Sau lũ, dân thiếu nước sinh hoạt

28/12/2011 15:30

(Baonghean.vn) - Hàng trăm hộ dân các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa, Xiêng My... (Tương Dương) đang thiếu nước sạch do các bể chứa, đường ống dẫn nước đã bị hư hỏng, cuốn trôi trong các đợt lũ vừa qua.


Do từ tháng 6 đến tháng 9/2011, 3 cơn lũ kéo qua địa bàn huyện Tương Dương, ngoài thiệt hại về nhà cửa, các công trình giao thông, hoa màu... thì hàng chục bể nước, hàng chục km đường ống dẫn nước cũng bị hỏng nặng. Nhiều bể nước do ngập sâu trong lũ nên sau khi nước rút, bùn tràn đầy bể. Nhiều đoạn ống dẫn nước đã bị nước lũ cuốn trôi, nhiều đoạn bị gãy, rỉ sét. Người dân phải dùng nước khe, nước suối để làm nước sinh hoạt chính.



Người dân tại các xã nghèo của huyện Tương Dương đang rất cần nước sạch để sử dụng


Xã Yên Tĩnh có 9 bản, mỗi bản đã có 1 bể nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, sau khi lũ về, tất cả bể nước của xã đều hư hỏng. Ông Vi Vũ Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đã gần 6 tháng nay (từ sau khi cơn lũ quét vào cuối tháng 6/2011), người dân trong xã không có nước sạch để dùng. Bà con ngày nào cũng phải vào suối sâu trong rừng để cõng nước. Nước sạch không đủ dùng nên sinh ra nhiều bệnh tật, dân vất vả lắm". Tại xã Yên Tĩnh, dòng nước khe Chà Hạ chảy qua đặc quánh một màu vàng do nạn khai thác vàng bừa bãi.

"Bể nước chung của cả bản giờ không có nước nữa. Khổ nhất là mười mấy hộ bên kia sông, khi nước dâng cao thì không thể sang bên này lấy nước được. Mà nước sông thì đục, bẩn không thể nào mà dùng được", ông Lô Trọng Đại, Bí thư bản Pa Tý (Yên Tĩnh, Tương Dương) chia sẻ. Cả bản Pa Tý có 304 nhân khẩu/66 hộ thì hiện nay, tất cả đang phải dùng nước khe để sinh hoạt. Vào những buổi không học, các em học sinh phải đi vào khe lấy nước về nấu cơm, nấu nước uống.

Còn tại xã Yên Na, nước lũ đã làm gãy đường ống dẫn nước qua 2 bản Pón và bản Na Pu. Ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã cho biết 2 bản này cũng phải dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã hơn 6 tháng nay. "Xã đã nhiều lần xin kinh phí hỗ trợ của cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì", ông Thơm cho biết. Tại các xã khác như Yên Hòa, Xiêng My, các công trình nước sạch cũng bị hư hại. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan là mưa lũ, thì một nguyên nhân chủ quan không kém phần quan trọng là ý thức của người dân. Hiện nay, người dân chưa có thói quen giữ gìn, bảo quản tốt các công trình nước sạch. Điều này dẫn đến việc các công trình này sẽ dễ hư hỏng hơn khi có mưa lũ xảy ra.


Ngoài ra, tại các xã: Yên Hòa, Xiêng My, Nga My, Thạch Giám, Tam Hợp... nhiều công trình nước sinh hoạt cũng trong tình trạng tương tự. Ông Hoàng Sỹ Thìn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: "Huyện đã có công văn trình lên UBND tỉnh xin được hỗ trợ về nguồn vốn, nhưng hiện nay chỉ mới các xã thiệt hại nặng được hỗ trợ mà thôi. Nguồn vốn được hỗ trợ là 500 triệu đồng, chúng tôi sẽ tu sửa lại các bể nước hư hỏng, hàn nối lại các đường ống dẫn nước bị gãy, rỉ sét trong đợt lũ vừa qua".


Ông Thìn còn cho biết thêm hiện nay đời sống của người dân các xã trên đang còn rất nhiều khó khăn. Nguồn nước khe, nước suối đã bị biến màu bởi nạn khai thác vàng bừa bãi. Nếu như tình hình người dân còn phải dùng nguồn nước khe, nước suối làm nước sinh hoạt thì nguy cơ bệnh tật là rất cao.


Thiết nghĩ, để đảm bảo đời sống cho người dân sớm được ổn định, các cấp, ngành cần sớm hỗ trợ các xã về vốn tu sửa lại các công trình nước sạch để sử dụng lâu dài.


Phạm Bằng