Kỳ 4: Cần thận trọng khi mua thịt trâu, bò

14/11/2011 15:29

(Baonghean) - Tại các điểm giết mổ trâu, bò gia đình ở Đô Lương, Yên Thành, chúng tôi được chứng kiến những "thủ thuật" kinh hãi nhằm làm cho thịt bò tươi ngon. Nhiều lò mổ dùng cách bơm nước vào thịt trâu, bò, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người...

"Tẩy chay" thịt bò

Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Xuân Thành-Yên Thành tâm sự: "Hôm trước, đi qua chợ Rộc xã Trung Thành-Yên Thành mua 1 kg thịt bò với giá 140.000 đồng, đem về kho lên thấy có mùi, không thể ăn được, phải đổ cho lợn ăn.

Sau này nghe mọi người nói quán đó người ta giết mổ bò tại nhà và chuyên bơm nước vào bò trước khi mổ. Loại thịt này "rước" về đúng là "tiền mất, tật mang". Bà Nguyễn Thị Thời ở "Thị trấn Yên Thành bức xúc: Thịt bò vốn là món ăn ngon, giá không hề rẻ, nhưng toàn bị lừa bơm nước vào thịt, đem về ăn thấy nhợt nhạt, chẳng có mùi vị thịt bò. Thời gian gần đây chúng tôi phải chuyển sang cá tôm và thịt gà vì rất sợ...thịt bò.

Chị T có thâm niên hơn 7 năm bán thịt bò ở chợ Dinh, xã Hoa Thành-Yên Thành thanh minh: "Thời gian gần đây, nhiều khách hàng phàn nàn thịt bò bơm nước quá nhiều ăn chẳng còn mùi vị gì nữa. Nói thật là cũng có nhiều người bơm nước để kiếm lãi, riêng quán tôi không hề bơm nước mà các chủ lò mổ trực tiếp bơm nước cho bò khi còn sống để tăng trọng lượng. Chính những người bán như chúng tôi là phải chịu thiệt đầu tiên, vì khi lấy thịt thì bị cân cả nước, khi bán lẻ treo cả ngày trời nước chảy dần ra có khi còn bị lỗ. Các chủ lò mổ thà cứ để thịt bò chất lượng, bán giá cao hơn thì khách hàng vẫn dễ chấp nhận". Chị T than thở: "Dạo ni hàng thịt bò vãn khách hơn, kinh doanh kiểu ni có khi phải bỏ nghề vì nhiều khách hàng đã "tẩy chay" thịt bò".



Thịt bò bày bán tại chợ Vinh

Vào chợ Vinh (TP Vinh), ngay từ sáng sớm tinh sương, người ta treo nhan nhản những đùi bò đang tươi rói. Trần Văn T, người ở xã Nghi Liên-Nghi Lộc có tay nghề mổ bò 10 năm đã giải nghệ "bật mí": "Muốn biết miếng thịt nào họ bơm nhiều nước là biết ngay, phải sờ tay vào xem miếng thịt đó có khô hay không, nếu dính tay là thịt chưa bị bơm nước". T nói thêm: "Đừng nghĩ miếng thịt bò còn đỏ tươi là "xịn" đấy nhé, dễ bị ngâm tẩm hoá chất như chơi. Hồi đi mổ thuê trâu, bò ở Đô Lương, trâu bò bệnh dịch sắp chết sau khi mổ thịt xong, chủ lò dùng hoá chất Trung Quốc hoà với nước lạnh ngâm tẩm thịt bò khoảng 10 phút, đưa ra thấy miếng thịt rất tươi ngon. Thịt bò bị bệnh dịch khi xẻ thịt ra thường bị tái, bày bán để giữa nắng nóng, không dùng "thủ thuật" này làm cho "hồng" thịt lên, làm sao đánh lừa được thiên hạ. Nếu không tin anh cứ đến vài cơ sở ở Đô Lương khắc biết, họ có cả hệ thống tủ đá để thịt trâu, bò. Loại thịt được ngâm tẩm hoá chất chèn với đá cây có thể để được hơn 3 tháng. Thời điểm giáp Tết, nhu cầu dùng thịt bò nhiều, tại đây người ta bán thịt bò chèn đá từ trong Tết đến ra Giêng".

Kiểm dịch còn lỏng lẻo

Chợ Quán Lau (Tp.Vinh) và chợ Vinh (2 chợ có số lượng thịt trâu, bò được buôn bán nhiều trên TP.Vinh). Mới hơn 5g 30 phút nhưng tại các quầy hàng, thịt trâu, bò đã được các tiểu thương bày bán ngổn ngang.

