Không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng Tết
Cho dù chưa có báo cáo chính thức về Bộ LĐTB-XH về mức lương, thưởng Tết năm 2011 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch chi thưởng. Khi mức tiền thưởng của một số công ty công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người mừng thì không ít người lao động lại buồn tê tái vì có nằm mơ cũng không tới.
Cho dù chưa có báo cáo chính thức về Bộ LĐTB-XH về mức lương, thưởng Tết năm 2011 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch chi thưởng. Khi mức tiền thưởng của một số công ty công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người mừng thì không ít người lao động lại buồn tê tái vì có nằm mơ cũng không tới.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu chế xuất- Khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh -Hepza, cho đến ngày 20-12, đã có hơn 160 doanh nghiệp công bố tình hình lương thưởng của năm 2011. Trong đó, mức thưởng cao nhất đến thời điểm này thuộc về một doanh nghiệp trong nước, thuộc Khu công nghiệp Hiệp Phước với hơn 99 triệu đồng.
Ngày 20-12, Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết đã có 8 công đoàn cấp cơ sở báo cáo nhanh về tình hình thưởng Tết năm 2012. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng cao nhất là 65 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng. Các công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã có mức thưởng cao nhất 50 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng. Đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước báo cáo mức thưởng cao nhất năm nay là 15 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng.
Năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất theo báo cáo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 532 triệu đồng, thấp nhất là 900 nghìn đồng và bình quân là 2,7 triệu đồng. Năm nay, theo lãnh đạo cơ quan này, mức thưởng bình quân sẽ cao hơn bởi lương tối thiểu của lao động đã được điều chỉnh tăng từ 29% đến 68,7% vào 1-10-2011. Tuy vậy, số tiền thực lĩnh tăng không đồng nghĩa với việc người lao động được ăn Tết "to” hơn, bởi mức tăng lương vẫn thấp hơn rất nhiều mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Trước thực trạng "im hơi lặng tiếng” của nhiều doanh nghiệp, các Sở LĐ-TB&XH đã chính thức thúc giục các doanh nghiệp trên địa bàn phải báo cáo kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2012 cho người lao động. Theo công văn của Sở LĐ-TB&XH gửi tới các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thì trước ngày 25-12-2011, các doanh nghiệp phải có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Đồng thời không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng dẫn đến bất hòa trong các mối quan hệ lao động. Cũng theo nhận định của Sở, thì dù có báo cáo của doanh nghiệp gửi đến nhưng số liệu cũng chưa hẳn là sát với thực tế.
Về vấn đề này, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng công văn đề nghị các doanh nghiệp báo cáo về tiền thưởng Tết chỉ để nắm tình hình. Bởi thực tế, các doanh nghiệp có nhiều mối lo khác khi Tết cận kề như tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nguồn tiền mặt hạn chế, lãi suất ngân hàng quá cao...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thưởng Tết năm nay, nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không có nguồn dôi dư nào để thưởng Tết cho người lao động. Hiện tại, Vụ Tiền lương đã nhận được nhiều thống kê của doanh nghiệp các tỉnh, thành gửi về nhưng việc phân loại các hình thức doanh nghiệp lại phức tạp và để có số liệu thống kê trước ngày 25-12 là rất khó khăn.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH khẳng định, cần giám sát tránh để tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động.Theo Vietnam+