Cần sự thống nhất

05/12/2011 16:40

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, một số môn thể thao truyền thống ở tỉnh ta đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc đưa các môn thể thao truyền thống vào trường học là một hướng đi đúng nhằm bảo tồn, phát huy di sản quý này. Mặc dù Bộ GD - ĐT đã có chủ trương, song cho đến nay, các môn thể thao truyền thống vẫn vắng bóng trong các nhà trường.

(Baonghean) - Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, một số môn thể thao truyền thống ở tỉnh ta đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc đưa các môn thể thao truyền thống vào trường học là một hướng đi đúng nhằm bảo tồn, phát huy di sản quý này. Mặc dù Bộ GD - ĐT đã có chủ trương, song cho đến nay, các môn thể thao truyền thống vẫn vắng bóng trong các nhà trường.

Nam Đàn là đất vật, song hiện nay, môn vật vẫn chưa được giảng dạy trong chương trình môn thể dục của các nhà trường. Anh Nguyễn Xuân Tám, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện, cho biết: "Hiện môn vật vẫn chưa được đưa vào nhà trường do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể của cơ quan quản lý giáo dục". Chỉ một số em có lòng đam mê tự đăng ký học. Các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, chơi đu, đi cà kheo, tò lẻ, chọi gụ, leo núi... vẫn chưa có mặt trong chương trình giảng dạy môn thể dục (phần tự chọn) của các huyện miền núi. Thầy Hoàng Xuân Hạnh, chuyên viên Phòng GD - ĐT Tân Kỳ, cho biết: "Cho đến nay, mặc dù đã có chủ trương, ngành Giáo dục Tân Kỳ vẫn chưa triển khai giảng dạy các môn thể thao dân tộc trong nhà trường. Sắp tới, trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng các cấp, Tân Kỳ sẽ đưa các môn thể thao dân tộc vào nội dung thi đấu". Thầy Hạnh cho biết, nguyên nhân chưa triển khai được ngoài lý do chưa có chương trình thống nhất từ Sở GD - ĐT thì đội ngũ giáo viên cũng chưa thể đáp ứng được. Chỉ có một số ít giáo viên thể dục là người dân tộc hoặc người địa phương mới thành thạo các môn thể thao dân tộc. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện nhiều trường cũng còn khó khăn. Ví dụ, để giảng dạy môn chơi đu thì phải có sân bãi, phương tiện phù hợp. Một số trường kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư mua sắm các phương tiện tập luyện các môn thể thao tự chọn.



Môn đẩy gậy Ảnh: Đặng Đình Nhật

Thầy Thúc Văn Tài, chuyên viên phụ trách môn thể dục Sở GD - ĐT, cho biết: "Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD - ĐT, Sở GD - ĐT đã hướng dẫn việc triển khai chương trình tự chọn môn thể dục cho các Phòng GD - ĐT và các trường THPT. Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi trường, mỗi địa phương có biện pháp đưa các môn thể thao truyền thống một cách phù hợp. Ví dụ, ở Tương Dương có thể triển khai môn bắn nỏ. Hiện nay, môn vật được triển khai ở một số vùng đô thị như TP.Vinh, TX.Thái Hòa, còn môn Vovinam chỉ mới tổ chức ở chương trình ngoại khóa chứ chưa đưa vào chương trình tự chọn do chưa có giáo viên". Mặc dù Bộ GD - ĐT đã hướng dẫn Sở GD - ĐT có thể biên soạn tài liệu về các môn thể thao phổ biến, có thế mạnh ở địa phương và hướng dẫn thực hiện chương này, nhưng hiện Sở GD - ĐT Nghệ An vẫn chưa có tài liệu, giáo trình cụ thể cho các môn thể thao truyền thống, mà đang giao quyền chủ động cho các nhà trường".

Em Lữ Văn May Tá, lớp 12 B Trường THPT Dân tộc nội trú Tương Dương, cho biết: "Em rất ham thích các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy, song vì trong chương trình môn thể dục chưa có nên bọn em cũng ít có dịp được luyện tập".

Tại Quyết định số 3245/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 22/8/2007 phê duyệt "Đề án phát triển phong trào TDTT miền núi, bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc miền Tây - Nghệ An giai đoạn 2006 - 2020", đã có nội dung đưa các môn thể thao dân tộc vào chương trình ngoại khóa của nhà trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai thực hiện còn rất hạn chế.

Để thực hiện việc đưa các môn thể thao truyền thống vào nhà trường cần có sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh và Sở GD - ĐT cũng như sự nỗ lực lớn của các địa phương, nhà trường.


Trần Quang Đại