Kỳ 3: Tìm các anh trên đỉnh Pung Xay

02/12/2011 16:36

-

(Baonghean) - Chắc tại ưu ái phóng viên nên đợt tìm kiếm mà cán bộ, chiến sỹ đội 4 bố trí cho chúng tôi cùng đi mới chỉ có 3 ngày và quãng đường di chuyển đến địa điểm quy tập chừng có 15 km. (Chúng tôi biết những lần trước, quãng đường các anh đi là hàng trăm km đường đồi núi, ngủ ở rừng cả tháng trời). Chỉ buồn là không thể thấy được hết công việc tìm kiếm gian khổ của anh em đoàn quy tập, nhưng lại rất vui khi mình sắp được vinh dự tham gia vào việc tìm kiếm, đưa hài cốt các liệt sỹ từ mái nhà Pung Xay, Đông Cang Mường về quê hương.

Sớm hơn thường lệ, 5 giờ sáng ngày 19/11, 17 người trong đội 4, đoàn quy tập đã thức dậy để chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Nói là chuẩn bị, nhưng tất cả mọi dụng cụ cho đến hành trang cá nhân đã được các chiến sỹ sắp xếp đâu vào đấy từ hôm trước, kể cả lương thực, bếp núc hậu cần đều đã ngay ngắn, gọn gàng trên xe. Dậy sớm, song ai cũng tỉnh táo lạ thường! Trung úy Nguyễn Khắc Âu cho hay: "Cứ đến trước hôm lên đường tìm phần mộ ông cha, anh em trong đội ai cũng phấn chấn, háo hức, nhiều người không ngủ được đâu anh ạ!". 6 giờ sáng, các thành viên trong đoàn kính cẩn, nghiêm trang thắp nén hương thơm trước bàn thờ Tổ quốc, nguyện cầu chuyến công tác thành công - tìm và đưa được các liệt sỹ về yên nghỉ trên đất mẹ trường xuân.

Chiếc xe Gát vốn đã chật ních những cuốc, xẻng, lều bạt, chăn màn, gạo, nước nay lại oằn mình bởi sức nặng của gần 20 con người vắt vẻo trên xe. Địa điểm chúng tôi tìm đến lần này là nghĩa trang bộ đội tình nguyện Việt Nam nằm trên đỉnh núi Pung Xay, Đông Cang Mường, bản Na Mường mới, cách Thị trấn Muang Kham chừng 15km tính theo đường chim bay...Theo lời anh Dậu - Đoàn phó Đoàn quy tập, chỉ huy chuyến này thì nghĩa trang Pung Xay ước có trên 130 ngôi mộ. Trong khoảng những năm 1989 -1990, đa số phần mộ tại nghĩa trang đã được cất bốc, nhưng vì nhiều lý do nên có những liệt sỹ vẫn còn phải nằm lại trên điểm cao này. Đợt khảo sát vừa qua, đội đã cất bốc hơn một nửa số phần mộ ở nghĩa trang và đón thêm được 9 liệt sỹ về cùng người thân, đồng đội.

Đường lên Pung Xay chỉ êm xuôi được 2 km đầu trải nhựa, phần sau là những con đường đất đầy hầm hố, ổ voi, có đoạn phải lội qua suối, băng rừng, vượt đồi. Ngồi nép trên xe hết nghiêng rồi lại ngả, có đoạn tưởng như bị hất tung khỏi thùng xe. Sáng, mặt trời còn chưa xóa tan nổi đám mù dày đặc, sương lạnh gió núi lùa, ba lớp áo ấm rồi vẫn rét run.



Tìm hình hài những người con anh hùng đã xả thân vì đất nước.

Xe chúng tôi vừa đi qua bản Hạy Liệng, cánh lính trẻ vốn hay đùa bỗng lặng hẳn đi, ai cũng buồn buồn. Hỏi ra thì đâu đó nơi đầu nguồn con suối Phọt này vẫn còn 2 phần mộ liệt sỹ chưa được tìm thấy bởi đất đã bằng và hóa ruộng ngô. Địa hình mỗi lúc mỗi cao và không có đường đi nữa, chiếc xe Gát buộc phải dừng lại, đỉnh Pung Xay vẫn còn cách 3 km. Nhanh chóng, mỗi người một việc, bốc dỡ dụng cụ, lấy bạt che chắn xe, chúng tôi cuốc bộ. Đường rừng lau sậy, gai góc vốn đã khó đi, nhất là đối với những người không quen vượt đèo, leo dốc, thế mà cánh phóng viên cũng phải theo chân các chiến sỹ đi như chạy, bởi phía dưới là vắt, chỉ chực cắn người. Ba bề Pung Xay là thung lũng với những mảnh ruộng bậc thang vừa mới gặt xong. Nghĩa trang các liệt sỹ nằm trên đỉnh chếch về phía Bắc của dãy núi có độ cao hơn 200m này, giữa những lùm cây rậm rạp. Từ dưới nhìn lên, nắng cao nguyên đã chan chứa, bóng áo chiến sỹ quy tập xanh đen lẫn giữa tranh, tre.

