Sông "nuốt" đất nông nghiệp

28/12/2011 15:26

(Baonghean.vn) - Là xã thuộc vùng hạ lưu và trũng nhất của huyện Nam Đàn, năm nào ngập lụt, đất nông nghiệp ở Nam Cường lại bị sạt lở.

Ông Nguyễn Bá Thắng (xóm 4 Nam Cường) cho biết: "Nhà tôi canh tác trên vùng đất này đã lâu. Trong khoảng 3 năm qua, tình trạng sạt lở đất đã khiến gia đình tôi mất gần một nửa diện tích. Chúng tôi đã cố gắng đóng nhiều cọc tre, dây chằng đầu bờ nhưng chẳng ăn thua gì".

Theo người dân, tình trạng lở đất trở nên mạnh hơn bắt đầu từ khoảng tháng 9/2011 đến nay. Từ thời điểm đó, nước sông đã lấn vào đất ven bờ trung bình từ 5 -10 mét. Chị Nguyễn Thị Hoa, một nông dân xóm 4, Nam Cường thở dài: "Đất lở nhiều đến nỗi chúng tôi cũng bất ngờ. Cách đây 2 tháng, khi chúng tôi trỉa ngô nước sông còn ở ngoài kia. Thế mà bây giờ ra làm cỏ, nó đã lở mãi vào trong này rồi. Cứ đà này thì ít năm nữa chắc chúng tôi cũng chẳng còn đất mà sản xuất!"



Tình trạng sạt lở đất nông nghiệp đang xảy ra hết sức nghiêm trọng ở Nam Cường (Nam Đàn).


Ông Thái Hồng Sơn, Chủ tịch UNBD xã Nam Cường cho biết: "Tình trạng lở đất ở đây đã diễn ra trong hàng chục năm qua. Trước đây, khi bãi đất ven sông còn rộng, đã có hẳn 5 xóm sinh sống ở đó. Từ năm 1960 về sau, lần lượt các xã đã phải di cư đến những nơi khác như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn..., cho đến sau trận lụt lịch sử 1978, cơ bản người dân sống ven sông Lam đã di cư hết. Trong mấy chục năm qua, cả trăm ha đất sản xuất của xã Nam Cường đã bị lở xuống sông. Hiện tại, diện tích đang bị sạt lở nặng nề nhất dài khoảng 3km, tính từ cầu Yên Xuân, cũng chỉ còn vẻn vẹn 7 ha thuộc phần canh tác của người dân xóm 4".

Theo ông Sơn, từ sau đợt lũ hồi đầu tháng 9/2011, tình trạng sạt lở đất càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Năm 2007, ngành đường sắt đã cho đóng một hàng cọc bê tông dài chừng 2km để "gia cố" cho diện tích đầu bờ, cũng là để đảm bảo hệ thống thông tin đường sắt qua đoạn cầu Yên Xuân. Thế nhưng sau gần 4 năm, hàng cọc trước đây vốn được dựng trên diện tích đất sản xuất của bà con "bỗng nhiên" đã "di dời" ra giữa lòng sông. Sau chừng ấy thời gian, nước sông đã ăn vào bờ chừng 30m, có chỗ thậm chí lên đến 40-50m.


Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lở đất đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay, theo ông Sơn, đó là nạn khai thác cát ồ ạt quanh khu vực cầu Yên Xuân. "Hiện tại có cả chục bến cát sạn quanh khu vực này, hàng chục tàu thuyền hút cát ngày đêm. Lòng sông ở đây có nhiều điểm xoáy lớn, đặc biệt là dưới chân cầu Yên Xuân khiến luồng nước chảy mạnh hơn. Chúng tôi đã chủ động lập các tổ tuần tra, trực tiếpxuống lòng sông để đối phó với nạn khai thác cát, nhưng do lực lượng quá mỏng, trong khi các đối tượng lại quá nhiều và có liên kết với nhau nên đành bất lực. Thậm chí có hôm, các đối tượng còn chống trả lực lượng của chúng tôi".


Vớitình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, không những bà con nông dân xã Nam Cường phải chịu thiệt, mà ngay cả ngành đường sắt cũng bị ảnh hưởng. Cầu đường sắt Yên Xuân, nút giao thông huyết mạch đã và đang chịu hậu quả từ tình trạng xói và sạt lở hai bên chân cầu. "Hiện đường dây thông tin đường sắt đang chực đổ xuống sông, chúng tôi đã có văn bản gửi trực tiếp đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu không có biện pháp kịp thời, hậu quả để lại sẽ rất khó lường"- Chủ tịch UBND xã Nam Cường lo lắng.


Cao Văn Thái