Tấm lòng của người hát rong

09/01/2012 20:26

(Baonghean.vn) - Thành phố đã lên đèn, dòng người hối hả trở về mái ấm. Bên một quán ăn trên đường Nguyễn Sỹ Sách (TP Vinh), hai thanh niên đang hát những lời trầm buồn khiến tôi chú ý… Tuấn (quê Ninh Bình) và Việt (quê Thanh Hoá) ngoài việc hát rong để kiếm tiền nuôi sống bản thân, hai em còn cưu mang giúp đỡ một số trẻ em lang thang …

(Baonghean.vn) - Thành phố đã lên đèn, dòng người hối hả trở về mái ấm. Bên một quán ăn trên đường Nguyễn Sỹ Sách (TP Vinh), hai thanh niên đang hát những lời trầm buồn khiến tôi chú ý… Tuấn (quê Ninh Bình) và Việt (quê Thanh Hoá) ngoài việc hát rong để kiếm tiền nuôi sống bản thân, hai em còn cưu mang giúp đỡ một số trẻ em lang thang …

Chiều đông, mưa và lạnh. Những ngày cuối năm, dòng người hối hả, tất bật. Tôi đứng lặng nghe hai em hát. Xong bài hát thứ nhất, tôi tưởng Tuấn và Việt sẽ đi hát ở quán khác nhưng các em hát tiếp bài thứ hai, thứ ba... Dàn máy tiếp tục khởi động, tiếng nhạc lại vang lên, Việt cầm micro cất lên bài hát thứ tư: “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, tuổi ấu thơ mang nhiều âu lo…”. Việt hát khá hay, giọng hát nghe buồn buồn rất tâm trạng. Cậu bé còn lại (Cường) cúi đầu nhận những đồng tiền lẻ của các vị khách, đồng thời em cũng đưa ra chừng chục gói lạc mời các “thượng đế” mua.

Nhiều người có mặt trong quán bia, quán nhậu dường như đã quen với “tiết mục” văn nghệ khá độc đáo này. Họ vừa ngồi ăn vừa thưởng thức với vẻ thư giãn, thoải mái hơn lúc ban đầu. Trò chuyện với Việt, tôi mới biết, chủ quán cho vào hát mới được vào, hát ở quán này bao giờ em cũng kiếm được vài chục ngàn.

Nghe Việt kể về tình cảm của mình với trẻ em nghèo mồ côi, chúng tôi rất cảm động. Hoàn cảnh ai cũng đáng thương, người mất bố, người mất mẹ, người mồ côi cả bố và mẹ, người bố mẹ đang sống nhưng gia đình nghèo lắm. Như Việt, hoàn cảnh gia đình nghèo, đông anh em nên phải đi làm từ năm 8 tuổi. Còn Tuấn thì mồ côi cả bố và mẹ. Việt nói: Chúng em đi đánh giày ở Vinh và gặp nhau, trở thành thân thiết. 2 năm nay sắm được bộ “dàn nhạc”, chiếc xe máy tàu đi hát rong kiếm tiền… Số tiền kiếm được, bọn em còn lo cho cả mấy em đánh giày ở cùng khu trọ có hoàn cảnh tương tự.

Mến (14 tuổi, quê ở Tĩnh Gia- Thanh Hoá) là nhân vật được Tuấn nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi tâm sự với chúng tôi. Bố mẹ Mến bỏ nhau khi Mến lên ba. Mến ở với bố và dì. Không đủ sức để chịu những trận đòn roi của bố do dì xúi dục, Mến quyết định vào Vinh làm nghề đánh giày. Thiếu tình thương và bàn tay chăm sóc của mẹ, em phải tự kiếm sống. May mà gặp được hai anh Tuấn- Việt, Mến phần nào được chở che.

Nói đến chuyện đi hát, Việt vui vẻ: “Hát rong cũng kiếm được tiền chị ạ, bình quân mỗi ngày cũng được dăm chục ngàn nhưng thức khuya lắm. Các quán đêm trên Cổng Thành, khách ăn đêm 11, 12 giờ đêm, đông lắm, chịu khó thức cũng xin được…”. Nhưng không phải vào quán nào Tuấn và Việt cũng được chủ quán và khách tạo điều kiện. Không ít lần, Việt đang hát, khách giật micro đòi hát, nhưng thật ra là muốn biết có phải hát nhép không, khi biết Việt hát thật, họ trả micro nhưng cũng chẳng cho một đồng tiền nào. Nói đến đây, Việt ngậm ngùi, mặt buồn xo: “Không ít lần bị những khách nhậu say, chửi mắng, thậm chí còn đánh đập, có người còn đạp đổ xe máy và đuổi bọn em đi. Những lúc như thế bọn em tủi thân lắm. Sợ nhất là hôm bất ngờ mưa to, gió lớn, không kịp tìm chỗ để tránh mưa, máy móc bị hư hỏng, lại phải sửa, vừa mất tiền, vừa không có đồ nghề để hát.“

Tạm biệt chúng tôi, đôi bạn lên xe rồi nổ máy, hai thân hình gầy guộc, nhỏ bé gần như bị che lấp bởi dàn máy tự chế. Trước khi đi, hai em vẫn không quên ngoái lại chào chúng tôi lần nữa, và nói: ‘Chị cứ ghi tên em trong điện thoại là “hát rong” chị nhé!


Thu Hương