Thận trọng khi dùng thuốc cam cho trẻ

04/01/2012 16:36

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, Viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị ngộ độc với hàm lượng chì trong máu rất cao, gấp mấy chục lần so với ngưỡng gây ngộ độc, có trường hợp đã tử vong. Hầu hết các bệnh nhi này trước đó đều được gia đình điều trị bệnh tưa lưỡi, biếng ăn, chảy dãi, viêm miệng... bằng thuốc cam được mua ở các thầy lang.

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, Viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị ngộ độc với hàm lượng chì trong máu rất cao, gấp mấy chục lần so với ngưỡng gây ngộ độc, có trường hợp đã tử vong. Hầu hết các bệnh nhi này trước đó đều được gia đình điều trị bệnh tưa lưỡi, biếng ăn, chảy dãi, viêm miệng... bằng thuốc cam được mua ở các thầy lang.

Thói quen mua thuốc cam chữa các bệnh về miệng cho trẻ em vốn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn. Loại thuốc này được các thầy lang gói bằng giấy báo, dạng bột, có 2 loại màu cam và xanh, thường được hướng dẫn bôi vào miệng trẻ bị bệnh. Sau khi dùng thuốc một thời gian, trẻ có biểu hiện sốt, nôn, co giật, nặng hơn có thể hôn mê.

Nguyên bản bài thuốc cam dùng cho trẻ em còn có tên là bài "Sâm linh bạch truật tán" bao gồm các vị: nhân sâm (hoặc đẳng sâm), bạch linh, bạch truật, cam thảo, bạch biển đậu, hoài sơn, liên nhục, cát cánh, ý dĩ, sa nhân. Bài thuốc có tác dụng chính là bổ tỳ, tiêu thực. Nếu thêm hai vị sử quân (hạt giun) và binh lang (hạt cau) thì có thêm tác dụng khử trùng. Tuy nhiên, tùy theo mục đích chữa bệnh hoặc theo kinh nghiệm của mình, một số thầy thuốc Đông y có thể gia giảm thêm một số vị thuốc khác.


Việc thời gian qua có hiện tượng trẻ em bị ngộ độc thuốc cam có chì do rất nhiều nguyên nhân. Có thể thuốc được sản xuất bởi những dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, dược liệu không sạch đã bị nhiễm chì trong quá trình trồng cấy ở những vùng có hàm lượng chì cao; hoặc có những vị thuốc bản thân đã có chì như duyên đơn, hoàn đơn...


Để an toàn trong dùng thuốc, người bệnh cần khám chữa bệnh ở những địa chỉ tin cậy, đã được cấp phép hành nghề của Sở Y tế hay Bộ Y tế. Nếu là bài thuốc gia truyền cũng phải được Sở Y tế hay Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành.


T.V (Tổng hợp)