Thu hút đầu tư - Vượt bão về đích

03/01/2012 17:04

(Baonghean.vn) - Năm 2011 đánh dấu một năm khó khăn của nền kinh tế nước nhà, với sự sụt giảm, đóng băng của nhiều hoạt động đầu tư. Tuy thế, vượt qua khó khăn, trong năm 2011, Nghệ An đạt được nhiều với kết quả thu hút đầu tư khả quan.

Hoạt động nổi bật nhất trong thu hút đầu tư năm 2011 của Nghệ An là đã liên tục tổ chức các cuộc tiếp xúc, hội nghị về thu hút đầu tư, thể hiện nỗ lực của tỉnh cũng như sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, các doanh nghiệp. Sau thành công của chương trình gặp mặt - tọa đàm "Nghệ An hội nhập và phát triển", gặp mặt một số nhà đầu tư nước ngoài, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bắc Trung bộ vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì và chỉ đạo. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; các Đại sứ quán nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, có sự tham dự của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam và gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đây là Hội nghị Xúc tiến đầu tư cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức cho khu vực Bắc Trung bộ, là hội nghị có số lượng đại biểu nhiều nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Nghệ An. Tại hội nghị, riêng Nghệ An đã ký kết 3 thỏa thuận/4 dự án đầu tư với tổng số vốn cam kết 18.480 tỷ đồng.



Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn "vượt bão", đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Năm 2011 ghi dấu sự "vượt bão" của công nghiệp dệt may. Chưa bao giờ lĩnh vực dệt may được quan tâm đầu tư như hiện nay. Ngoài những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, vẫn còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, đầu tư. Một bức tranh mới với nhiều gam màu sáng đang hiện dần trong công nghiệp dệt may Nghệ An. Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số gần 3 triệu người, trong đó có hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số toàn tỉnh, đồng thời là tỉnh có vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ - những lợi thế đó đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may.

Ngoài một số đơn vị cũ như Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan; Công ty TNHH Phú Vinh; Xưởng may X20 của Công ty May Lam Hồng (Quân khu IV), Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên (tiếp quản từ Công ty CP May Nghệ An) tại KCN Bắc Vinh, có sự tham gia của Công ty TNHH May thêu Khải Hoàn (Anh Sơn) với số đầu tư 40 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có nhiều dự án đã cấp phép đầu tư cũng như trong quá trình tìm hiểu. Nếu như thời điểm nửa đầu năm 2010 về trước, Nghệ An chưa có doanh nghiệp FDI nào đầu tư vào ngành dệt may thì đến cuối năm 2010 có 2 doanh nghiệp FDI 100% vốn của Hàn Quốc được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Nghệ An. Đó là Dự án Nhà máy May công nghiệp HaiVina Kim Liên tại cụm công nghiệp (CCN) Nam Giang (Nam Đàn), Dự án Nhà máy Sản xuất sản phẩm da và dệt may của Công ty Prex Vinh xây dựng tại CCN Lạc Sơn (Đô Lương), tổng mức đầu tư 11,6 triệu USD, công suất 3 triệu sản phẩm/năm. Ngoài ra, có một số nhà đầu tư khác như Công ty TNHH Lan Lan (Nhật Bản) đầu tư tại CCN Thị trấn Yên Thành và Công ty Seoha Brand Networks Inc (Hàn Quốc) tại CCN Diễn Tháp (Diễn Châu)...

Trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, công tác vận động, xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều cố gắng, vượt kế hoạch đề ra cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư, đã thu hút được một số dự án có quy mô đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, do khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng của Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm đầu tư, thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng tới kết quả thu hút đầu tư.

Nhìn chung công tác vận động, thu hút đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phần lớn các dự án FDI năm 2011 vào tỉnh là các dự án dệt may (3/4 dự án). Ngoài ra, cơ cấu về lĩnh vực của các dự án đầu tư còn bất hợp lý. Ông Hoàng Anh Dũng - Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho biết: Đa số dự án có quy mô nhỏ, ít sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao. Các dự án thu hút đầu tư năm 2011 chủ yếu thuộc lĩnh vực đầu tư bất động sản (có 30 dự án, chiếm 42,25% tổng số dự án/13.000 tỷ đồng, chiếm 72,3% tổng vốn đầu tư đăng ký), khoáng sản (16 dự án/815,6 tỷ đồng), chỉ có 7 dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp/734,13 tỷ đồng vốn đăng ký.

Khó khăn chung của tình hình kinh tế cũng khiến cho mục tiêu cũng như quyết tâm nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Nhiều KCN đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn thiếu vắng nhà đầu tư tìm đến. Số dự án đã đăng ký đầu tư thì chậm triển khai, hoặc triển khai với tiến độ cầm chừng. Ông Phan Xuân Hoá - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay, việc quy hoạch các KCN và CCN trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cơ bản là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Sau khi quy hoạch được công bố, có nhiều KCN đã được các nhà đầu tư đến xin chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng. Thế nhưng, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát tăng cao nên hầu hết các nhà đầu tư gặp khó khăn và không thể triển khai dự án. Bên cạnh đó, có một số KCN sau khi quy hoạch sức thu hút đầu tư kém, kêu gọi đầu tư gặp khó khăn do bị các yếu tố hạ tầng không đảm bảo - chủ yếu là đường giao thông, điện nước... "Số vốn hạn hẹp từ ngân sách trong năm nay chúng tôi ưu tiên bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, rất buồn là GPMB ở hầu hết các KCN như Hoàng Mai, Đông Hồi đều vướng" - ông Hoá cho biết.

Năm 2012, Nghệ An đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 18.000 - 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký của các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách tỉnh; vốn thực hiện đạt 8.000 - 10.000 tỷ đồng (bao gồm cả vốn thực hiện của các dự án đã đăng ký giai đoạn 2006 - 2010), chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012, chú trọng thu hút các dự án FDI; mở rộng đối tác và địa bàn tiềm năng, hướng vào các thị trường triển vọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, EU; tập trung kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước theo định hướng xác định.

Trong bối cảnh đồng thời tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, có 3 vấn đề quan trọng, đó chính là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công góp phần làm cho tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả hơn. Dự báo, năm 2012 và những năm tiếp theo, để tăng hiệu quả thu hút đầu tư trên tinh thần tái cơ cấu đầu tư công, giảm phần đầu tư ngân sách thay vào đó là tăng cường các hình thức đầu tư khác như BOT, BT, PPP...

Trước mắt là cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trên cơ sở đó so sánh với các tỉnh khác trong nước, trong khu vực để nhận diện những mặt mạnh và những mặt cần được cải thiện về môi trường kinh doanh ở tỉnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Đây sẽ là cơ sở để các lãnh đạo, cơ quan quản lý các cấp xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước nhằm chung tay cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh.

Nghệ An đang nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội và thực hiện các dự án đầu tư. Chú trọng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư. Với quyết tâm này, cộng với sự điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt và hiệu quả trong năm 2012 của Chính phủ, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các kế hoạch đột phá mà tỉnh dự kiến thực hiện sẽ có nhiều cơ hội để thành công.


Thu Huyền