Bài cuối: Tăng cường vai trò đồng quản lý

11/12/2011 15:41

Xứ Nghệ - cái nôi truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh gắn với những tên tuổi lớn như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong… Để tìm hiểu thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và những định hướng dài hơi của ngành, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc Sở VH - TT và DL xung quanh vấn đề liên quan...

(Baonghean) - Xứ Nghệ - cái nôi truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh gắn với những tên tuổi lớn như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong… Để tìm hiểu thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và những định hướng dài hơi của ngành, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc Sở VH - TT và DL xung quanh vấn đề liên quan...

PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác bảo tồn, phát huy di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Hội đồng Nhà nước năm 1984, vấn đề cấp thiết được đặt ra cho công tác bảo tồn, bảo tàng Nghệ An là phải phân loại cho được các du tích, danh thắng. Trên cơ sở đó phân cấp quản lý di tích, danh thắng một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở tham mưu của ngành, UBND tỉnh ra Quyết định số 320/QĐ – UBND ngày 29/1/1997 về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Và mới đây nhất, ngày 1/4/2011, UBND tỉnh có quyết định số 1014/QĐ – UBND về việc phân cấp, quản lý di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh (thay thế quyết định số 1306/ QĐ – UB ngày 12/4/1997 về việc phân cấp, quản lý di tích – danh thắng). Theo Quyết định này, Sở VHTT và DL trực tiếp quản lý 17 di tích danh thắng; UBND huyện, thành phố, thị xã quản lý 239 di tích danh thắng, UBND phường, xã, thị trấn quản lý 1.139 di tích – danh thắng. Sau khi có quyết định phân cấp quản lý của tỉnh, ngành đã lập quy hoạch tổng thể các di tích – danh thắng cần được đầu tư chống xuống cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống quy mô vùng tại các di tích tiêu biểu, hình thành các tour du lịch theo địa chỉ di tích – danh thắng. Các lễ hội ở các di tích - danh thắng được khôi phục như: Đền Cuông, đền Vua Mai, đền Cờn, đền Nguyễn Xí, đình Vạn Lộc, Thanh Liệt, Võ Liệt, Hang Bua, đền Quả Sơn … Nhân dân tự giác tham gia lễ hội ngày càng đông. Hàng năm, Nghệ An cũng đã quan tâm đầu tư chống xuống cấp di tích (mỗi năm từ 280– 300 triệu đồng). Các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương và một số địa phương khác đều có kế hoạch đầu tư kinh phí nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều di tích được đầu tư lớn như: Khu di tích Kim Liên, đền thờ và miếu mộ Vua Mai, đền Cuông, đền Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết, chùa Đại Tuệ… Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, bằng tuyên truyền, vận động, nhân dân đã đầu tư hàng ngàn ngày công, đóng góp hàng tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Việc lập hồ sơ xếp hạng ngày càng được tiến hành nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn. 100% di tích được xếp hạng quốc gia đều có kinh phí chống xuống cấp. Đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng nói chung và công tác di tích nói riêng được chú trọng. Hàng năm, ngành tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và những người trực tiếp làm công tác trông coi, bảo vệ di tích.



Chương trình nghệ thuật do Nhà hát dân ca Nghệ An biểu diễn trong lễ khánh thành mộ bà Hoàng Thị Loan

PV: Có thể nhận thấy rằng, thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy di tích trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, có một phần lớn nhờ công tác xã hội hóa ?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Quả đúng như vậy, nếu chỉ bằng nguồn kinh phí của Nhà nước, của các cấp, các ngành đầu tư cho công việc bảo tồn di tích thì không thể đáp ứng so với nhu cầu!

Nghệ An là một tỉnh đi đầu trong cả nước về việc nắm bắt và vận dụng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong việc huy động mọi nguồn lực góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích - danh thắng. Ngày 30/10/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1258/1998/QĐ – UBND về việc ban hành quy định tạm thời đặt hòm công đức, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 24/1/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định “Quy định tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn”, thay thế Quyết định 1258 ngày 30/10/1998. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1258 đã đưa lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nguồn thu công đức từ công tác xã hội hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích với kinh phí thu được lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều di tích được phục dựng, phục hồi, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng có bước khởi sắc. Đặc biệt, nhiều di tích được phục dựng hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa như: Đền Thượng Diên (Nghi Lộc) 2,5 tỷ đồng; đền Lý Nhật Quang (Anh Sơn) 3,5 tỷ đồng; đền Rậm (Quỳnh Lưu) 1 tỷ đồng…

Khi đã thực hiện tốt xã hội hóa công tác quản lý di tích - danh thắng thì sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của mỗi di tích. Và một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để vừa làm tốt công tác quản lý, vừa khai thác có hiệu quả các quần thể di tích là, tỉnh ta đã chủ trương đẩy mạnh phát triển lễ hội truyền thống cả về số lượng, chất lượng cũng như quy mô khai thác hiệu quả các tour du lịch gắn với các quần thể di tích lịch sử văn hóa, di tích – danh thắng mang tính tâm linh hướng về cội nguồn.

PV: Có thể nói, công tác bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch đang là định hướng dài hơi của ngành VHTT và DL tỉnh nhà?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Đúng vậy! Để bảo tồn di tích không có hướng đi nào khả quan, hiệu quả bằng gắn các điểm di tích vào các tour, tuyến du lịch nội vùng, nội tỉnh. Bên cạnh các di tích gắn với lễ hội truyền thống, di tích văn hóa tâm linh như đền Cuông, đền Cờn, đền Quả… còn có các di tích gắn với danh thắng như Hang Bua, hang Thẩm Ôm, đền Trung Cần, đền Khánh Sơn … Đặc biệt, dự án “Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch” đang dần hoàn thiện, đã và đang đưa vào phục vụ là điểm nhấn du lịch tâm linh của Nghệ An. Hiện nay, ngành đang triển khai một số dự án lớn như Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai trên đường Quang Trung (Tp.Vinh), Khu di tích nghĩa trang liệt sỹ Truông Bồn (Đô Lương), Đài liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh (Thị trấn Hưng Nguyên)… đây là những dự án có tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp tới Nghệ An.

PV: Vậy ông có thể cho biết định hướng trong thời gian tới của ngành là gì?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Để phát triển vùng di tích kết hợp vùng du lịch văn hóa, ngành đang triển khai xây dựng 5 tuyến... Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt các định hướng và nhiệm vụ bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích – danh thắng, trách nhiệm không riêng của ngành mà toàn xã hội phải vào cuộc, nhất là nhân dân, địa phương những nơi có di tích nằm trong định hướng phát triển...

PV : Xin chân thành cảm ơn ông!


Thanh Thủy