Những người lặng lẽ tìm sự thật

25/02/2012 15:47

(Baonghean)- Công việc âm thầm, nặng nề và cũng có khi cô đơn đến nỗi không một “bóng hồng” nào đủ cam đảm để trụ lại. Còn cánh mày râu, dù quanh năm ngày tháng đã xác định phải gắn bó cuộc đời với công việc này, cũng ngại ngần, dè dặt, bởi họ  không muốn kể về chính mình, nhiều bác sỹ  pháp y từ chối bộc lộ về mình. Đằng sau những nhọc nhằn của nghề nghiệp là niềm  động viên mình đã góp một phần nhỏ bé cho cuộc sống công bằng hơn...

(Baonghean)- Công việc âm thầm, nặng nề và cũng có khi cô đơn đến nỗi không một “bóng hồng” nào đủ cam đảm để trụ lại. Còn cánh mày râu, dù quanh năm ngày tháng đã xác định phải gắn bó cuộc đời với công việc này, cũng ngại ngần, dè dặt, bởi họ không muốn kể về chính mình, nhiều bác sỹ pháp y từ chối bộc lộ về mình. Đằng sau những nhọc nhằn của nghề nghiệp là niềm động viên mình đã góp một phần nhỏ bé cho cuộc sống công bằng hơn...


Nỗi niềm ai biết tỏ cùng ai


Tôi vào nghề từ khi chưa lập gia đình. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tôi “đầu quân” vào Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh. Nhớ lại hồi còn đang tìm hiểu họ hàng nhà vợ và cả vợ tôi đều lấy làm hãnh diện vì tôi là một bác sỹ. Ai hỏi, tôi cũng chỉ trả lời chung chung làm bác sỹ sinh vật, xét nghiệm máu… thuộc Công an tỉnh, chứ không giám nói mình làm bác sỹ pháp y. Còn nhớ, lần đầu tiên mới ra trường, khám nghiệm một tử thi đã chết trước đó cả tháng trời. Buồn nôn, ghê người là những cảm giác đầu tiên. Và ngay sau đó là sự sợ hãi, ám ảnh ập đến. Tôi còn nhớ trong cuộc gặp mặt bạn bè học cùng cấp 3, khi được biết mình là bác sỹ pháp y, mọi cặp mắt hướng về mình với nhiều cung bậc: chia sẻ, cảm thông, hiếu kỳ, kỳ thị…


Làm bác sỹ pháp y, hiếm khi nào có được một ngày cuối tuần trọn vẹn với các con. Vợ tôi cũng chỉ biết là nghề vất vả, chứ không dám hỏi thêm nhiều. Mỗi khi đi làm về, bọn mình không giám nói chuyện với vợ, chỉ nói chung là đi công tác. Vì sợ vợ vừa lo, vừa hãi hùng. Ngay cả những người điềm đạm nhất, khi đã gắn bó với công việc này, áp lực công việc, thói quen hàng ngày, rồi những băn khoăn không chia sẻ vì thương vợ, chỉ để trong lòng, khiến họ cũng trở nên dễ cáu- kể về cuộc sống riêng, họ vô cùng khiêm tốn. Nghề pháp y thực sự là một nghề rất khó khăn, vất vả. Nếu ai muốn theo đuổi nghề pháp y thì phải có lòng đam mê, mà trước hết là phải có tâm, sự chuyên tâm, có đủ lòng nhiệt tình, say mê sống chết với nghề. Tuyển bác sỹ pháp y cực khó, phần vì năng lực, phần vì nhiều người vẫn “kỳ thị” lắm. Nghề bác sỹ được xã hội trọng vọng nhưng bác sỹ pháp y thì dường như chưa được quan tâm. Đó là chia sẻ của Đại úy Trần Xuân Hiền- bác sỹ pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An.