Chị Hoa, một tiểu thương chuyên bán thịt trâu, bò cho biết: "Sáng nào, họ (cán bộ thú y - PV) cũng đến thu tiền rồi kiểm tra qua loa thôi. Chị lấy thịt từ lò mổ bên Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua đây bán và phải qua mấy lần kiểm dịch rồi đó". Khi chúng tôi muốn được xem dấu kiểm dịch trên thịt, chị Hoa cho biết không có dấu. "Thịt bò thì làm sao mà đóng dấu được em. Hơn nữa, chị buôn bán ở đây nhiều năm rồi, họ quen mặt nên cần chi đóng dấu", chị Hoa phân trần. Không có dấu, nhưng phiếu xác nhận thịt đã qua kiểm dịch, hầu hết các tiểu thương cũng không có.

Được biết, mỗi ngày chợ Quán Lau cung cấp cho người tiêu dùng hàng trăm kg thịt trâu bò. Nhưng tuyệt nhiên, số thịt này không hề có một chứng minh pháp lý nào đảm bảo thịt không nhiễm bệnh. "Mỗi lần đi kiểm tra, họ thu 20 ngàn đồng. Từ khi thịt được đưa ra khỏi lò mổ đến tay người dân, phải đóng 3 lần phí kiểm dịch", chị Hoa chia sẻ. Còn tại chợ Vinh, theo chị Lài, chủ quầy thịt cho biết: "Sáng nào họ cũng đến kiểm tra cả. Chiều họ còn đến nữa, nếu thấy thịt ôi thiu là họ không cho bán nữa đâu". Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề đóng dấu kiểm dịch hay viết phiếu xác nhận thịt đã qua kiểm dịch, chị Lài cho rằng: "Thịt họ đã kiểm tra tại lò mổ rồi, bọn chị chỉ lấy đi bán nên làm gì có phiếu xác nhận".

Thực tế trong quá trình kiểm tra thịt lợn, trâu, bò đã giết mổ được bày bán ở các điểm chợ, kỹ thuật viên thú y rất khó xác định gia súc, gia cầm đó có bị bệnh hay không (trừ một số bệnh dễ nhìn thấy như bệnh tụ huyết trùng ở lợn, thịt lợn gạo...). Bởi vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở gia súc, gia cầm rất lớn, thậm chí cả nguy cơ lây dịch từ gia súc, gia cầm sang người. Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh có 24 chợ lớn, nhỏ, chưa kể lượng thịt gia súc, gia cầm được bày bán lẻ tẻ trên các tuyến đường nội thị... Bình quân mỗi đêm, các lò mổ tại TP Vinh giết mổ khoảng 100 con trâu, bò, cộng với lượng thịt từ các huyện đổ về bình quân từ 30 đến 35 con trâu, bò, bê... Trong khi đó lực lượng cán bộ thú y quá mỏng nên công tác kiểm tra chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Những người buôn bán thịt không quan tâm đến việc có đóng dấu kiểm dịch hay không. Nhưng chính người tiêu dùng khi mua thịt trâu, bò thường cũng không chú ý đến vấn đề này. Hầu hết, khi mua hàng, người dân chủ yếu chọn thịt theo kinh nghiệm và bằng mắt thường. Chị Nguyễn Thu Hiền, người dân phường Trường Thi (TP.Vinh) cho biết, mỗi lần mua thịt trâu, bò, chị thường chọn thịt theo kinh nghiệm chứ không quan tâm đến thịt có dấu hay không. "Chị thấy miếng thịt nào đỏ tươi và ngon là mua thôi. Chứ có biết đến dấu kiểm dịch chi đâu. Mà mình hay mua quen một hàng nên cũng tin tưởng", chị Hiền nói.

Theo truyền tai của một số người bán thịt, hiện nay trên thị trường có một loại thuốc có thể giữ cho thịt tươi và không bị ôi thiu từ 5-7 ngày. Đóng vai người đi mua thuốc để về sử dụng, nhưng các quầy hàng đều lắc đầu bảo không biết!.

Một tiểu thương cho biết, hiện nay, giá thịt bò và thịt trâu chênh nhau rất nhiều. Do hám lời nên nhiều hộ kinh doanh đã trộn thịt bò và thịt trâu lại với nhau để bán. Việc phân biệt sự khác nhau giữa thịt bò và thịt trâu không phải người tiêu dùng nào cũng biết được.


Nhóm phóng viên