Buồn, vui... "vé Tết"

08/01/2012 17:23

(Baonghean.vn) - Khi những nhịp gõ thời gian đang đổ dần về giờ khắc cuối năm thì điệp khúc sân ga, bến xe... chật kín người với bao tâm trạng, mong chờ sớm được về sum vầy với người thân ở một miền quê đau đáu cả năm trong tâm tưởng.

Đó là lúc những con đường thành phố bỗng dưng như hẹp lại cho dòng người hối hả ngược xuôi. Cũng là con đường quen, những ngã tư đèn đỏ vẫn dừng, nhưng hôm nay chúng bỗng dưng xa lạ, không thuộc về mình. Vì lúc đó lòng đang phập phồng cho một chuyến hồi hương... Có kịp không chuyến xe đò, kịp không một tấm vé cho ngày cuối cùng?

Ấy là tâm trạng người về. Còn người ở quê thì một lòng ngong ngóng. Chị Vũ Thị Duyên, quê Thanh Tùng, Thanh Chương có 2 con học đại học xa, một trong Nam, một ngoài Bắc. Hai đứa con đều kiếm công việc làm thêm và năm nay đều phải ở lại đến cận Tết mới về: " Cũng vì gia đình vất vả nên hai đứa nó phải cố. Đứa trong Nam đã đặt vé tàu trên mạng, nhưng nghe nói vẫn khó nên ra mua vé chợ đen, đứa ở Hà Nội thì đơn giản hơn, nó nói ngày về cứ ra bến xe, gặp xe thì bắt, chịu khó chen chúc rồi 6, 7 tiếng cũng về đến nhà". Con chưa về, nhưng nỗi canh cánh đã ở trong lòng người mẹ từ trước Tết hàng tháng, khi xem ti vi thấy rục rịch chuyện vé tàu, vé xe.



Những con tàu rời ga chở nặng nỗi niềm và những lo toan vất vả để có tấm vé tàu Tết


Trong câu chuyện bên tách café một chiều đầy gió lạnh, anh S, người đàn ông có quãng 10 năm lưu lạc với bao thăng trầm, đến mức " không có tiền về quê" ấy, giờ đã có ô tô riêng, là chủ một doanh nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà đã trải lòng cùng tôi về những ký ức không mờ phai: "Tết Sài Gòn (T.P Hồ Chí Minh- P.V) hình như không phải của những người sinh sống ở thành phố này, bởi ai cũng có một miền quê để trở về. Tôi cũng có một miền quê, nhưng tôi và nhiều người nữa đành phải ở lại cái thành phố này, trong những ngày Tết, bởi đồng lương còm cõi không thể để dành làm lộ phí cho hành trình trở về cách xa hàng ngàn cây số".

Có một đêm vào những ngày cuối năm 2007, khi cái hương vị của Tết đã phả vào rất gần, anh bất lực khi không thể ngồi trên những đoàn tàu chạy về hướng Bắc. Đành một mình lang thang trên sân ga Sài Gòn, lẫn vào dòng người đưa tiễn "dù rằng tôi chẳng tiễn đưa ai". Chỉ đứng đó như muốn nhắn nhủ những lời vô thường theo đoàn tàu đưa ra ngoài đó.

Đã 3 cái " Tết xa cháy đỏ màu hương xứ người" (thơ của nhà thơ Văn Hiền). "Tôi thèm lắm cái se lạnh với những hạt mưa bay bay như bụi nước, chỉ đậu trên vai áo và mái tóc của những người đi chúc tết buổi sáng mồng Một. Tôi thèm được nghe những lời chúc Tết, những lời thật bình thường thôi, sự chân tình của người quê tôi toát ra từ ánh mắt luôn theo tôi trong những tháng năm xa xứ."


Anh nhớ cái hình ảnh anh bắt gặp ở cửa ga Sài Gòn một người phụ nữ "giọng nằng nặng quê mình" chừng 30 tuổi đang dồn hành lý vào một chiếc túi lớn. Bàn tay chị nâng niu chiếc ô tô nhựa và hai cái áo trẻ em, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. "Có lẽ chị đang nghĩ đến sự vui mừng của những đứa con đang chờ đón mẹ ở quê nhà, sau những ngày tháng xa quê đi làm thợ, sẽ mang về cho các con chiếc áo mới kịp mặc trước ngày 30 Tết."

Cho đến khi hồi còi hú lên phá tan đi sự bịn rịn của người đi kẻ ở, những cánh tay vẫy chào, những lời từ biệt vội vàng dành cho nhau, anh tự nhủ lòng: Thì chứng kiến và nghe những lời từ biệt trên sân ga trước cuộc hành trình, cũng có thể làm dịu đi cái cảm giác đau đáu trong lòng. Đoàn tàu chậm chậm lăn bánh lao vào đêm vắng. Người đi kẻ ở không còn nhìn thấy nhau nữa. Những người đưa tiễn bắt đầu rời khỏi sân ga với nhiều tâm trạng riêng của mỗi người. "Còn riêng tôi, tôi chỉ muốn đứng mãi ở góc nhà chờ để nhìn về phương Bắc. Ở nơi đó, giờ này cha tôi đang nằm trên giường bệnh. Để rồi, tôi và nhiều người "nhập cư" khác, mãi vẫn chưa thể quen với cái nắng trên những cánh mai vàng, lại vẫn để bước chân mình vô định đi về phía ga, ánh mắt mình dõi theo những biển xe 37, cùng nhau òa khóc khi pháo hoa đón chào năm mới đỏ rực ở bến Nhà Rồng"...


