Huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Nỗ lực vượt khó

11/12/2011 15:27

Giá vật liệu xây dựng (VLXD) luôn diễn biến phức tạp làm cho các chủ đầu tư  phải điều chỉnh dự toán, lãi suất tín dụng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí của nhà thầu và khả năng huy động nguồn vốn, Nghị Quyết 11/CP về kiềm chế lạm phát... là những nguyên nhân làm cho nhiều công trình xây dựng ở tỉnh ta không bảo đảm tiến độ. Trước khó khăn đó, tỉnh đã tập trung các giải pháp thực hiện để bảo đảm an sinh xã hội và thu hút nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB)

(Baonghean) - Giá vật liệu xây dựng (VLXD) luôn diễn biến phức tạp làm cho các chủ đầu tư phải điều chỉnh dự toán, lãi suất tín dụng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí của nhà thầu và khả năng huy động nguồn vốn, Nghị Quyết 11/CP về kiềm chế lạm phát... là những nguyên nhân làm cho nhiều công trình xây dựng ở tỉnh ta không bảo đảm tiến độ. Trước khó khăn đó, tỉnh đã tập trung các giải pháp thực hiện để bảo đảm an sinh xã hội và thu hút nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB)

Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư năm 2011 cũng đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra là 24.581 tỷ đồng. Trong tình hình kinh tế khó khăn như vừa qua, việc huy động vốn đạt được kết quả đó thực sự là thành công lớn, được xem là một trong những đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, "áp lực" nguồn vốn đầu tư luôn đè nặng lên vai của các cấp, ngành tỉnh ta. Chính vì vậy, tỉnh đã ban hành các giải pháp chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, huy động các nguồn vốn... Nhờ tập trung thực hiện tích cực, mạnh mẽ các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, nên trong điều kiện lạm phát tăng cao, tỉnh vẫn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ở trong và ngoài nước. Trong các "dòng" vốn đầu tư vào tỉnh ta, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt tỷ lệ khá ấn tượng, đó là tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư của các doanh nghiệp thực hiện 5.200 tỷ đồng, tăng 30,3%; các dự án phi chính phủ (NGO) tăng 25%; nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tăng 20,1%; vốn XDCB thuộc ngân sách Nhà nước tăng 18,67%; vốn đầu tư qua các bộ, ngành Trung ương cũng tăng 13,28%...

Thời gian qua, với việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung bộ, Nghệ An đang trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư và từ đầu năm 2011 đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 74 dự án đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian qua, nhiều dự án đã khởi công xây dựng như: Nhà máy gạch không nung Hoàng Mai, Cụm dệt may Nam Đàn, Khu chung cư và căn hộ cao cấp VNF1; Cảng nước sâu Cửa Lò... Nhiều dự án bảo đảm tiến độ và từng bước khai thác có hiệu quả như: Dự án Chăn nuôi bò sữa TH; Xi măng Tân Thắng...

Thực hiện Nghị quyết 11/CP, tỉnh Nghệ An đã tập trung vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án quan trọng, cấp bách, hạn chế các dự án khởi công mới và từng bước khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải. Đến cuối tháng 3/2011, tất cả các nguồn vốn đều phân khai chi tiết, đảm bảo đúng thời gian. Danh mục các dự án bố trí theo đúng quy định của Trung ương về cơ cấu, đối tượng.

Được sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước tập trung qua tỉnh được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Các chủ đầu tư và nhà thầu tranh thủ hoàn chỉnh hồ sơ khởi công sớm công trình. Các công trình thuộc "dòng" vốn này chủ yếu đầu tư vào các công trình xây dựng chuyển tiếp và công trình mới đấu thầu trước ngày 24/2/2011 (sau khi ban hành Nghị quyết 11/CP các công trình mới đều tạm dừng thực hiện). Đến tháng 8/2011, tỉnh mới tiến hành giải ngân 163 công trình thuộc diện khắc phục bão lụt, Chương trình 30a và an ninh quốc phòng, nên đã "khơi thông" việc giải ngân. Từ đầu năm 2011 đến nay, nguồn vốn đầu tư qua ngân sách tỉnh khối lượng thực hiện đạt 2.787 tỷ đồng và giải ngân đạt 2.439 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các công trình: Khu công nghiệp Diễn Tháp (Diễn Châu), đường 205, đường 33, đường vùng nguyên liệu sắn Yên Thành... triển khai đúng tiến độ. Và nhờ nguồn vốn của Chương trình đầu tư của Chính phủ, các công trình đường giao thông gồm: Eo Lèn xã Nghĩa Hoàn đi Nghĩa Phúc (Tân Kỳ), đường du lịch Quỳnh Phương - Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), đường giao thông Bãi Xa đi Tùng Hương... thực hiện được khối lượng lớn trong thi công dự án. Bên cạnh đó, nguồn vốn địa phương phân cấp cho huyện, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài... cũng được giải ngân kịp thời và đạt tỷ lệ cao.

Năm 2012, dự báo nguồn vốn đầu tư sẽ gặp khó, vì ngoài việc thực hiện Nghị quyết 11/CP lại tiếp tục thực hiện Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Việc "thắt chặt" đầu tư như vậy đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp trong huy động nguồn lực cho đầu tư để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Hoàng Vĩnh