Thân sỹ Nguyễn Đức Hoành và người chị của Bác Hồ

25/11/2011 20:16

(Baonghean.vn) Tháng 5 năm 1996, đoàn cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh ra thăm Vịnh Hạ Long và Bảo tàng Quảng Ninh....

(Baonghean.vn) Tháng 5 năm 1996, đoàn cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh ra thăm Vịnh Hạ Long và Bảo tàng Quảng Ninh. Xe vừa đến cổng bảo tàng, anh Nguyễn Đức Nựu, cán bộ ra đón chúng tôi. Nghe giọng nói, tôi cười: “Anh ở xứ Nghệ quê choa à?”. Anh vui vẻ: “Bố mẹ tôi ở huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh, học xong đại học tôi được tổ chức phân công về bảo tàng này. Rồi anh mời chúng tôi vào phòng khách uống nước, thăm bảo tàng.

Tối hôm đó ra nhà khách chơi, vui câu chuyện của người xa quê, anh tâm sự: “Tôi có người ông là thân sỹ Nguyễn Đức Hoành, bạn thân với cô Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ”. Bên chén trà thơm, anh kể...

Ông Nguyễn Đức Hoành sinh năm 1881, mất năm 1968, ở làng Đức Lâm, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thời tuổi trẻ, ông học giỏi, hiểu sách thuốc. Những năm sống ở Huế, ông đã từng chữa bệnh cho mẹ vua Bảo Đại, được thưởng một đồng tiền vàng và áo vân sa về biếu mẹ. Ở bên cầu Tràng Tiền, lại làm nghề Đông y, ông đã quen biết cô Nguyễn Thị Thanh, cũng là một người chữa bệnh cho dân, được, mọi người nể trọng.



Về thăm Làng Sen quê Bác. Ảnh: S.M

Cô Thanh có tên chữ là Bạch Liên nữ sĩ, thời còn trẻ tham gia hoạt động yêu nước. Đến năm 1910, trong một chuyến đi liên lạc với nghĩa quân Đội Quyên, Đội Phấn, cô bị thực dân Pháp đón bắt ngay giữa đường. Cô đã thông minh nhanh chóng thủ tiêu các tài liệu bí mật mang theo người. Tuy vậy, thực dân Pháp vẫn bắt cô nhốt vào nhà tù và dùng hết mọi thủ đoạn tra tấn giã man. Không những thế, chúng còn lột trần cô ngâm vào bể nước từ sáng đến trưa. Chúng còn sai lính lấy nước đá đập nhỏ bỏ vào bể ướp cô đến chiều. Nhưng lòng yêu nước, chí trung kiên đã giúp cô vượt qua được tất cả. Cuối cùng, không có tang chứng cụ thể, chúng buộc phải thả cô ra khỏi nhà tù. Cô mở quán cơm kề Thành Vinh, năm 1918 xẩy ra vụ Nguyễn Kiên - lính khố xanh yêu nước đã bí mật vào thành lấy súng giấu ở hầm dưới giường quán cơm. Tiếp đó, Nguyễn Kiên và cô Thanh đem súng cất nơi khác, trên đường về qua nghĩa địa Chùa Diệc, gặp đội tuần tra, bị chúng bắt.

Tháng 6/1918, Khâm sứ Trung Kỳ mở phiên toà xét xử tử hình và tù khổ sai 8 người. Riêng cô Nguyễn Thị Thanh phải chịu án đánh 100 trượng và tù khổ sai 9 năm đày cách quê hương 300 dặm. Bản án được Khâm sứ Trung Kỳ duyệt ngày 14/11/1918. Thi hành bản án ngày 2/12/1918, chúng đưa cô Thanh giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Ra tù, cô về Huế. Ít lâu sau, cô tìm cách đưa hài cốt người mẹ kính yêu là bà Hoàng Thị Loan từ núi Ngự Bình về quê nhà Kim Liên. Năm 1926, cô gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ đòi ân xá cho vua Thành Thái và vua Duy Tân đang bị giam giữ. Năm 1929, nghe tin cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của cô qua đời, cô rời Huế vào Cao Lãnh – Sa Đéc để viếng cha và cảm ơn bà con cô bác đã chôn cất cụ Phó Bảng chu toàn. Năm 1940, cô về sống ở Thị trấn Sa Nam (Nam Đàn) tiếp tục làm nghề bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho dân, vui thú với các cháu nhỏ thôn quê. Đối với bọn quan lại ở Nam Đàn, cô tỏ ra khinh bỉ, có lần đi chợ Sa Nam, thấy tên đồn trưởng ỷ thế cướp giật gà vịt của dân, Cô đã đánh cho nó một bạt tai...(1)

Năm 1954, khi nghe tin cô Nguyễn Thị Thanh qua đời ở làng Sen (Kim Liên), ông Nguyễn Đức Hoành đã đi bộ từ làng Đức Lâm (Đức Thọ - Hà Tĩnh), tay dương ô đen, chân đi guốc mây, quần trắng áo dài thâm ra viếng cô. Trước tang lễ, bùi ngùi thương cảm, kính trọng một con người đã vào sinh ra tử, vì nước vì non, ông đã cảm tác khóc cô Thanh mấy vần thơ:

Cưỡi hạc lên tiên bổng vút xa,

Tái sinh trần thế nữa không bà.

Linh hồn biết có còn yêu nước,

Cách mạng không quên tự học nhà.

Gót ngọc đôi hàng ngày vắng mẹ,

Gan vàng nghìn dặm buổi theo cha.

Nghìn năm trung hiếu còn bia miệng,

Kỷ niệm nào quên gái nước ta!

Ông Nguyễn Đức Hoành có 23 vị thuốc Nam, chữa những bệnh hiểm nghèo. Khoảng năm 1961-1962, ông hiến cho Viện Đông y Trung ương. Hiến xong, ông viết thư báo cáo Bác Hồ. Nhận được thư của ông Hoành, Bác Hồ viết trả lời, thư có đoạn: “Thưa cụ, tôi cũng chỉ là người đầy tớ trung thành của nhân dân, việc gì ích nước lợi dân thì cụ hãy ra sức làm, lương y như từ mẫu”.(2)

Câu chuyện về thân sỹ Nguyễn Đức Hoành viếng cô Nguyễn Thị Thanh cách đây đã 57 năm, còn lưu lại trong ký ức của các cụ lão thành ở Kim Liên (Nam Đàn) và Đức Lâm (Đức Thọ). Ghi lại những kỷ niệm ấy, chúng tôi muốn tìm hiểu tính cách người chị gái của Bác, góp phần nghiên cứu quê hương, gia thế của Người, phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

___________________

(1).Quê hương, gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trần Minh Siêu biên soạn): NXB trẻ 2009, trang 97.

(2). Ông Nguyễn Ngọc Kiên, ông Nguyễn Văn Kỳ (người bà con của cụ Nguyễn Đức Hoành) ở xã Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh cung cấp.


Phan Xuân Thành