Bác sỹ Hiền là một trong 9 cán bộ đội ngũ giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Đội có 4 bác sỹ pháp y trong đó có ¾ người là giám định viên, 5 người có trình độ cao đẳng y, nhưng khối lượng công việc khổng lồ. Đại tá Đậu Xuân Đông- Trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh cho biết: “Đội ngũ giám định pháp y thuộc phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh, hàng năm tiến hành giám định trên 4 lĩnh vực: Giám định pháp y tử thi (liên quan đến các vụ chết), giám định pháp y thương tích, giám định pháp y qua hồ sơ, tài liệu và giám định vi thể (giám định tế bào) với hàng trăm vụ việc với hàng ngàn yêu cầu khác nhau phục vụ công tác điều tra tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”.

Trong năm 2010, giám định 983 vụ trong đó giám định pháp y tử thi 411 tử thi; giám định pháp y thương tích là 514 nạn nhân; giám định pháp y qua hồ sơ, tài liệu là 58 vụ. Năm 2011 giám định 356 vụ, trong đó giám định tử thi là 126 tử thi, giám định pháp y thương tích là 216 vụ, qua hồ sơ tài liệu là 12 vụ và giám định vi thể là 2 vụ…


Công việc đặc thù với yêu cầu, nhiệm vụ rất lớn, thông qua công tác giám định pháp y phục vụ cho yêu cầu điều tra xử lý các vụ án liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Phải thường xuyên tiếp xúc với người chết, có tử thi trong quá trình phân hủy rất ảnh hưởng đến sức khỏe anh em.

Xuất phát từ yêu cầu điều tra xử lý các loại tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh nên đội ngũ bác sỹ phải thường trực 24/24h, có vụ việc xảy ra là phải lên đường để tiếp nhận và tổ chức giám định theo yêu cầu điều tra của cơ quan cấp trên và đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời. Kết luận của bác sỹ pháp y đòi hỏi tính khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Một mặt là để phục vụ yêu cầu điều tra làm rõ tội phạm. Mặt khác, những kết luận của bác sỹ pháp y trở thành tài liệu chứng cứ pháp lý để xử lý tội phạm và các vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn.


Là phận, là duyên hay là nghiệp?


Hơn 15 năm làm nghề bác sỹ pháp y, Trung tá Nguyễn Đăng Hòa- Đội trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh cho đến tận bây giờ vẫn ngạc nhiên rằng, không hiểu vì lý do gì mà mình lại mải mê với những… xác người lâu đến thế? Anh kể, nhiều người bạn của anh đã chuyển sang ngang, làm ông này ông nọ, thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu một tháng.



Giám định thương tích tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh


Còn anh, gắn bó với nghề như duyên nợ, với mức lương và phụ cấp của một cán bộ Nhà nước, hỗ trợ cho mỗi ca mổ tử thi trước năm 2009 là 80.000 đồng/ca và từ năm 2009 mới được nâng lên 1 triệu đồng đối với bác sỹ chính, còn những người phụ thì hưởng 800 nghìn đồng. Số tiền không đáng kể và cũng không ai muốn làm để nhận. Lương thấp, phụ cấp ít đã đành một nhẽ. Song những ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng. Nhiều lần phải khám nghiệm cho những tử thi bị chết cháy hoặc trôi sông đã thối rữa, tử khí thấm vào người, tắm 2-3 lần rồi vẫn thấy ám mùi. Biết rằng vất vả, đi ra đi vào động xác chết, hầu như chẳng có người phụ nữ nào bám vững được với nghề, bởi ít ai dám cầm vào cái sọ người, dám chạm vào máu hay cơ thể đã tan rữa, nguy cơ phơi nhiễm HIV lại cao.


