Bài 1: Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

23/12/2011 15:02

(Baonghean.vn) Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu -ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ: Quỳnh Lưu đang có ý định xây dựng diện tích sản...

(Baonghean.vn) Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu -ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ: Quỳnh Lưu đang có ý định xây dựng diện tích sản xuất rau sạch theo công nghệ nhà lưới ở Quỳnh Lương, dự kiến thí điểm trên diện tích 10 ha, từ đó nhân rộng. Hiện các siêu thị ở Vinh như BigC, Metro đã đặt vấn đề mua rau sạch, huyện đang phấn đấu xây dựng vùng sản xuất rau theo công nghệ cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe khi "vào" siêu thị.

Còn ông Hồ Cảnh Sáu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Toàn xã hiện có 180 ha rau sản xuất hàng hóa, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Vùng sản xuất được quy hoạch tập trung, liền vùng liền thửa, từ đó tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.



Ngành nông nghiệp khảo nghiệm giống lúa mới tại Diễn Châu


Tại huyện lúa Yên Thành, những năm gần đây, phong trào chuyển đổi ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng phục vụ xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh đang được đẩy mạnh, phát triển khá rầm rộ. Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tập trung chuyển đổi vùng sản xuất lúa kém hiệu quả ở các xã vùng cao sang sản xuất màu và bước đầu đã hình thành được các vùng màu chuyên canh ở Thịnh Thành, Quang Thành, Tây Thành...

Đối với cây lúa, hình thành vùng lúa thâm canh cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng rộng rãi nhiều tiến bộ về giống với các giống mới như Nhị Ưu 986, giống chất lượng cao Bắc Thơm, BC15, AC5 ... Đặc biệt, huyện đã có chủ trương từng bước hình thành vành đai rau an toàn đủ sức phục vụ cho nhu cầu thị trường, theo đó dự kiến đến năm 2015 sẽ có trên 500 ha rau sản xuất theo công nghệ rau an toàn, tập trung ở các vùng gần trục đường giao thông, vừa có quỹ đất tạo vùng sản xuất tập trung, vừa thuận tiện cho tiêu thụ và vận chuyển.

Giám đốc Sở NN và PTNT- ông Nguyễn Thọ Cảnh cho biết: Những năm qua, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các tiến bộ KHKT về giống và đầu tư chăm sóc đã được tiến hành đồng loạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cả về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng phát triển duy nhất của nền nông nghiệp Nghệ An là phải từng bước sản xuất với quy trình công nghệ cao, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với khối lượng lớn, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và độ an toàn.


Trong định hướng của mình, ngành Nông nghiệp sẽ trình tỉnh chọn một số loại nông sản chủ lực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng và Nghệ An có lợi thế như: lạc, rau củ quả, lúa..., từ đó từng bước xây dựng thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm sạch, có xuất xứ, đã qua kiểm nghiệm và có cam kết với người tiêu dùng về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, mới có thể vào được các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như các siêu thị, thậm chí các nước ở thị trường châu Âu, để từ đó mới có thể tạo được giá trị cao cho sản xuất nông nghiệp.


Để xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, phong trào chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt ở các huyện đồng bằng. Các vùng sản xuất tập trung dần được hình thành. Ông Nguyễn Thọ Cảnh cho rằng:Đểthực hiện thành công dồn điền đổi thửa, trong điều kiện thực tế của tỉnh ta hiện nay, có thể thực hiện theo phương thức tạo điều kiện cho người dân được cho thuê và thuê lại đất. Những cá nhân hay tập thể có điều kiện về kinh tế, có khả năng đầu tư sẽ có cơ hội có được những vùng đất rộng lớn, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh một loại cây trồng, đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao.


Hiện ngành Nông nghiệp đang có kế hoạch xây dựng, trình quy hoạch để Bộ Nông nghiệp trình Thủ tướng cho xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước hết là ở Phủ Quỳ. Nếu được phê duyệt, các doanh nghiệp hiện đang đầu tư sản xuất các loại cây nguyên liệu như mía, lạc, rau quả... sẽ phải chủ động nâng cấp, bổ sung các điều kiện để trở thành doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Sau khu quy hoạch đầu tiên này, sẽtiến hành xây dựng các cánh đồng mẫu, từ đó nhân rộng trên những diện tích lớn hơn, mục đích nhằm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dù trước mắt, chỉ đang có thể xây dựng ở quy mô nhỏ.


Hiện trên địa bàn Nghệ An đã có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét mà điển hình là dây chuyền chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung củaCông ty Sữa TH ở Nghĩa Đàn, bên cạnh đó là mô hình sản xuất rau củ quả sạch cũng của đơn vị này. Tuy nhiên,với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên cũng như sự quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, việc xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,sản phẩm được sản xuất theo chuỗi quy trình khép kín là điều hoàn toàn có thể. Trong quy hoạch của mình, Nghệ An chủ trương xây dựng những vùng sản xuất này trên cơ sở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh của tỉnh như vùng lạc (Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu), vùng rau (Quỳnh Lưu, Thái Hòa, Nghĩa Đàn...), vùng chè (Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông và Kỳ Sơn), vùng lúa (Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương...)...


Phú Hương