Chuyện ông Phúc trồng rừng

25/11/2011 20:03

(Baonghean) – Từ vùng đất hoang sơ khô cằn sỏi đá, cách làng đến 5 cây số, ông Phúc ươm trồng lên những mầm xanh, thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Ông Phúc tâm huyết với rừng đến nỗi mỗi bữa ăn cũng nghĩ đến rừng, ngủ cũng mơ đến rừng… người dân đặt cho ông cái tên “ông Phúc rừng”.

Sau khi có quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2008) về việc hỗ trợ giống, phân bón, phương pháp chăm sóc và giao đất theo Nghị định 163 cho người dân trồng rừng, xã Thọ Hợp (Huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển trồng rừng, đưa diện tích đến nay gần 900 ha, rừng trồng đã được khép kín toàn xã. Được biết, trước năm 2008 chỉ có trên 100 ha, chủ yếu người dân tự khai hoang, bỏ vốn để trồng, số diện tích này đã cho thu hoạch vụ đầu tiên (năm 2011), bình quân mỗi gia đình có thu nhập 50 triệu đồng, một số gia đình trên 100 triệu đồng và hộ nhiều nhất là gia đình ông Nguyễn Trọng Phúc ở xóm Đồng Cạn, với 4 ha, cho thu nhập 300 triệu đồng, chưa kể hơn 6 héc ta rừng trồng mới năm 2009. Hiện gia đình ông có tổng diện tích trên 10 héc ta, chủ yếu rừng keo.



Người dân Thọ Hợp khai hoang trồng mới diện tích keo

Được các đồng chí lãnh đạo xã Thọ Hợp chỉ đường lên rừng gặp ông Phúc. Ông nói đặc chất giọng miền chân sóng Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) càng nghe càng thấy ông rất dễ gần, cởi mở. Còn nhớ những ngày đầu vất vả trồng rừng, ông luôn ăn ngủ với rừng, đến giờ kinh tế khá giả, có thể gọi là giàu có tiếng trong xã nhưng ngày ngày, ông vẫn lên rừng, hết cuốc đất, vun luống lại đi vòng kiểm tra xem cây cối có hư hại gì không. Lo sức khoẻ cho bố, hai cậu con trai đang học đại học ở Hà Nội thường xuyên điện thoại về khuyên bố lên rừng ít thôi. Ông lắc đầu “Tao lao động quen rồi, ngơi tay như vậy khó chịu lắm”. Ông nói đặc chất giọng Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) quê gốc của mình.

Khó khăn với rừng thấm vào đâu bằng thời ông tham gia bộ đội ở biên giới Hà Tuyên, những trận đói run người, phải ăn củ rừng thay cơm, rồi những đêm vắt bâu kín chân. Với ông đó là những ngày gian khổ nhưng ấm tình đồng đội, đó là sức mạnh để tiếp sức cho ông khi ông quyết tâm đền với rừng. Ông kể, sau khi theo gia đình lên Thọ Hợp xây dựng kinh tế mới, bản thân và đình ông cũng như nhiều nhà khác đều rất khó khăn nhưng từ tình đồng hương mà an ủi nhau, cái đói nghèo tan biến hết khi ai ai cũng đồng cam cộng khổ thi đua chăm lo lao động, sản xuất, nhưng cũng không đủ ăn….



Vườn keo gia đình ông Phúc

Đã gần chục năm rồi nhưng ông Phúc vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Một mình với cây cuốc, len lỏi qua từng mỏm đá bất chợt ông nhìn về phía rừng Khe Mèn: cả một vạt rừng dài gai góc, trơ trỏi sỏi đá bởi những kẻ phá rừng, chặt cây lấy gỗ. Từng gốc cây ngả nghiêng trơ trụi. Những lò than âm ỉ khói. Ông chợt hiểu ra căn nguyên của sự đói nghèo là do đâu: “Tại sao sống ngay trên rừng mà ta lại không biết dựa vào rừng?”. Một sự khao khát đổi đời mạnh như con sóng đang rần rật chạy trong huyết quản người đàn ông ngoài 40 tuổi. Vận may đã đến, khi có chủ trương được nhận đất trồng rừng phát triển kinh tế đã làm sáng lên niềm hy vọng trong ông. Ông hăm hở lập “dự án”, chạy xuôi, chạy ngược vay vốn. Và, chính những người thân, người bạn cùng sinh ra và lớn lên ở miền chân sóng xã Quỳnh Thuận giúp đỡ ông vay vốn, ông làm đơn xin xã giao đất giao rừng, rồi ông lần lượt đến từng gia đình vận động người dân làm đơn nhận đất trồng rừng. Chẳng bao lâu cả một dãy rừng dài với diện tích trên 100 ha chủ yếu là keo phủ kín màu xanh. Nhờ chăm sóc và bảo vệ tốt nên đến nay rừng keo đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, bình quân một hộ 50 triệu đồng. Được bà con nhường lại cộng với đất ông được giao, diện tích đất trồng rừng của gia đình ông lên hơn 10 ha (trong đó 4 ha ông mạnh dạn trồng trước đó cho thu hoạch lứa đầu tiên năm 2011, cho thu nhập cao nhất xã: 300 triệu đồng. Được biết, đến năm 2013, hơn 6 ha rừng keo ông trồng năm 2008 cũng sẽ cho thu hoạch.

Anh Trần Xuân Lục - Chủ tịch UNBD xã Thọ Hợp cho biết: "Ông Phúc còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập ổn định. Bên cạnh ông Phúc, còn một số gia đình khác cũng có thu nhập cao như gia đình ông Phan Văn Tuyết; ông Nguyễn Tiên Chất … trên 100 triệu đồng. Hiện nay toàn xã đã phủ kín diện tích đất trồng rừng với trên 900 ha và sẽ cho thu hoạch vào đầu năm 2013. Nhờ được người dân bảo vệ và chăm sóc chu đáo nên rừng phát triển rất tốt. Xã chỉ đạo các xóm, phối hợp với Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp thường xuyên kiểm tra công tác rừng, hàng năm xây dựng các phương án phòng chống cháy rừng, các xóm xây dựng quy ước, ký cam kết bảo vệ rừng, chính vì vậy mà từ trước đến nay chưa xảy ra tình trạng cháy rừng cũng như chặt phá rừng”.


Thu Hương