Nhiều cái khó đối với người trồng hoa Tết
(Baonghean) - Hàng trăm hộ trồng hoa phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012 tại các xã Nghi Ân, Hưng Đông, Nghi Liên (TP. Vinh) đang rơi vào tâm trạng lo lắng khi thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh, giá hoa giống, phân bón tăng cao…
Kim Chi, Kim Phúc (xã Nghi Ân), Trung Mỹ (xã Hưng Đông), xóm 4 (xã Nghi Liên) thuộc TP. Vinh là những làng có truyền thống trồng hoa và cây cảnh từ hơn 15 năm lại đây. Tháng 12/2010, 4 làng trên được UBND tỉnh công nhận làng nghề trồng hoa và cây cảnh. Các làng nghề đã thu hút cả ngàn lao động tham gia. Như làng Kim Chi, Kim Phúc, giá trị sản xuất từ hoa và cây cảnh đã chiếm hơn 60% tổng thu nhập của làng. Cũng nhờ cây hoa mà hàng trăm hộ dân may mắn thoát nghèo.
Như các năm trước, đến thời điểm này, các vườn hoa đang phát triển tốt, để nở đúng dịp phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, hiện nay, hàng trăm hộ dân trồng hoa đang gặp khó khăn và lo lắng. Hàng vạn cây hoa đáng nhẽ đang đến thời kỳ phát triển nhưng lại héo rũ, thiếu sức sống, còi cọc khiến cho nhiều hộ dân “mất ăn mất ngủ”.
Từ đầu tháng 9 âm lịch, các hộ dân đã phải ra tận ngoài Hà Nội để mua hoa giống về trồng. Tại các làng chủ yếu trồng hoa cúc, một số hộ dân có điều kiện thì trồng thêm hoa ly, hoa phăng… Tuy nhiên, theo như các hộ trồng hoa phản ánh thì hoa giống năm nay khó mua và giá tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhưng chất lượng hoa giống lại chưa được đảm bảo. Anh Nguyễn Đức Hải, người trồng hoa ở làng Kim Chi, phân trần: “Khi họ đòi giá gấp đôi so với năm ngoái chúng tôi hoảng hồn. Như nhà tôi mua 1 vạn giống cúc, năm ngoái chỉ hết 2 triệu đồng nhưng năm nay đã lên đến 4 triệu đồng”. Cùng chung nỗi lo về giống, chị Nguyễn Thị Hường, hộ dân trồng hoa ở làng Trung Mỹ, cho biết: “Khi mua giống về mới biết chất lượng giống không tương xứng số tiền mình bỏ ra. Cây thì đứt rễ, cây thì đứt ngọn, rồi sâu bệnh, héo rũ… Mà mỗi lần lấy một ít nên các lứa hoa trong vườn không đều nhau nên sợ sau này không nở đúng dịp”.
Anh Nguyễn Đức Hải, ở làng Kim Chi (xã Nghi Ân)
đang chăm sóc hoa phục vụ Tết.
Anh Hải còn cho biết thêm: “Không chỉ giá hoa giống tăng mà giá các loại vật tư như phân sinh học, phân vi sinh, thuốc BVTV cùng đua nhau tăng giá. Tính ra chi phí đầu vào đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước”. Nhà anh Hải trồng hơn 400m2 hoa cúc, tính trung bình mỗi vụ hoa Tết, trừ tất cả chi phí gia đình anh còn lãi được khoảng 25 triệu/năm. Nhưng vụ hoa năm nay, anh Hải đang rất lo lắng “không khéo lại thua lỗ”.
Chị Trần Thị Ngọ, người trồng hoa ở làng Kim Chi cho biết: “Từ đầu tháng 9 đến nay mưa nhiều nên đất luôn ngập nước, nhiều cây hoa bị thối, gãy đổ. Hơn nữa, cũng do mưa nhiều nên cây còi cọc, phát triển rất chậm”. Theo như người dân làng Kim Chi phản ánh thì hiện nay, mương thoát nước lâu nay đã bị chặn một đầu và mỗi khi mưa xuống thì nước không kịp thoát dẫn đến gần 10 ha hoa ngập trong nước. Nhiều diện tích trồng hoa bị héo, thối rễ do bị ngâm nước rồi phơi nắng. Trước tình trạng đó, một số hộ dân đã tiến hành đắp cao nền vườn rồi chuyển sang trồng hoa, diện tích trồng hoa ngoài đồng chuyển sang trồng màu. Tuy nhiên, do trồng trong vườn nên hoa thường bị rợp bóng, thiếu ánh sáng dẫn đến sinh trưởng kém.
Để giữ ấm cho hoa, vừa kích thích hoa sinh trưởng, các hộ dân đã phải thắp sáng cho hoa bằng đèn điện. Nhưng điện lúc nào cũng chập chờn. Chúng tôi đã kêu lên chính quyền nhiều lần rồi, nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao nhiêu. Cây hoa thiếu ánh sáng nhìn cây hoa không được tươi. Nếu phát triển không đồng đều thì cây sẽ không nở hoa đúng dịp”, chị Ngọ cho biết thêm. Hơn nữa, do phải thắp sáng cho cây trong một thời gian dài nên lượng điện tiêu thụ là rất lớn. Theo tính toán của chị Ngọ thì nếu thời tiết như hiện nay, trung bình mỗi sào trồng hoa cũng tốn hơn 100kw điện từ khi trồng cho đến khi thu hoạch.
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, cho biết: Hiện nay, do đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện, chợ tiêu thụ sản phẩm chưa được hoàn thiện nên định hướng phát triển 2 làng hoa ở xã đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Xã đang cố gắng để nhanh chóng khắc phục những hạn chế đó để 2 làng nghề Kim Chi và Kim Phúc phát triển. Sắp tới, trong quy hoạch nông thôn mới, xã có quy hoạch xây 1 chợ gần 2 làng nghề để người trồng hoa có điều kiện buôn bán khi Tết đến.
Phạm Bằng