Đã đến “thời” của thầy nội?

29/12/2011 20:03

Sáng qua 28-12, Hội đồng HLV bóng đá QG đã nhóm họp và thống nhất đồng ý với đề nghị của BCH VFF về việc sa thải HLV Falko Goetz trước thời hạn hợp đồng.

Như vậy, coi như mọi thứ đã an bài. Sau kỳ nghỉ Tết, vị HLV người Đức sẽ trở lại Việt Nam để... nói lời chia tay. Phải chăng kèm theo sự kiện này sẽ là xu thế mới: bóng đá VN dùng... thầy Việt Nam?

Sẽ không có một "scandal Letard" thứ 2

Năm 2002, HLV người Pháp Cristian Letard đến Việt Nam với nhiệm vụ sẽ dẫn dắt đội U.23 Việt Nam chuẩn bị dài hạn hướng tới tấm HCV SEA Games 22 (năm 2003). Trong bản hợp đồng cũng thể hiện rõ ràng buộc này. Nhưng tại cúp bóng đá TPHCM, sau khi đội Olympic chơi không thành công, bị loại sớm, trước áp lực của dư luận, VFF bất ngờ đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV này. Hẳn nhiên, một "tướng" chuyên nghiệp như Letard chẳng thể nào có chuyện cảm thông với cách làm việc "tiền hậu bất nhất" như vậy. Ngoại trừ nhiệm vụ chính tại SEA Games (giành HCV), các giải quốc tế mời như Cúp TPHCM thực chất chỉ mang tính tập huấn, thử lửa các gương mặt mới và thử nghiệm lối chơi chứ không xác định một mục tiêu cụ thể nào về thành tích. Đấy chính là cái cớ để Letard bình thản đón nhận quyết định, lặng lẽ rời Việt Nam để rồi bất ngờ gây chấn động dư luận với vụ kiện lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS).

Đến giờ những nhà quản lý có liên quan tới "scandal" Letard khi ấy có lẽ còn chưa hết tiếc vì đã không làm việc kín kẽ, để rồi đương nhiên phải gánh chịu hậu quả, đúng hơn là phải thực thi đúng theo các điều khoản hợp đồng do chính mình soạn ra.

Nhắc lại câu chuyện trên để chỉ ra có một sự khác biệt lớn trong trường hợp của Falko Goetz. Theo đó, tuy ông Goetz và VFF đã ký hợp đồng làm việc 2 năm, tính thời điểm từ 6-6-2011, nhưng một trong 2 bên, "ông chủ" VFF hoặc "người làm thuê" Falko Goetz, hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu bên kia không đáp ứng đầy đủ các điều kiện liên quan trong quá trình làm việc. Sự thật là, VFF vẫn đang nắm đằng chuôi bởi trong hợp đồng có nêu rõ nhiệm vụ của đội U.23 tại SEA Games 26 là vào tới trận chung kết. Trên công luận và trong cuộc họp giải trình với lãnh đạo VFF, Falko Goetz lý luận rằng nguyên nhân chính của thất bại do chất lượng cầu thủ không tốt, phong độ cũng không cao trong khi trình độ của các đối thủ lại... cao hơn. Xét kỹ thì những điều ông nói đều có lý nên không ai phản bác lại thực tế, nhưng nếu nhận thức được rõ "tính mạo hiểm" của cam kết đưa U.23 VN vào chung kết SEA Games 26 thì hà cớ gì ông lại ký vào bản hợp đồng?



HLV Falko Goetz buộc phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với VFF

Bởi vậy, VFF sẽ chỉ phải bồi thường 3 tháng lương theo đúng hợp đồng nếu đôi bên chính thức nói lời chia tay trong ít ngày tới.

Một bộ phận dư luận đặt vấn đề: Ông Goetz có "oan" không? Hãy cùng nhìn sang trường hợp của Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn, người chỉ liên quan một cách hoàn toàn gián tiếp trong thất bại của đội U.23 với chức trách trưởng đoàn, vậy mà rút cục cũng đã chấp nhận rời "ghế nóng", huống hồ là vị "thuyền trưởng" chịu trách nhiệm lèo lái chính con thuyền U.23 Việt Nam!

