Người cựu chiến binh tận tâm

04/01/2012 16:39

(Baonghean.vn) - Ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), khi nhắc đến tên anh, mọi người đều thể hiện tình cảm quý mến và trân trọng. Đó là anh Ngô Trí Duông, năm nay 55 tuổi, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã, người bưu tá xã tận tụy, chu đáo, luôn mang niềm vui, thông tin đến cho mọi người, mọi nhà.

(Baonghean.vn) - Ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), khi nhắc đến tên anh, mọi người đều thể hiện tình cảm quý mến và trân trọng. Đó là anh Ngô Trí Duông, năm nay 55 tuổi, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã, người bưu tá xã tận tụy, chu đáo, luôn mang niềm vui, thông tin đến cho mọi người, mọi nhà.

Từ năm 1980, xuất ngũ trở về địa phương đến nay đã 29 năm, anh luôn tận tụy với công việc Bưu tá xã. Quỳnh Thắng là xã miền núi thuộc huyện Quỳnh Lưu, có diện tích rộng, đường giao thông đi lại khó khăn, phụ cấp bưu tá lại thấp, mỗi tháng chưa đầy một triệu đồng.

Thế nhưng, với chiếc xe đạp cà tàng, hầu như ngày nào anh cũng có mặt ở công sở của xã, các trường học, hay rong ruổi tới các thôn bản cách xa trung tâm xã từ 9 - 10 km để đem niềm vui đến cho mọi người. Chưa một lần anh để thư, báo, công văn, bưu phẩm bị mất mát, chậm trễ. Có những giấy báo lĩnh tiền, nhận bưu phẩm ghi không rõ địa chỉ người nhận, nhưng anh vẫn chịu khó dò hỏi, lần tìm để trao bằng được đến tay người nhận.

Anh tâm sự: "Sau mỗi mùa thi, khi đưa giấy báo cho các gia đình có con em đậu đại học, cao đẳng, ngoài niềm vui của các gia đình, trong tôi cũng dâng lên niềm vui khôn tả. Tôi mừng cho các cháu. Lúc xuất ngũ, biết tôi đã tốt nghiệp cấp 3, đơn vị cho tôi học tiếp ở học viện quân sự để đào tạo sỹ quan, nhưng khi khám sức khỏe nhập học, tôi không đạt yêu cầu vì vết thương sọ não. Thế là sự học phải gác lại, mặc dù mình muốn học lắm". Nghe anh nói, tôi cảm nhận được sự nuối tiếc vì anh không được học thêm nữa để làm việc tốt hơn với bao dự định của bản thân đang còn dang dở.


Bộn bề công việc xã hội, công việc Bưu tá vất vả, nhưng trở về mái ấm gia đình, anh là người thợ sửa chữa xe đạp, xe máy. Bên con đường làng, có nhiều người thường qua lại, nhiều em học sinh đến trường, xe hỏng lại được anh kịp thời sửa chữa, bơm, vá giúp. Khi cần phải thay thế phụ tùng anh mới lấy tiền, còn hầu hết anh đều giúp đỡ. Anh nói vui rằng, mình không có tiền để giúp đỡ mọi người thì mình làm từ thiện bằng công việc cụ thể. Không ít lần giữa đêm đông giá rét, anh vẫn tung chăn trở dậy để giúp khách qua đường...

Công việc bình dị, nhưng anh đã giúp bao nhiêu người, từ xe của anh công an lỡ đường, đến xe đưa người bệnh cấp cứu bị hỏng lúc đêm khuya. Có người từ bệnh viện an lành trở về nói: "Đêm đó, nếu không có anh giúp đỡ, chậm khoảng 30 phút nữa là bệnh tôi khó qua khỏi".


Là thương binh hạng 3/4, bệnh binh 71%, anh cho biết hiện nay, lúc trái gió, trở trời, thời tiết thay đổi bất thường, vết thương ở sọ não lại tái phát. Bệnh tật là vậy, nhưng anh vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Trong quá trình làm việc tại địa phương, anh được bầu chọn là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xuất sắc, được nhận nhiều bằng khen của các cấp. Năm 2006, gia đình anh là một trong 2 gia đình văn hóa tiêu biểu của xã dự Đại hội Gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện. Luôn sống tận tâm với mọi người, đó chính là quan điểm sống, là bản chất người lính Cụ Hồ mà anh tự hào và gìn giữ.


Nguyễn Anh Văn