Quyết tâm “giữ chân” học sinh Đan Lai

15/01/2012 15:02

(Baonghean.vn) - C

(Baonghean.vn) - Cách đây 2 năm, ở bản Thín xã Lục Dạ, huyện Con Cuông chưa có một ai học lên lớp 6. Trưởng bản khi đó cũng chỉ có trình độ lớp 3. Để lên học cấp 2, các em nhỏ bản Thín cũng phải vất vả không kém gì những em học sinh Đan Lai xã Môn Sơn trên thượng nguồn sông Giăng, khi phải vượt qua hàng chục ngọn núi và mất 5 giờ đồng hồ để đến lớp.

Nói về sự xa xôi cách trở, bản Thín không thể sánh bằng những bản trên thượng nguồn sông Giăng và từ hàng chục năm nay đã có một con đường rải nhựa vào Khu du lịch Thác Kèm ngang qua gần bản. Nhưng xem ra con đường nhựa đó không có nhiều ý nghĩa đối với học sinh bản Thín. Nếu muốn xuôi theo đường nhựa ra xã Yên Khê học cấp 2, học sinh bản Thín cũng phải mất hàng chục cây số, còn muốn đi học trong xã chỉ còn cách trèo đèo lội suối. Bản Xằng, bản Mọi gần trung tâm xã hơn nhưng học sinh cũng chỉ mới có lứa học lớp 6 đầu tiên.



Chưa có phòng học Tin học, học sinh THCS Lục Dạ phải mượn máy tính thầy giáo để thi tiếng Anh qua mạng

Để có được những học sinh đầu tiên này, có thể nói là một nỗ lực lớn của Trường THCS Lục Dạ. Từ ngày đầu về làm hiệu trưởng (năm 2010), thầy giáo Lê Văn Từ đã hạ quyết tâmphải đưa bằng được học sinh bản Thín, bản Xằng, bản Mọi lên cấp 2. Trong năm 2010 và 2011, nhà trường đã tổ chức hàng chục cuộc thâm nhập đời sống bà con Đan Lai 3 bản để thuyết phục phụ huynh tạo điều kiện cho con em xuống núi học tiếp. Những cuộc tiếp xúc như những cơn mưa dầm cuối cùng cũng thấm vào nhận thức của bà con...

Học sinh Đan Lai đã chịu đến lớp, nhưng vấn đề phát sinh tiếp theo lại là việc lo nơi ăn chốn ở cho các em. Ban giám hiệu không cam lòng để các em nhỏ ở trong những nhà tạm và quyết định họp bàn cùng cán bộ giáo viên giải quyết chỗ ở cho học sinh và có 2 cán bộ giáo viên quyết định nhường 2 phòng trong khu tập thể giáo viên cho học sinh. Hàng tháng, mỗi giáo viên lại trích tiền lương mua thức ăn, gạo và quần áo cho các em. Chị Lương Thị Huyền, cán bộ văn thư nhà trường tình nguyện làm “bảo mẫu” lo cơm nước để các em yên tâm học tập. Lứa học sinh đầu tiên nay mới chỉ 11, 12 tuổi nên rất cần sự săn sóc của người lớn. Hàng tháng, UBND huyện cũng gửi gạo ủng hộ những em nhỏ này.

Những em nhỏ Đan Lai, xã Lục Dạ đã có thể tạm chuyên tâm việc học; nhưng về lâu dài thì biện pháp của Trường THCS Lục Dạ chỉ mang tính tình thế, chưa thể nói sẽ “giữ chân” được học sinh Đan Lai nếu Nhà nước không sớm có chế độ, chính sách bán trú cho học sinh bản Thín, bản Mọi, bản Xằng...


Hữu Vi