Theo đúng phong tục tập quán của người Việt, trước khi bắt đầu công việc tìm kiếm, đoàn tập trung bày những lễ vật mang theo lên tấm vải trắng và thắp hương khẩn cầu anh linh những liệt sỹ, thổ công thổ địa, xin được tìm thấy, rước các bác, các anh về. Tâm niệm liệt sỹ là người thân, mỗi chiến sỹ đoàn quy tập lặng lẽ, thành kính, nghiêm túc, không ai nói chuyện, tất cả đều chuyên chú vào công việc thiêng liêng... Không xót lòng, cẩn thận, nâng niu làm sao được, bởi rất có thể ngay dưới lớp đất này chính là máu thịt của những người đi trước. Tay không nỡ cuốc mạnh, xẻng không nỡ ấn sâu, chiến sỹ trong đoàn nhẹ nhàng gạt từng lớp đá, nhặt từng nắm hạt đất tơi. Mùi trầm của hương thoảng thoảng lan bay, lắng xuống trên nhành cây ngọn cỏ, đỉnh Pung Xay bắt đầu lại vang lên những giai điệu phát lên từ radio, máy điện thoại mang theo, ngợi ca về quê hương, về một thời phá đá mở đường, đường Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, như khơi dậy hào khí cả 4 nghìn năm cùng xông trận.

Nghĩa trang có hơn 130 ngôi mộ đã quy tập và chưa quy tập. Để kiểm tra tìm kiếm, các chiến sỹ đội quy tập lại bốc, gạt tất cả các mộ phần lên. Chưa kể có thể rằng những liệt sỹ mình đã hy sinh 40, 50 năm rồi nên phần mộ bằng phẳng đi, đất nén lại, cần khảo sát kỹ, đào hào rộng sâu mỗi chiều 1m, xem từng tấc đất có phần đất tơi xốp, đất lộn, có mùi hay không. Khi phát hiện phần đất nghi vấn, thì dừng lại kiểm tra sâu xuống có phải phần mai táng không. Từ mộ hàng thứ nhất mới triển khai mộ thứ hai, thứ ba... Khí hậu cao nguyên này thật khắc nghiệt, sáng thì lạnh buốt, trời trưa chưa nắng đã rát da. Đưa bàn tay chai sần đầy những đất quệt vội mồ hôi lã chã trên khuôn mặt sạm đen, Thiếu úy Lê Văn Cường lại chăm chú bới tìm, lại thầm thì nói chuyện cùng đá sỏi. Dù mới tham gia làm công tác quy tập ở Lào chừng 2 tháng, nhưng xem ra đã học được nhiều kinh nghiệm - Cường cho hay: Mộ của người Việt có nhiều điểm khác so với người Lào. Phần mộ của người Lào Xủng hướng đầu về đỉnh núi cao nhất, người Lào Cang thì chôn kèm cốc chén, vật dụng của người mất; phần mộ của liệt sỹ mình hầu hết đầu hướng về phía Bắc hoặc đầu hướng núi, chân đạp suối và thường có tang, võng kèm theo, ngoài ra là chôn theo hàng theo lối.

"Thấy bác rồi các anh ơi" - Trung úy Phạm Văn Lượng reo vang từ phần huyệt ngay phía giữa nghĩa trang. Tất cả mọi người bỏ xẻng, bỏ cuốc chạy ùa lại, khuôn mặt ai cũng hiện rõ nét vui mừng: - "Cẩn thận", "Tìm thật kỹ xem" "Có tang kèm thì đúng là bác thật rồi!" - Lượng thì hớn hở, cẩn trọng đưa từng phần đất lẫn hài cốt liệt sỹ lên tấm vải trắng vừa mang lại - "Bác thiêng lắm. Đêm qua em mơ thấy bác về và em tìm được bác mà!". Anh Dậu, Đoàn phó sáng giờ không ngớt tay phát cây, tra cán cuốc cho mọi người, lại cùng tỉ mỉ nhặt tìm từng phần xương cốt - "Không được sót cái gì của bác nhé!" - rồi quay sang cười hiền, giải thích: "Lực lượng quy tập ai cũng nhiệt tình, thành tâm nhưng có đồng chí đào mãi không thấy, có đồng chí thấy liên tục nên người chỉ huy điều những người may mắn làm trước...Tiếc rằng, bom đạn, sự khắc nghiệt của thời gian đã khiến phần hài cốt liệt sỹ không còn nhiều, di vật để lại chỉ là một vật tròn bằng kim loại, hình đồng xu buộc sợi cước, có khắc chữ một vài chữ số rất khó để đọc rõ".