Cũng trong một chiều cuối năm, tình cờ tại sân bay Vinh, tôi gặp ông Nguyễn Văn Thắng, quê Hưng Nguyên, công tác tại một cơ quan thuộc Bộ KH - CN trụ sở chính tại Hà Nội, nhưng ông được giao phụ trách Chi nhánh tại TP.HCM. Việc đi lại giữa Hà Nội - Vinh - TP.HCM đối với ông như... cơm bữa. Ông kể: "Đi họp, hội thảo, giao ban, ký kết... với tôi luôn được xếp lịch hàng ngày, cứ đến giờ là lên xe, là làm thủ tục lên xuống, ra vào sân bay, không còn cảm xúc, suy nghĩ gì, trừ trường hợp máy bay chậm giờ, hay do thời tiết không xuống được sân bay Vinh mà phải ra Nội Bài rất mất thời gian. Vậy nhưng ngày cuối năm, cầm tấm vé trên tay, chuẩn bị lên máy bay để về quê, lòng vẫn rộn lên tâm trạng bâng khuâng, khó tả".

Ông nhớ, ngày xa quê rồi về Tết lần đầu, đêm trước không tài nào ngủ được. Bao nhiêu vất vả vì việc xếp hàng mua vé, chen nhau nơi bến tàu, bến xe, mất cắp, chậm chuyến...không làm cho nỗi nhớ quê bị sẻ chia. "Cũng may là những khó khăn kiểu đó dần qua, khi giờ đây mình về quê hay đi công tác có thể lựa chọn phương tiện theo yêu cầu. Có thể đi máy bay, xe tuyến, tàu hỏa, hay có thể đi xe nhà. Nơi có điều kiện, người ta tổ chức thành từng chuyến cho anh em về quê ăn Tết, đưa đón đàng hoàng, phục vụ tận tình, chu đáo, tránh được tình trạng xe dù, xe tù, ép khách trăm kiểu. Tôi công việc bận tíu tít đến tận ngày áp Tết, lại về quê một mình nên hay chọn chuyến bay cuối cùng cũng vì lẽ đó. Mà không chỉ có tôi, nhiều anh em đồng hương ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... đều chọn chuyến ấy cả. Không hẹn mà gặp, anh em tay bắt mặt mừng, hẹn ra Tết sẽ tụ họp ở TP. HCM bàn chuyện về quê đầu tư, khó dễ gì cũng phải làm, không làm được thì về ăn nói thế nào với bà con xóm giềng, thắp hương viếng ông bà tổ tiên cũng khó nói cho rành rọt...".


Mỗi năm, ông Thắng về quê ít nhất 2 lần, Rằm tháng Bảy và Tết âm lịch. Gần 60 tuổi rồi mà mỗi lần về Tết, lòng lại như trẻ nhỏ, mỗi lần về lại thấy nhiều thay đổi, họ hàng, lối xóm không còn ai đói kém, mà nếu có thì địa phương cũng tìm biện pháp để ai cũng có Tết. Không chỉ là về thăm lại nơi chôn rau, cắt rốn, thăm bà con họ hàng, đi tảo mộ, viếng ông bà tiên tổ, mấy năm nay, ông và bạn bè doanh nghiệp về còn đi thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi cơ quan hợp tác làm ăn, cám ơn họ đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, đào tạo công nhân tại chỗ, quan tâm công tác an ninh trật tự. Ngoài ra, Tết cũng là dịp để cơ quan tổ chức chúc mừng các đối tác kinh doanh, các bạn hàng thân thiết, thăm hỏi gia đình chính sách, người nghèo... "Mình về để có quê hương, có tình nghĩa, để cùng hợp tác đi lên, lấy thêm sức mạnh tinh thần mà bước tiếp trong năm mới. Càng khó khăn, xa ngái càng phải tìm về. Càng ăn nên làm ra càng phải về lại nơi nghèo khó, nơi ta cất bước ra đi. Ở Hà Nội rồi, TP.HCM và nhiều đô thị lớn rồi, tôi biết ngày Tết không thể vui như ở quê. Ngày thường tắc đường ở đô thị, ngày Tết tắc đường ở quê đấy, vì hầu hết phương tiện to nhỏ lớn bé đều đổ về quê. Đường sá, xe cộ, người lại qua tấp nập làm cho Tết quê vốn đã nhiều màu sắc nay lại càng rộn rã, thu hút hơn"...


Thế đấy, câu chuyện quanh tấm vé sẽ là câu chuyện rất dài, với những người chen chân để mua, những người không thể mua đành ở lại nhìn theo tiếc nuối, những người có thể tùy ý lựa chọn phương tiện hiện đại nhất cho mình... nhưng chung nhất là nỗi thẳm sâu thiêng liêng mong ngóng tìm về mảnh đất quê hương. Để rồi, cái tấm "giấy thông hành" ấy khi cầm trên tay những ngày cuối năm này là bao nỗi rưng rưng...


T.V