầy vốn bỏ hoang ở xóm Chùa 2 với hy vọng sẽ có một khu vực nằm ngoài khu dân cư để làm nghề, vừa khắc phục ô nhiễm trong dân, vừa có "cái bìa" để vay vốn ngân hàng, nhưng hiện xã vẫn chưa đồng ý. Bởi vậy, hễ lúc nào có nguồn nguyên liệu là chủ nhiệm, kế toán HTX lại chạy đôn đáo huy động vốn trong dân, thậm chí vay nóng với mức lãi trên 30%/năm. Và cũng bởi vậy mà 2 năm nay, HTX không còn mua được gỗ của Công ty Hợp tác phát triển kinh tế Việt Lào nữa, bởi năng lực tài chính không cho phép đơn vị mua những lô gỗ có số lượng lớn. Nguồn nguyên liệu được chuyển sang các tỉnh phía Nam, sang Lào nhưng cũng bấp bênh vì nhiều khi có gỗ không vay được tiền và ngược lại. Mấy năm gần đây, gỗ khan hiếm dần, giá cả tăng nhanh chóng, chỉ từ đầu năm đến nay, giá đã tăng đến 30%, trong khi để giữ uy tín làng nghề, giá bán tàu vẫn giữ nguyên như khi ký kết hợp đồng, trong khi do nguyên liệu không ổn định, trước đây một con tàu lớn được hoàn thành trong khoảng 3 tháng thì nay có thể kéo dài tới 6 tháng mới xong.

Từ thực tế đó cho thấy, để các làng nghề có sự phát triển bền vững, tỉnh ta cần có các biện pháp hỗ trợ các làng nghề. Trước hết là tập trung phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề làm trụ cột, hàng năm đánh giá phân loại và lựa chọn các đơn vị có điều kiện và khả năng phát triển để hỗ trợ về vốn, đào tạo lao động, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề như: Giải quyết mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về giá thuê đất, đầu tư hạ tầng, môi trường, tham gia hội chợ triển lãm, tham quan học tập trong và ngoài nước để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giảm thuế hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp, HTX làng nghề. Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp ở nông thôn, làng nghề theo hướng tiện đường giao thông, gần vùng nguyên liệu để giải quyết mặt bằng sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo nghề, tập huấn kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp của lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Với các làng nghề truyền thống, phải coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, đào tạo nghệ nhân trẻ, phát huy vốn quý của các nghệ nhân nhiều tuổi, hình thành nhiều lớp nghệ nhân trong làng nghề, qua đó tạo lực lượng kế thừa, lưu giữ được những tinh hoa truyền thống làng nghề. Tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước để khuyến khích, thu hút đầu tư vào làng nghề và giúp tăng cường các quan hệ liên doanh, liên kết về nhiều mặt trong sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh để cùng nhau nâng cao uy tín thương hiệu làng nghề.


Phú Hương