Phát triển cây mây ở Tương Dương

18/12/2011 16:04

(Baonghean.vn) Được sự tài trợ của tổ chức Oxfam Hồng Kông, đồng bào dân tộc ở huyện Tương Dương được hỗ trợ vườn ươm phát triển mây để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.


Trước đây, địa bàn huyện Tương Dương có nguồn mây rừng rất lớn. Tuy nhiên, khoảng 15 năm về trước, người dân trong huyện đã khai thác cạn kiệt nguồn mây rừng để bán cho các cơ sở chế biến mây trong và ngoài tỉnh, địa phương không có chính sách quản lý bền vững nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tái sinh của cây mây rừng. Hiện mây rừng trong huyện không còn nhiều, chỉ còn trong khu rừng phòng hộ đầu nguồn, các vùng sâu đi lại khó khăn, nơi người dân hầu như không thể khai thác được.



Vườn ươm mây tại bản Văng Môn xã Yên Hòa-Tương Dương


Được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam tiến hành nghiên cứu với sự tài trợ của tổ chức Oxfam Hồng Kông tại Việt Nam, kế hoạch trồng mây được thực hiện tại 4 xã thuộc huyện Tương Dương là: Nga My, Xiêng My, Yên Hòa và Yên Thắng. Đây là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đang được UBND huyện Tương Dương và các tổ chức dành nhiều quan tâm, nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống. Hiện tại, hai vườn ươm mây giống, quy mô 500 m2/vườn được xây dựng tại xã Yên Hòa và Yên Thắng, nhằm cung cấp cây giống với giá thành hạ hơn, chất lượng đảm bảo hơn so với việc phải mua từ các tỉnh khác cho người trồng mây trong vùng. Vườn ươm cũng sẽ là điểm thực hành cho nông dân. Việc quản lý vườn ươm được giao cho hộ nông dân đảm nhiệm. Toàn bộ vật tư phân bón, hạt giống và kỹ thuật được dự án hỗ trợ. Hộ tham gia chịu trách nhiệm về vật liệu làm giàn che bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương và toàn bộ công lao động xây dựng vườn ươm, chăm sóc, đảm bảo cây giống sinh trưởng phát triển tốt. Hộ làm vườn ươm, chỉ được bán giống cho các hộ trồng mây thuộc dự án với giá tối đa bằng 70% giá cây giống trên thị trường, dưới sự giám sát của Ban Quản lý thôn và UBND xã.

Từ ngày tham gia ươm vườn mây giống cùng với 7 gia đình khác trong bản, chị Vi Thị Thơm ở bản Văng Môn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương ngày nào cũng dậy sớm ra vườn ươm, cuốc đất, đập sàng đất cho thật nhỏ, trộn với phân NPK rồi bỏ vào túi bóng nhỏ, làm thành từng bầu khoảng nửa tháng cho hạt giống mây rồi ươm xuống ruộng. Hàng ngày chị xuống suối gánh nước tưới cho các bầu mây đã nảy mầm lên cây. Chị Thơm chia sẻ: Từ ngày có công việc mới, chúng tôi vui lắm, giờ ngày nào cũng có việc để làm chứ không còn ở nhà chơi không như trước nữa. Những hộ nghèo rất muốn tham gia trồng mây để cải thiện cuộc sống"....


Vườn ươm giống mây ở Yên Hòa là mô hình thí điểm đầu tiên của huyện Tương Dương. Giá mây hiện nay bán tại địa phương là 4.000 đồng/kg thì tổng thu hàng năm có thể đạt 42 triệu đồng/ha (tính bình quân cho một chu kỳ 20 năm), thu nhập thuần là 32,3 triệu đồng/ha và lãi thuần là 19,9 triệu đồng/ha. Đây cũng được đánh giá là một mức thu nhập cao so với một số cây trồng khác trong cùng điều kiện. Ngoài lợi ích mang lại cho người trực tiếp trồng mây, việc phát triển cây mây trên địa bàn còn có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành nghề thủ công, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn.

Hiện tại toàn huyện có 10 xã, có các hộ là dân tộc Thái, Khơ mú đang làm nghề đan mâm, ghế ngồi bằng nguyên liệu mây nước, mây nếp và tre phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất. Theo ước tính, nhu cầu về mây của các doanh nghiệp trong tỉnh trong các năm tới khoảng 3.000 tấn/năm. Trong đó, cả nước có gần 38% số làng nghề thiếu nguyên liệu mây để sản xuất. Hiện nay, sản lượng mây trong nước chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu, 35% mây phải nhập khẩu từ Lào, Malaixia và Indonexia, ... với số lượng trên 30 ngàn tấn/năm. Như vậy, việc phát triển trồng mây của Tương Dương nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu nguyên liệu về mây của thị trường.


Mô hình trồng mây sẽ nhân rộng ở các địa phương trong huyện và được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện vùng núi cao này.


Thanh Lê