Nơi nuôi dưỡng niềm tin

14/12/2011 18:19

Các học viên vào đây phần lớn là những đối tượng nghiện ma túy nặng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Từ sự yêu thương chia sẻ, trách nhiệm của cán bộ Trung tâm Lao động xã hội huyện Tương Dương đã tiếp thêm nghị lực để họ yên tâm cai nghiện, sớm  hòa nhập cộng đồng...

(Baonghean) - Các học viên vào đây phần lớn là những đối tượng nghiện ma túy nặng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Từ sự yêu thương chia sẻ, trách nhiệm của cán bộ Trung tâm Lao động xã hội huyện Tương Dương đã tiếp thêm nghị lực để họ yên tâm cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng...

Chiều Tương Dương, trong rét se lạnh của miền sơn cước, theo chân Giám đốc Trung tâm Lao động Xã hội (TTLĐXH) huyện - Lô Văn Phương, chúng tôi vượt qua quả đồi, leo lên lưng chừng núi. Từ trên cao nhìn xuống một màu xanh của đậu, rau, xu hào, bắp cải... trải dài khắp sườn núi, anh Phương không giấu nổi niềm vui: "Thành quả lao động của cán bộ và học viên Trung tâm đó các bạn à". Chúng tôi xuống tận luống rau, ao cá trong khuôn viên của Trung tâm, mỗi người mỗi việc, người múc nước tưới luống rau cải vừa mới mọc, một số người đang làm giàn cho hàng cây đậu ve, người thì thu hoạch đậu xanh trên sườn núi, người thì thái chuối cho đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng đang đói ăn... tất cả tạo nên khí thế lao động sôi nổi, vui tươi là bài thuốc quý giá giúp các học viên của Trung tâm cắt cơn nghiện ma túy từng hoành hành thể xác và tâm hồn của họ.

Là người lớn tuổi, có "thâm niên" nghiện ma túy do trình độ nhận thức còn hạn chế, ma túy đã làm cho gia đình anh Lô Tiến An, 42 tuổi ở xã Xiêng My - Tương Dương trở nên lao đao khốn đốn. Cuộc sống gia đình chỉ nhìn vào nương rẫy không đủ ăn, trụ cột gia đình lại nghiện ma túy nên 3 đứa con không có điều kiện học hành. "Vào đây được cán bộ giáo dục, cảm hóa, tôi nhận thức, mở mang hiểu biết được nhiều điều hay lẽ phải và tập trung cai nghiện để sớm trở về với gia đình. Từ bài học của bản thân mình tôi sẽ tuyên truyền bà con dân bản hiểu biết tác hại và tránh xa ma túy"- Anh Lô Tiến An tâm sự. Các học viên ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, người lớn tuổi đã làm ông ngoại nhưng họ cùng chung mục tiêu là nỗ lực cố gắng lao động, vượt qua chính mình, từ bỏ ma túy để sớm trở về với gia đình, cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.



Học viên Trung tâm LĐXH huyện Tương Dương tăng gia sản xuất.

Anh Phương cho biết: Hiện tại, TTLĐXH huyện Tương Dương đang quản lý, chăm sóc 102 học viên, chủ yếu là đối tượng nghiện ma túy nặng thuộc diện cai bắt buộc. Các học viên phần lớn là nam giới người dân tộc Thái, Khơ mú, Kinh, tuổi đời từ 17-30 chiếm 80%. Trung tâm có 20 cán bộ, cơ sở vật chất gồm 2 dãy nhà cho học viên có 12 phòng cùng với các trang thiết bị y tế, dạy nghề, tạo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho học viên tương đối đầy đủ. Trung tâm tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy từ công an, tổ chức phân loại đối tượng, độ tuổi, loại nghiện, hình thức nghiện. Tổ chức khám sức khỏe cho đối tượng, đưa vào phòng cắt cơn nghiện từ 10-15 ngày. Đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với cán bộ của Trung tâm. Các đối tượng vào đây phần lớn là nghiện nặng nên việc cắt cơn rất vất vả, có nhiều đối tượng không hợp tác, chống cự quyết liệt. Nhưng cán bộ Trung tâm khi tiếp cận học viên luôn kiên trì, nhẹ nhàng, từng bước cảm hóa, thuyết phục các đối tượng yên tâm tập trung cai nghiện. Sau giai đoạn cắt cơn, các học viên được Trung tâm tổ chức thành 5 nhóm: tự quản, an ninh, vệ sinh môi trường, lao động sản xuất, bạn giúp bạn, tổ chăn nuôi.

Để tạo việc làm, cải thiện đời sống cho học viên, Trung tâm tổ chức cho anh em khai hoang diện tích đất ven đồi trồng rau, trỉa đậu, trồng cỏ, đào ao thả cá, chăn nuôi gà lợn... tạo thành một trang trại tổng hợp khép kín. Sản phẩm do học viên và cán bộ làm ra không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày, mà còn cung cấp cho nhân dân vùng quanh thị trấn. Và điều quan trọng hơn là qua lao động để học viên thấm nhuần được ý nghĩa, giá trị thành quả từ công sức của mình. Từ đó họ hiểu được giá trị cuộc sống, toàn tâm toàn ý tập trung cai nghiện tốt để sớm hòa nhập cộng đồng.

Cùng với tổ chức cho các học viên lao động sản xuất, sau mỗi ngày lao động, các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông giúp các học viên rèn luyện sức khỏe. Hàng tuần, Trung tâm tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ với sự tham gia của cán bộ và học viên. Qua các buổi sinh hoạt vừa nâng cao đời sống tinh thần, vừa tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật cho học viên. Các học viên cai nghiện thành công nói chuyện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các học viên trong Trung tâm. Đồng thời, mỗi năm tổ chức họp phụ huynh 2 lần để gia đình nắm được tình hình của con em mình, đồng thời phối hợp với Trung tâm tuyên truyền, động viên để học viên yên tâm cai nghiện. Mặt khác, Trung tâm còn phối hợp cùng chính quyền địa phương xã Thạch Giám và Thị trấn Hòa Bình đảm bảo an ninh trật tự, trong năm qua không có hiện tượng học viên bỏ trốn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh của các địa phương nơi trung tâm đứng chân.

Đáng quý là khi tiếp xúc với các học viên, họ đều dành tình cảm trân trọng đối với các cán bộ ở đây. Trong Trung tâm không có sự phân biệt, kỳ thị với học viên. Các hoạt động của học viên đều có sự tham gia của cán bộ Trung tâm, từ cùng nhau lao động sản xuất đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao. Anh Lô Văn Hải - Y sỹ của TTLĐXH Tương Dương cho biết: "Cùng động viên chia sẻ, tư vấn cho học viên với thái độ nhẹ nhàng, gần gũi thân mật. Vì thế học viên luôn xem cán bộ như là cha mẹ, anh chị mình để tạo niềm tin cho họ yên tâm cai nghiện".

Chia tay sau một ngày cùng ăn, cùng ở với cán bộ học viên của TTLĐXH huyện Tương Dương, điều mà chúng tôi cảm nhận, học tập được đó là tình cảm yêu thương đùm bọc, chia sẻ của cán bộ với học viên nơi đây. Chính tình cảm đó là động lực, niềm tin cho những người lầm lỡ vượt qua cám dỗ của ma túy trở lại cuộc sống đời thường.


Thanh Lê