Cần "hâm nóng" lại quy định đội mũ bảo hiểm

17/01/2012 14:22

(Baonghean.vn) - Theo một thống kê chung, khoảng 80% số vụ TNGT trong thời gian qua trên địa bàn Thành phố Vinh là do mô tô, xe máy gây ra hoặc có liên quan đến mô tô, xe máy. Số nạn nhân bị chấn thương sọ não chiếm trên 70% và tỉ lệ tử vong rất cao. Vào dịp cuối năm, do số lượng người tham gia giao thông trở nên đông đúc, số sinh viên, lao động xa quê trở về nhiều... nên tình trạng vi phạm không đội mũ bảo hiểm (ĐMBH) lại càng trở nên cấp bách.

(Baonghean.vn) - Theo một thống kê chung, khoảng 80% số vụ TNGT trong thời gian qua trên địa bàn Thành phố Vinh là do mô tô, xe máy gây ra hoặc có liên quan đến mô tô, xe máy. Số nạn nhân bị chấn thương sọ não chiếm trên 70% và tỉ lệ tử vong rất cao. Vào dịp cuối năm, do số lượng người tham gia giao thông trở nên đông đúc, số sinh viên, lao động xa quê trở về nhiều... nên tình trạng vi phạm không đội mũ bảo hiểm (ĐMBH) lại càng trở nên cấp bách.


Một thực trạng là, quy định bắt buộc ĐMBH đã ra đời từ nhiều năm nay, chính quyền thành phố, các cấp, các ngành trực thuộc đã tổ chức nhiều đợt vận động, các lực lượng cảnh sát tăng cường xử phạt... nhưng thời gian gần đây, số lượng người không ĐMBH hoặc đội mũ không đúng quy cách khi ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông lại gia tăng; trong đó, ước tính có tới 70% đối tượng là thanh thiếu niên.



Tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vẫn thường xuyên xẩy ra


Trên một số tuyến phố, vào giờ cao điểm vẫn còn nhiều đối tượng thanh, thiếu niên lợi dụng đường đông người, lực lượng chức năng không xử lý xuể để trốn... đội MBH; thậm chí còn đi xe lạng lách đánh võng trên đường. Tình trạng sinh viên, học sinh đi xe máy không ĐMBH cũng tái diễn. Thông thường vào sáng sớm, buổi tối, tình trạng vi phạm về ĐMBH gia tăng hơn so với những thời gian khác trong ngày. Nhiều người dân thì lại ĐMBH sai quy cách hoặc ĐMBH không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.


Theo trung tá Nguyễn Thanh Thọ - Đội phó Đội CSGT TP Vinh, ngoài việc một số người dân chưa nhận thức được việc ĐMBH là để bảo vệ tính mạng của chính mình khi rủi ro xảy ra TNGT, thì việc đi xe gắn máy đắt tiền nhưng không ĐMBH đang được coi là "mốt" với những thanh thiếu niên kém ý thức nhưng chưa có những biện pháp xử lý mạnh tay, dễ tạo thành những phản ứng dây chuyền, lâu dài, ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, thực hiện các quyết sách của Chính phủ, của tỉnh, của thành phố về ATGT. Thực tế này cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm về giao thông đối với thanh, thiếu niên hiện nay trở nên khó khăn.


Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định 34/CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2010 với việc áp dụng hình thức tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm về ATGT, trong đó có quy định về ĐMBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, việc thực hiện quy định trên còn lỏng lẻo. Nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ, chưa nhận thức đúng đắn việc ĐMBH cho trẻ em ngồi trên mô tô, xe máy.


Một vấn đề khác dễ nhận thấy là việc quản lý chất lượng MBH đang bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ.Trên thực tế, các loại MBH giả, kém chất lượng đang mặc sức tung hoành do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Công tác tuyên truyền, vận động việc ĐMBH khi điều khiển và ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông thời gian đầu được tiến hành khá rầm rộ, nhưng về sau có phần lắng xuống.


Không ĐMBH khi tham gia giao thông vẫn là thực trạng đáng quan tâm thường xuyên. Ban ATGT TP Vinh đã chỉ đạo các lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, tăng cường công tác cưỡng chế, thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý loại vi phạm này. Đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Ngành Giáo dục - Đào tạo kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu thực hiện nghiêm túc một số nội dung để đảm bảo học sinh đến trường an toàn.

Thành phố chỉ đạo các trường tiểu học, mẫu giáo yêu cầu học sinh khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải ĐMBH và đề nghị phụ huynh ký cam kết với nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định này. Đối với các trường trung học phổ thông, yêu cầu học sinh ký cam kết không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định và chưa có giấy phép lái xe; đề nghị phụ huynh cùng ký cam kết với nhà trường đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và an toàn tính mạng của học sinh, bắt buộc học sinh khi tham gia giao thông bằng xe máy điện phải ĐMBH.

Đối với các sản phẩm mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, thì chưa có sự tích cực của các lực lượng chức năng trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh MBH giả, MBH không đạt chất lượng; rà soát, nắm tình hình việc bày bán các loại mũ đó để kịp thời có giải pháp xử lý.

Mặt khác, các ngành như MTTQ, các hội, đoàn thể, các cơ quan thành viên Ban ATGT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên, hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội, học sinh, sinh viên và nhân dân trong việc tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT nhất là việc ĐMBH. Phổ biến rộng rãi tác dụng của việc ĐMBH khi xảy ra TNGT, hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này đến các tổ dân phố, thôn và trên các phương tiện truyền thông.


Như vậy, cần "hâm nóng" quy định bắt buộc ĐMBH đối với người ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông, đặc biệt trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Ngoài các biện pháp tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động toàn dân ĐMBH khi tham gia giao thông.


Trần Hải