Thiếu quản lý trong khai thác rừng nguyên liệu

08/01/2012 15:58

(Baonghean.vn) - Lâu nay chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rấtquan tâm đến công tác trồng rừng, nhưng khi rừng đến tuổi khai thác lại không cơ quan nào quản lý. Do vậy người trồng rừng bán cho ai, bán như thế nào và giá bao nhiêu, chính quyền địa phương không hề biết. Bởi lý do đó mà các cá nhân, doanh nghiệp đi mua gỗ nguyên liệu mặc sức trả với giá rất thấp, người trồng rừng thua thiệt.

(Baonghean.vn) - Lâu nay chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rấtquan tâm đến công tác trồng rừng, nhưng khi rừng đến tuổi khai thác lại không cơ quan nào quản lý. Do vậy người trồng rừng bán cho ai, bán như thế nào và giá bao nhiêu, chính quyền địa phương không hề biết. Bởi lý do đó mà các cá nhân, doanh nghiệp đi mua gỗ nguyên liệu mặc sức trả với giá rất thấp, người trồng rừng thua thiệt.

Thực hiện Chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm tỉnh ta trồng từ 6 đến 10 nghìn ha rừng sản xuất. Như vậy, từ4 - 5 năm nay mỗi năm tỉnh ta cũng có diện tích rừng tương tự đến tuổi khai thác, cung cấp một khối lượng gỗ nguyên liệu rất lớn cho các công ty, doanh nghiệp chế biến gỗ. Theo quy định của Chính phủ, khi người dân nhận trồng rừng là được nhà nước hỗ trợ cây giống, công đào hố, khi đến tuổi khai thác người trồng rừng hoàn toàn được hưởng lợi, do vậy phong trào trồng rừng phát triển rộng khắp. Diện tích đất trống, đồi núi trọc giảm rõ rệt, thay vào đó là những cánh rừng tràm, bạch đàn, keo...


Tuy nhiên, do người trồng rừng khai thác rừng một cách tự do, không ai quản lý, do đó giá bán gỗ rất thấp. Anh Nguyễn Ngọc Bích ở xóm Tân Lập, xã Tân Hợp (Tân Kỳ) nói: Nhà tôi có 12 ha rừng tràm trồng cách đây đã 7 năm. Thời gian qua, có nhiều người đến hỏi mua, nhưng do giá quá rẻ nên tôi chưa bán. Rừng của tôi cây to đều, nhưng thương lái đến trả với giá 10 - 12 triệu đồng/ha là quá thấp. Suốt 7 năm trồng và chăm sóc nay rừng đã đến tuổi khai thác, nhưng thương lái mua giá quá rẻ nên không muốn bán. Anh đã tính đến giải pháp phối hợp với một số chủ xe trong xã để khai thác, vận chuyển bán gỗ trực tiếp cho nhà máy. Làm được như thế sẽ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa có thêm thu nhập.


Thêm một cái khó đối với nhiều người trồng rừng là không biết tính toán sản lượng gỗ trên một ha rừng, nên không làm chủ được khi bán rừng. Ông Trần Tử Bá - Hội phó Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ, tính toán: Một ha rừng trồng nguyên liệu nếu đạt tiêu chuẩn có từ 1.500 đến 1.660 cây. Sau 6 - 7 năm thì 1 ha rừng thu hoạch tối thiểu 100 m3 gỗ. 1 m3 gỗ nguyên liệu có trọng lượng 870 kg. Nếu nhân với giá tại nhà máy 1 triệu đồng/tấn thì 1 ha rừng có giá 87 triệu đồng. 1 ha rừng sau 6 - 7 năm người trồng rừng phải chi phí khoảng 9 triệu đồng. Nếu như người dân chấp nhận bán với giá tại chỗ từ 10 - 20 triệu đồng/ha là coi như không có lãi.


Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng Phòng NT - PTNT huyện Tân Kỳ, băn khoăn: Tân Kỳ có lợi thế để trồng rừng nguyên liệu, do vậy diện tích rừng nguyên liệu của huyện năm sau nhiều hơn năm trước. Nhưng suy cho cùng người trồng rừng thu nhập rất thấp.

Hiện nay giá bán gỗ nguyên liệu tại địa bàn huyện không đồng nhất, người dân bán gỗ bằng nhiều cách: bán theo m3, bán quạ... nhưng phổ biến nhất vẫn là bán quạ (tức là bán cả khu rừng cho người mua tự khai thác, tự vận chuyển). Những vùng ven đường Hồ Chí Minh, người trồng rừng có thể bán với giá thoả thuận có thể chấp nhận được, nhưng đối với những vùng sâu, vùng xa thì giá bán rất thấp. Ước tính từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Tân Kỳ khai thác khoảng 700 - 800 ha rừng nguyên liệu, nhưng thực tế huyện không hề quản lý được việc mua bán như thế nào, vì giữa người mua và người bán tự thoả thuận với nhau, không có sự ràng buộc nào.

Theo ông Thức, để đảm bảo lợi ích cho người trồng rừng, giải pháp đặt ra là làm thế nào để người trồng rừng liên hệ trực tiếp với nhà máy chế biến gỗ, hoặc thông qua HTX để làm trung gian giữa người trồng rừng với nhà máy. Theo đó, người trồng rừng đăng ký với HTX, thông qua HTX để nhà máy có kế hoạch thu mua với giá hợp lý. Làm được như vậy chính là phối hợp giữa "3 nhà" để giải quyết được đầu ra cho người trồng rừng.


Ông Phan Văn Tân - Bí thư Huyện ủy Yên Thành cũng cho rằng: Cấp huyện cần có giải pháp quản lý rừng nguyên liệu để có kế hoạch khai thác một cách hợp lý, bởi vì cấp có thẩm quyền quản lý sẽ hạn chế được ép giá mua bán gỗ nguyên liệu giữa các doanh nghiệp, thương lái đối với người trồng rừng.


Xuân Hoàng