Dưới đây là những đánh giá từ Hội đồng HLV bóng đá quốc gia sau cuộc họp hôm qua: "HLV Goetz không biết cách chọn và dùng người; không có ý đồ chiến thuật rõ ràng; khả năng thích nghi kém, chưa tạo được dấu ấn đáng kể ở đội U.23 và ĐTQG Việt Nam. Từ những đánh giá này, Hội đồng HLV bóng đá quốc gia đồng ý với kiến nghị của BCH về việc sa thải ông Falko Goetz". Công bằng mà nói, nếu nhớ lại tất cả những gì mà ĐTQG và U.23 thể hiện, hẳn số đông người hâm mộ có thể đồng ý rằng ông Goetz dường như hơi chậm trong cách ứng biến về đấu pháp. Bằng chứng là trong nhiều trận đấu, khi đội tuyển gặp phải vấn đề, bế tắc chiến thuật, rất khó nhận ra những thay đổi thật sự tích cực từ HLV người Đức...

Thầy nội không kém, nhưng...

Trước tiên, xin nhắc lại rằng đây không phải lần đầu tiên người ta đề cập tới việc sử dụng HLV nội ở cấp ĐTQG. Xét về môi trường làm việc, đã có một khác biệt rất lớn giữa chất lượng HLV nội trước đây và bây giờ. Nếu như 16 năm trước, khi ĐTVN lần đầu tiên có thầy ngoại (HLV Tavares người Brazil), thì khoảng cách về trình độ giữa thầy nội với thầy ngoại còn rất xa. Những trợ lý của Tavares đều ngỡ ngàng với cách huấn luyện thể lực cũng như việc Tavares siết chặt những quy định kỷ luật. Người kế nhiệm Tavares là Karl Heinz Weigang (người Đức) thậm chí đã làm hẳn một cuộc "cách mạng" về ý thức của các tuyển thủ QG, điều mà trước đó không thầy nội nào "dám" thực hiện.



Các thầy nội như Phan Thanh Hùng và Mai Đức Chung đều có thể dẫn dắt ĐTVN

Phương pháp huấn luyện khoa học, cập nhật những nghiên cứu mới mẻ của thế giới, đấy chính là khác biệt lớn nhất trong cách làm việc giữa thầy nội (những người vốn ưa trường phái "kinh nghiệm chủ nghĩa") và thầy ngoại một thời. Nhưng thời gian qua, cùng với việc rất nhiều HLV có cơ hội làm việc bên cạnh HLV ngoại cả ở ĐTQG lẫn cấp CLB, nhiều HLV trẻ đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ HLV (bằng C, B, A). Đến nay, những HLV trẻ triển vọng như Nguyễn Hữu Thắng (SLNA), Lê Huỳnh Đức (SHB.ĐN), Hoàng Anh Tuấn (K.KH) hay Lư Đình Tuấn (Sài Gòn FC) đều đã có bằng A HLV (bằng cao nhất trong hệ thống đào tạo của AFC), tức đủ tiêu chuẩn về bằng cấp để có thể làm việc ở các giải bóng đá quốc gia châu Âu!

Tất nhiên, không thể chỉ lấy bằng cấp làm bảo chứng cho chất lượng công việc của HLV. Bấy lâu nay, điều có thể ảnh hưởng lớn nhất tới công tác huấn luyện chính là tư tưởng "bụt chùa nhà không thiêng", bên cạnh đó là sự phân biệt đối xử về chế độ đãi ngộ... Trong xu thế các quốc gia trong khu vực đều đang chuyển hướng, ưu tiên dùng thầy nội (Malaysia là một minh chứng sống động) thì chẳng có lý do gì để bóng đá VN không thể đặt niềm tin vào thầy nội, miễn là các HLV nội thực sự được trao đủ quyền hành cũng như môi trường tốt nhất để làm việc!


Theo Phap luat Xa Hoi