Nghề này không phải chỉ ngồi một chỗ mà phải đi khắp nơi, giám định tại hiện trường. Tử thi chết ở đâu đến giám định ở đó, nơi nào đường sá thuận lợi đi ô tô, nơi phải đi bằng xuồng, xe lai, có khi đi bộ băng rừng, lội suối… bác sỹ pháp y đều đã trải qua. Sau cái cười hiền hậu, một trong những câu chuyện khó quên trong chuỗi vụ án mổ tử thi mà bác sỹ Hiền đã tham gia, là câu chuyện xót xa về một người chồng nhẫn tâm đâm chết vợ năm 2004 ở bản Xói Voi, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Khi đó thông tin liên lạc khó khăn, bản ở xa phải đi xuồng hơn 6 tiếng đồng hồ, đi bộ hơn 1 ngày đường mới đến bản, trong khi xác chết chôn cất được 28 ngày, bác sỹ pháp y phải khai quật để khám nghiệm tử thi.

Hay gần đây nhất là vụ án vợ tẩm xăng đốt chồng chết ở Nghĩa Mai- Nghĩa Đàn sau khi tìm được tử thi đã chôn hơn 1 tháng. Đó là những ngày mà vụ án giết chồng xôn xao cả tỉnh. Ngay sau khi phán đoán, suy luận, xâu chuỗi các sự kiện, cơ quan điều tra mới lật lại vấn đề. Khi đó người chồng đã được chôn sau hồi nhà. Công việc mổ tử thi người chồng được nhanh chóng tiến hành. Kết quả khám nghiệm cho thấy, người chồng chết do bị vợ đốt xăng. Với những vụ án này, nếu như bỏ qua những chi tiết bất thường về nguyên nhân cái chết, có thể mọi chuyện sẽ chìm vào dĩ vãng. Các cơ quan chức năng, pháp y nỗ lực tìm chứng cứ sáng tỏ nguyên nhân vụ án. Điều quan trọng đối với họ là làm được gì cho cuộc sống này để có được cái quý nhất của cuộc sống là sự thật.


“Minh oan cho người chết” là một phần rất nhỏ trong lượng công việc mà các bác sỹ pháp y ở nơi này phải thực hiện, nhưng sẽ không có danh hiệu nào cho sự thầm lặng, cho lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của họ nếu như sau những ca mổ, khám nghiệm, những tử thi xấu số rơi vào những vụ việc trớ trêu không được… minh oan, mà ngậm ngùi mang theo nỗi oan ấy về với đất.

Hơn 10 năm trong nghề, mỗi năm trung bình mổ hơn 100 tử thi với đủ tình huống: khai quật, chết trôi, tạo hiện trường giả… sự phức tạp, khó khăn khó lường. Những năm gần đây, dù đã được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nhưng phương tiện chưa đáp ứng được hết yêu cầu nhiệm vụ của nghề đặc thù này- đó là những điều bác sỹ Hiền bộc bạch. Thế nhưng có những bác sĩ pháp y vẫn âm thầm làm công việc khó nhọc này. “Minh oan” cho xác chết, nhưng cũng là sự minh bạch cho tấm lòng của những người còn đức tin, còn trách nhiệm với cái nghề mà nhiều người e ngại, muốn tránh xa.


Ngoài áp lực tâm lý, bác sỹ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Công việc liên quan quá nhiều đến sinh mệnh con người, cả người sống lẫn người đã chết. Nếu vì lý do nào đó, giám định không khách quan, đẩy người ta vào con đường tù tội, hoặc không thể gọi tên nỗi oan cho người chết. Về mặt trách nhiệm, người bác sỹ đó trái với đạo đức nghề nghiệp. Nếu trình độ và bản lĩnh không vững vàng, sẽ rất khó trở thành một bác sỹ pháp y đúng nghĩa. Các bác sỹ pháp y thường xuyên gặp phải những quan niệm về tôn giáo, muốn người chết toàn thây, rồi gia đình người đã chết không đồng tình cho bác sỹ đụng dao kéo. Điều đó chỉ cản trở con đường sáng tỏ của vụ án, nhưng không phải ai cũng hiểu để giúp sức cho họ…


Khó khăn còn chất chồng nhiều, nhưng đội ngũ bác sỹ pháp thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh vẫn, âm thầm làm công việc khó nhọc này, sống chết với nghề để tiến trên con đường "đi tìm sự thật", góp phần quan trọng cùng các lực lượng khác giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.


Thanh Lê