Đội phó Nguyễn Hữu Đức nắn nót ghi lại trong cuốn sổ của mình về những thông tin của liệt sỹ vừa tìm thấy - đây là những thông tin có giá trị rất quan trọng để xác định đúng danh tính, quê quán, đơn vị của cha anh mình. Nắm từng nắm đất đen, tượng trưng cho các phần thân thể để thêm vào hài cốt tìm được, giữa cao nguyên Xiêng Khoảng, tiếng gọi hồn nhập cốt của Thượng úy quân y Nguyễn Mạnh Cường 3 lần vang lên: "Hú ba hồn bảy vía! Liệt sỹ chưa biết tên. Hy sinh tại nghĩa trang khu Pung Xay, Đông Cang Mường, tọa độ 53-67-3, tỷ lệ bản đồ 1/5000, ở bản Na Mường mới, huyện Muang Kham, tỉnh Xiêng Khoảng, hàng thứ 3 mộ số 14, quy tập ngày 19/11/2011 về nhập cốt". Tiếng cuốc cũng dừng rồi, lá cũng ngừng rơi, không tiếng chim hót, chỉ có tiếng gió rì rào, bóng nắng nhảy nhót, hình như nghe đâu đó tiếng hơi thở của thinh không...Trong buổi sáng, đội đã tìm thấy thêm 1 liệt sỹ nữa ở hàng thứ 6, mộ số 20. Cũng như liệt sỹ thứ nhất, phần hài cốt của liệt sỹ thứ hai cũng không thật nhiều, dấu hiệu nhận biết là hai chiếc răng bọc đồng.

11h30 phút, cả đội nghỉ tay ăn bữa cơm trưa mà chiến sỹ nuôi quân và "người dẫn đường" - Đại úy Xengphet, huyện đội Lào, cùng nấu ngay trên núi Pung Xay. Không biết có phải vì bước đầu đã tìm được liệt sỹ, hay do phải đào bới một khối lượng đất đá khổng lồ hoặc là do cơm canh ngọt hay không mà mọi người đều ăn rất ngon. 12 giờ trưa, mỗi chiến sỹ tự tìm một khoảng đất tương đối bằng dưới bóng mát một gốc cây để tranh thủ đặt lưng nghỉ ngơi. Chỉ có 1 giờ để nghỉ thôi, nhưng ai cũng vào giấc rất sâu...

Chiều cao nguyên, mặt trời xuống núi rất nhanh, các chiến sỹ trong đoàn như càng quyết tâm làm tốt việc tìm kiếm của mình. 13h, việc tìm kiếm tiếp diễn, 15h, nhóm của Đại úy Trần Khắc Dũng đã tìm thấy phần mộ và hài cốt của liệt sỹ thứ ba. Ngôi mộ số 15 và nằm ở hàng thứ 2, di vật còn lại chỉ là nắp thắt lưng đã hoen rỉ. Anh Dũng quả quyết: "Lúc giờ nghỉ trưa, Dũng đi ngang dằm đất bác nằm thì bị ngã. Chắc chắn bác đã kéo mình để báo bác nằm đây...". Ngày thứ nhất trên đỉnh Pung Xay kết thúc vào lúc 16h30, mọi người thu dọn lại dụng cụ, di chuyển về bản Na Mường để nghỉ ngơi trong những nhà dân. Người dân Lào bao giờ cũng vậy, nghe nói là bộ đội Việt Nam là vui mừng, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, cho ở, cho ăn. Về đến bản, thấy các "bố", các "mẹ" người Lào rộn ràng mời các "con" về nhà mình ở, lòng tôi dâng trào cảm xúc tự hào về bộ đội mình!

Công việc ngày thứ hai và thứ ba trên đỉnh Pung Xay có thay đổi khi được một người dân bản Na Mường cho biết: Ngày xưa nghĩa trang đó còn có một hàng mộ ngay phía trước hàng thứ nhất, nhưng giờ đã mất dấu bởi việc đốt nương. Thế là phạm vi mở rộng, khối lượng đất đá cần đào nhiều thêm, nhưng thấy cán bộ, chiến sỹ ai cũng rất vui và hăng hái lắm. Trước hết là được dân quý, dân yêu thì mới cho biết thông tin, sau nữa là được đón thêm nhiều các bác, các anh. Người phát cây, người đào hào chắn đầu, chắn đuôi bao quanh nghĩa trang, người tính toán vị trí mộ, kiểm tra từng lớp đất. Gai rừng Pung Xay độc lắm, tay của Tiểu đội trưởng, Thiếu tá Mai Viết Trường bị gai chích sưng phù lên và phải tiêm thuốc. Hỏi thăm, anh chỉ cười xòa: "Các bác, các anh phù hộ, gặp dữ hóa lành hết". Đau cả đêm, vậy mà sáng mai đã thấy anh tay bạy đá, bốc đất rồi.

3 ngày, lật tung gần như cả đỉnh Pung Xay, đội 4 đã tìm và quy tập được 8 liệt sỹ. Chiều ngày 21/11, sau việc hoàn thổ cho đỉnh núi, cả đội họp lại tổng kết, rút kinh nghiệm cùng nhau. Buổi họp nhanh trong ráng chiều đỏ ối, đằng đông, những cơn gió mát lạnh kéo mây về cao nguyên khô khát. Gọi điện về nhà biết trời Nghệ An đang mưa, chân bước xuống đồi vui vui lạ. Có phải mây và gió chiều nay từ quê ta sang đón các bác, các anh về...?


Thành Chung