Sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”
(Baonghean) - Sáng nay, 11/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, triển khai kế hoạch thực hiện kế hoạch năm 2012. Hội nghị do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, sau hai năm thực hiện đề án, các cấp, các ngành đã cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động của đề án; gần 800 ngàn lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề bằng chính sách của đề án; 54/63 tỉnh thành có tỷ lệ việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%; còn lại 9 tỉnh đạt dưới 70%; Ở nhiều nơi, mô hình dạy nghề thí điểm đã trở thành mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; thu hút được các doanh nghiệp, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia dạy nghề... Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, các địa phương vẫn dừng lại ở mô hình thí điểm mà chưa nhân ra diện rộng; chưa gắn đào tạo với nhu cầu lao động thực tế ở địa phương; tỷ lệ LĐNT sau đào tạo có việc làm còn thấp.
Tại Nghệ An, sau 2 năm thực hiện đề án, đã tổ chức dạy nghề cho trên 13.000 LĐNT, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 36%; cơ cấu lao động chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%/năm. Thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, Ban chỉ đạo đề án đã huy động được 48 cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT, giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo nghề ngoài công lập; tiến hành chỉ đạo xây dựng các mô hình như nuôi lợn siêu nạc; nuôi vịt bầu; chăn nuôi trâu bò hàng hóa; mây tre đn xuất khẩu; trồng rau cao sản...mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế: khả năng lựa chọn nghề của địa phương chưa phù hợp với nhu cầu của người dân; số LĐNT sau khi học nghề chưa phát huy được hiệu quả, chưa gắn đào tạo nghề với tạo việc làm; năng lực đào tạo nghề của một số cơ sở còn hạn chế; chưa có sự gắn kết 3 bên: người dạy-người học-chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012 sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp dạy nghề cho lao động nông thôn; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; thu hút các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh; khuyến khích dạy nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp...
Tại hội nghị, BCĐ thực hiện đề án của tỉnh đã có một số kiến nghị, đề xuất với BCĐ thực hiện đề án TW: sớm ban hành bộ chương trình đào tạo nghề cho LĐNT; bổ sung biên chế chuyên trách làm công tác quản lý dạy nghề cấp huyện như phê duyệt của đề án; đề nghị Chính phủ hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất cho 3 trung tâm dạy nghề Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong...
Thanh Phúc