Ngày xuân rộn rã trống chèo

16/01/2012 11:00

(Baonghean.vn) - Ngày Xuân về xã Lăng Thành (huyện Yên Thành), bạn sẽ có cảm giác rộn ràng bởi tiếng trống chèo. Vào bất cứ ngõ nào, nhà nào, âm điệu của chèo và tiếng trống chèo càng làm ta bay bổng. Chèo Quỳ Lăng không những ngấm vào xương thịt từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn truyền đời nối kiếp.

(Baonghean.vn) - Ngày Xuân về xã Lăng Thành (huyện Yên Thành), bạn sẽ có cảm giác rộn ràng bởi tiếng trống chèo. Vào bất cứ ngõ nào, nhà nào, âm điệu của chèo và tiếng trống chèo càng làm ta bay bổng. Chèo Quỳ Lăng không những ngấm vào xương thịt từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn truyền đời nối kiếp.

Nằm ở trung tâm Châu Diễn xưa, đất Quỳ Lăng đã từng có phường hát chèo nổi tiếng ở huyện Đông Thành. Châu Diễn là một bộ phận của bộ Hoài Hoan trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời vua Hùng dựng nước. Khi nước nhà dành được quyền tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh ( năm 939-980) cho tới triều Lê đã chọn đất Quỳ Lăng làm lị sở Châu Diễn.

Cùng với quá trình khai hoang lập làng mới, du nhập vào Quỳ Lăng là các tập tục văn hóa cổ, trong đó có nghệ thuật chèo Bắc đã góp phần tô đẹp thêm cho bề dày văn hoá đã có từ ngàn xưa của một vùng quê. Một trong những người đã được nhân dân Quỳ Lăng lập đền thờ phải kể đến bà Thái Thị Liệt- người có công đầu trong việc đắp đập, ngăn sông đưa nước mát Bàu Sừng về tưới cho đồng ruộng, làm nên duyên cho các cô gái làng chèo, để cho chèo Bắc ngày càng phát triển thịnh vượng.


Trong ký ức người dân vẫn còn in đậm hình ảnh những nghệ nhân chèo cổ của làng với giọng ca xao xuyến tơ vương, gửi gắm lòng người. Họ cũng chẳng nhớ chèo ở làng mình có từ bao giờ nhưng trong suốt quá trình phát triển thăng trầm của lịch sử, hát chèo ở đây đã trở thành duyên nợ gắn bó từ đời này sang đời khác, là món ăn tinh thần, là người bạn tri kỷ của người dân. Đặc biệt, chèo lại càng nở rộ hơn vào những ngày hội Làng, mỗi độ Xuân sang, mỗi mùa gặt đến.


Trong những năm tháng chiến tranh, giọng ca của các cô gái làng chèo với các tác phẩm nổi tiếng như: " Vì tiền tuyến", " Thắm đượm nghĩa tình"... đã đi sâu vào tâm khảm của mỗi người, thôi thúc trai làng lên đường nhập ngũ, động viên các chiến sỹ ở các binh trạm trên đường ra mặt trận làm nên chiến thắng. Trong những năm đổi mới, chèo ở làng Quỳ Lăng là một trong những nhân tố tích cực cổ vũ các phong trào thi đua ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.


Nhiều gia đình ở đây cho biết: "Có thể nhịn ăn một bữa nhưng không thể bỏ nghe hát chèo". Nhờ tiếng trống chèo, làn điệu chèo mà các đôi trai tài gái đảm nên vợ nên chồng. Mỗi một làn điệu chèo là một cung bậc, một tâm trạng, cảm xúc và gần gũi với cuộc sống.

