Hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn

09/11/2011 15:20

(Baonghean) - Chỉ mới nửa năm thực hiện, nghề trồng nấm đã đem lại hiệu quả trông thấy cho bà con nông dân huyện Yên...

(Baonghean) - Chỉ mới nửa năm thực hiện, nghề trồng nấm đã đem lại hiệu quả trông thấy cho bà con nông dân huyện Yên Thành. Tương lai, Yên Thành sẽ là nơi cung cấp lượng nấm lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. với gia đình anh Nguyễn Văn Thiên (Khánh Thành) thì cách đây 10 năm, gia đình anh đã làm quen với nghề trồng nấm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do nhu cầu chưa nhiều, đầu ra hạn chế nên sản phẩm nấm không tiêu thụ được, đành phải bỏ nghề. Lần này, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, (tháng 6/2011), anh là một trong số 20 hộ dân của xã tham gia mô hình trồng nấm theo chủ trương của huyện. Với diện tích 250 m2, cùng 25 triệu đồng được huyện hỗ trợ, anh đầu tư thêm gần 40 triệu đồng nữa để xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng và mua giống trồng nấm. Sẵn có kinh nghiệm, lại được sự tư vấn, hướng dẫn sát sao của cán bộ Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, chỉ qua hơn 1 tháng trồng và chăm sóc, sản phẩm nấm đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể. Anh Thiên, cho biết: Mỗi lứa nấm từ khi trồng đến khi thu hái là 3 tháng, 1 tấn rơm có thể cho thu hoạch 8 tạ nấm. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, một lứa nấm có thể cho thu nhập từ 20- 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi hơn một nửa.

Gia đình anh Nguyễn Trọng Bình- xóm 8 xã Hợp Thành có 4 lao động, trước đây vốn chỉ làm ruộng, cuộc sống gia đình không thiếu thốn nhưng cũng chẳng thể làm giàu. Được xã tuyên truyền, vận động, anh theo học lớp trồng nấm do cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống nấm Bắc Giang dạy. Hiện gia đình anh có 600 bịch trồng nấm, ngày ít cũng thu hái được 10- 12 kg, ngày nhiều tới 25- 27 kg, với mức giá như hiện nay, số tiền thu về hàng ngày là một khoản đáng kể đối với gia đình anh.



Mô hình trồng nấm đã đem lại cho gia đình anh Bình (xã Hợp Thành - Yên Thành) nguồn thu đáng kể.

Theo anh Thiên, anh Bình cũng như nhiều hộ tham gia mô hình trồng nấm tại Yên Thành, thì kỹ thuật trồng nấm đơn giản, dễ làm, không mất nhiều công sức cũng như thời gian chăm sóc, nguồn nguyên liệu rơm rạ lại rất sẵn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành - ông Nguyễn Duy Liên, cho biết: Được sự chỉ đạo, đầu tư của huyện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nấm Bắc Giang về “bám” từ khi tổ chức tập huấn cho đến lúc ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ mạnh nên nghề trồng nấm trở thành một nghề “hái ra tiền”, bà con rất hào hứng tham gia. Hiện trên địa bàn xã đã có 10 hộ sản xuất nấm, trong đó 3 hộ có từ 100- 300 m2 nhà xưởng, từ 1.500- 3.000 bịch nấm/hộ.

Từ hiệu quả thực tế đó, hiện số hộ tham gia cũng như diện tích trồng nấm tại Yên Thành đang tăng lên nhanh chóng. Từ 80 hộ ban đầu, chỉ sau gần nửa năm, đến nay toàn huyện đã có trên 200 hộ trồng nấm. Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Sỹ Hưng, cho biết: Yên Thành có tiềm năng rất lớn trong phát triển nghề trồng nấm, mỗi năm, toàn huyện sản xuất ra 200 nghìn tấn thóc, tương đương 200 nghìn tấn phụ phẩm rơm rạ, cùng nguồn lao động dư thừa trong nông thôn là những điều kiện rất thuận lợi để nghề nấm phát triển. Từ đó huyện đã chủ trương đưa nghề nấm vào, vừa giải quyết việc làm, vừa tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Trước hết, huyện chọn 4 xã để thực hiện: Nam Thành, Hợp Thành, Khánh Thành và Tây Thành, trong đó Nam Thành là chủ đạo. Hiện đã có 5 loại nấm được trồng gồm: nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm mỡ và nấm linh chi, sau, khi đã thành thạo về kỹ thuật, sẽ đưa tiếp các loại nấm cao cấp vào trồng.

Chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, đã có hơn 11 nghìn tấn nấm các loại bán ra thị trường, đem lại nguồn thu gần 3 tỷ đồng. Ông Hưng cho biết: So sánh với một nghề đang thịnh hành trên địa bàn huyện là nghề mây tre đan xuất khẩu, dù huyện đã có rất nhiều nỗ lực, mỗi năm nguồn thu từ nghề này cũng chỉ được khoảng 5 tỷ đồng. Điều đáng mừng, hiện thị trường rất ưa chuộng nấm ăn, về lâu dài, khi sản phẩm đã được sản xuất với khối lượng lớn, sẽ có nguồn tiêu thụ từ các nhà máy chế biến phía Bắc. Bên cạnh đó, đây là nghề có thể làm được quanh năm. Huyện xác định, cây nấm rơm sẽ được trồng vào mùa hè, đến cuối hè và sang thu sẽ trồng nấm rơm và nấm sò, mùa đông trồng nấm mỡ sau đó trồng nấm linh chi và mộc nhĩ.

Về lâu dài, cùng với tạo cơ chế chính sách, khuyến khích người dân theo nghề trồng nấm, Yên Thành đã có kế hoạch liên doanh, liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con trong khâu tiêu thụ. Trước mắt, trong năm 2012, huyện dự kiến mở rộng diện tích trồng nấm ở 6 xã, phấn đấu sản phẩm đạt khoảng 80- 100 nghìn tấn nấm. “Hiện chúng tôi đang tiến hành các thủ tục về công bố sản phẩm, quy cách sản phẩm, đăng ký sản phẩm sạch để đưa ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường”- ông Hưng cho biết. Được biết, hiện Nhà máy chế biến nấm sạch của Hải Dương đã đăng ký mua 200 tấn nấm, đồng thời cam kết bao tiêu hết sản phẩm trong dân. Mục tiêu mà huyện đề ra là đến năm 2015 sẽ có 1.000 hộ nông dân sản xuất nấm theo quy mô gia đình, 100 hộ sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại, tổ hợp tác và 1-2 mô hình quy mô công nghiệp. Hàng năm sản phẩm nấm tươi đạt khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ. Đến nay, Yên Thành đã trích từ nguồn ngân sách gần 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nghề nấm, trong đó hỗ trợ cho bà con 50% giá giống. Về lâu dài, khi có khối lượng sản phẩm lớn, huyện sẽ đứng ra tìm kiếm đối tác, tiêu thụ sản phẩm cho dân. Tuy nhiên, trước mắt, để nghề nấm ở Yên Thành phát triển, rất mong tỉnh có cơ chế hỗ trợ khoảng 50% giá giống, đồng thời đầu tư xây dựng phòng nhân giống để nhận giống cấp 1, cấp 2 ở Viện Di truyền để từ đó nhân giống cấp 3 đưa vào nuôi trồng. Hiện huyện đang xúc tiến để trong năm 2012 sẽ thành lập trung tâm sản xuất giống nấm ở Yên Thành để nhân giống cấp nguyên chủng ra giống cấp 1, cấp 2, nhằm giảm giá thành sản xuất nấm cho dân.


Phú Hương