Tăng giá và gánh nặng kiềm chế CPI
Đầu năm, nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá nhanh đang đè nặng nhiệm vụ giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng ở mức 1 con số như Chính phủ đề ra.
Hàng hóa, dịch vụ đua nhau tăng giá
Các bà nội trợ không khỏi ngỡ ngàng khi đi chợ những ngày này. Mỗi hôm một giá, mỗi nơi một giá khác nhau, tùy theo “tình hình thời tiết” và “ngẫu hứng” của người bán.
Người bán lấy lý do thời tiết lạnh giá, khan hàng nên mặc sức đẩy giá thực phẩm lên vô tội vạ. Mặt hàng tăng ít cũng từ 5-10%; mặt hàng tăng nhiều như rau xanh thì tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Không những vậy, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ cũng đồng loạt tăng giá ngay từ đầu năm càng khiến đời sống của những người có thu nhập thấp trở nên khó khăn hơn.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng đang tăng giá từng ngày
Có thể kể đến như, giá gas tăng thêm 24.000 đ/bình 12kg và hôm qua giá gas tiếp tục tăng thêm 8.000 đ/bình; giá nước sạch tại TP HCM tăng từ ngày 1 vừa qua; rồi phí cấp biển ô tô, xe máy, phí trông giữ xe.v.v. cũng đã tăng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Cùng với các loại phí này, giá cước vận tải đường bộ, đường sắt, đường không đều tăng khá mạnh.
Trước đó, vào ngày 20/12/2011, điện cũng đã được điều chỉnh lên thêm 62 đồng/kWh, tăng thêm 5% so với giá cũ. Như vậy, ngay từ những ngày đầu của năm mới này, hầu bao của người tiêu dùng đã bị móc sâu thêm vốn đã ít ỏi đi rất nhiều sau năm 2011 biến động.
Kiểm soát bán buôn, dự trữ hàng
Đã thành thông lệ, cứ đến đầu năm mới dương lịch và cận Tết Nguyên đán, hàng loạt mặt hàng cứ tăng giá phi mã mà chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện đang có tình trạng đầu cơ và lợi dụng tình hình thời tiết bất lợi để tăng giá. Để ngăn chặn tình trạng này, bài toán cơ bản nhất là cân đối cung – cầu và tạo thuận lợi trong lưu thông; giảm bớt các đầu mối trung gian.
Theo ông Phú, phải kiểm soát chặt chẽ bán buôn để chi phối bán lẻ, nhất là bán buôn những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, thịt, đường, xăng dầu, sắt thép, phân bón… Chính phân khúc bán buôn thời gian qua lũng đoạn thị trường mà chưa có ai đề cập.
Ví dụ, có thời điểm các siêu thị không thể mua đường ăn trực tiếp từ các nhà máy mà phải mua qua mấy tầng nấc đại lý, giá được đẩy lên cao. Hay nhà nước trợ giá cho sản xuất phân bón trong nước, nhà máy bán ra cho đại lý thấp hơn giá bán nhập khẩu 5.000 đ/kg, nhưng đến tay người nông dân giá phân bón trong nước và nhập khẩu vẫn ngang bằng nhau. Đại lý được trục lợi.
Một giải pháp nữa, ông Phú đề xuất là Nhà nước bỏ tiền ra dự trữ hàng hóa, thực phẩm trong những thời điểm nhạy cảm như Tết chẳng hạn để sẵn sàng tung ra thị trường bình ổn. Thế nhưng hiện nay không có.
Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần chú trọng giải pháp hỗ trợ nông dân trồng trọt và chăn nuôi để tăng lượng hàng hóa trong lưu thông, thay vì chỉ chú trọng vào công tác hỗ trợ giá cho doanh nghiệp phân phối để bình ổn như hiện nay.
Đơn cử, thành phố Hà Nội chi hơn 400 tỷ đồng cho bình ổn giá so với tổng mức tiêu dùng 1 tháng cao điểm của Thành phố là hơn 25.000 tỷ đồng là quá nhỏ để bình ổn được thị trường. Không những vậy, việc hỗ trợ này vô tình chảy vào túi lợi nhuận của các đầu mối trung gian, còn người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng hưởng lợi từ chính sách này không đáng là bao.
Về phương diện vĩ mô, Nhà nước có chính sách quản lý chặt chẽ đối với các mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu. Người dân khó có thể hài lòng với việc giá một số mặt hàng độc quyền cứ tăng đều đặn để bù lỗ, trong khi lương cán bộ công nhân viên ngành đó vẫn thuộc vào nhóm cao nhất cả nước.
Cạnh đó, trong khi cả nước đang nỗ lực kiểm soát giá, bình ổn thị trường thì bất ngờ một số mặt hàng thiết yếu lại tăng giá, tạo tâm lý tích trữ đầu cơ, ăn theo. Do vậy việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu nào, ở thời điểm nào với mức tăng bao nhiêu để tác động thấp nhất tới mặt bằng giá cả chung là vấn đề được đặt ra.
Nhìn lại điều hành giá năm 2011 cho thấy, giá cả nửa đầu năm gần như vượt khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, lệch khỏi quy luật lạm phát giảm dần các tháng sau Tết. Sau đó 5 tháng cuối năm, tình hình bắt đầu dịu hơn nhờ vào sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Bài học rút ra là có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành cũng như là các địa phương trên cả nước ngay từ những ngày đầu của năm, từ công tác dự báo cung – cầu hàng hóa, điều hành, cho đến kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu và những chính sách vĩ mô là tiền tệ và tài khóa thắt chặt để giảm cung tiền thì mới mong đạt mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức 1 con số như Chính phủ đã đề ra./.
Theo VOV