Một trong những tác phẩm chèo cổ được người dân Quỳ Lăng lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày hôm nay đó là vở "Trò Kiều" với nhiều trích đoạn: Kiều du xuân, ca ngợi mối tình trong trắng của lứa đôi, hay Kiều ở lầu Ngưng Bích, báo ân trả oán đã làm cho người xem cảm thương, ngậm ngùi cùng số phận nhân vật chính. Hay vở "Trương Kiên", "Quan Âm Thị Kính" cũng là một trong những vở diễn tiêu biểu của làng, được bà con xa gần mến mộ. Bên cạnh đó còn có nhiều vở chèo cải biên, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước được dư luận đánh giá cao về nội dung cũng như thắm đượm nghĩa tình qua từng câu chữ, làn điệu, dân dã mà giàu tính nhân văn sâu sắc.


Những nghệ nhân chèo ở Quỳ Lăng giờ người còn, người mất, nhưng họ đã để lại cho quê hương hàng chục tác phẩm chèo tự biên, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được con cháu nâng niu gìn giữ. Những người gắn bó, duyên nợ nhất còn lại ở làng chèo Quỳ Lăng phải kể đến ông Nguyễn Bá Cần, ông Thái Khắc Lưu, Đậu Xuân Bách, Nguyễn Bá Song, bà Lại Thị Xuân, Hoàng Thị Loan... có thể nói cả cuộc đời, với họ đã dồn hết tâm huyết cho chèo, làm cho tiếng trống chèo Quỳ Lăng ngày càng thêm rộn rã. Mặc dù người tuổi cao sức yếu, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều luôn trăn trở, tư duy sáng tác, truyền lại các điệu chèo và dồn hết bầu nhiệt huyết cho con, cho cháu.


Để tiếng trống chèo ngày càng vun đắp cho cội nguồn văn hoá dân tộc, những năm qua chính quyền địa phương xã Lăng Thành đã thực sự quan tâm môn nghệ thuật hát chèo truyền thống. Ngoài duy trì hoạt động có hiệu quả câu lạc bộ chèo, xã đã vận động và kết nạp được trên 30 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt, khuyến khích thế hệ trẻ có lòng say mê, yêu thích môn nghệ thuật chèo gia nhập vào câu lạc bộ.

Hàng tháng, hàng quý, UBND xã cũng đã trích ngân sách, hỗ trợ kinh phí để mua mua sắm các loại đạo cụ, động viên câu lạc bộ duy trì tập luyện và sinh hoạt. Nhiều câu hát chèo, làn điệu chèo đã từng ăn sâu vào máu thịt của những thế hệ đi trước, giờ đây lại được thế hệ trẻ Quỳ Lăng phát huy, gìn giữ. Đặc biệt, nhiều học sinh ở các cấp học, sau mỗi giờ tan trường lại tranh thủ đến câu lạc bộ để ôn lại một vài làn điệu chèo cho đúng câu từ, phách nhịp.

Từ đó, chèo được truyền cho nhau và phát triển trong trường học, thôn xóm, gìn giữ nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa quê hương. Chính vì vậy mà nghệ thuật hát chèo ở xã Lăng Thành không những phát triển bền vững mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân. Nhiều tác phẩm chèo đã đoạt giải cao trong các cuộc liên hoan, hội diễn do huyện tổ chức, là một trong những đơn vị đạt chuẩn Quốc gia về thiết chế văn hóa - thông tin- thể thao đầu tiên của huyện Yên Thành.


Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường hôm nay, trong bận rộn của chuyện áo cơm thường ngày, giữ và phát huy được môn nghệ thuật hát chèo ở xã Lăng Thành là một thành công lớn. Thành công đó có được là nhờ những con người chất chất, bình dị Quỳ Lăng.


Xuân mới lại về, tiếng trống chèo Quỳ Lăng như thôi thúc, dục giã nhân dân làng chèo giành kết quả cao hơn trong lao động sản xuất và nâng bước cho bao trai tài gái đảm Quỳ Lăng bước sang một năm mới đầy hứa hẹn, làm cho tiếng trống chèo thắm mãi với mùa Xuân.


Thái Dương