Nỗi đau trong phòng cấp cứu

07/12/2011 18:17

(Baonghean) - 2 người bị thương nặng trong vụ tai nạn đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Câu chuyện của những người vợ trẻ đi chăm chồng tai nạn với nhiều nỗi đau chất chứa…

12h45 phút trưa nay, 2 trong số 4 người bị thương nặng còn sống sót sau vụ lật xe chở gỗ ở Bình Chuẩn ( Con Cuông) đều quê Châu Lý ( Quỳ Hợp) đã được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Bác sỹ Nguyễn Đức Phúc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện cho chúng tôi biết, qua chẩn đoán bước đầu, bệnh nhân Vi Văn Thích (sinh năm 1977) đang ở trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não, vỡ xương trán phải, gây tụ máu và tụ khí. Bệnh nhân Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1976) có vết thương bàn tay phải đã được xử lý ở tuyến dưới. Hay tin, lãnh đạo Bệnh viện đã trực tiếp xuống khoa chỉ đạo các y bác sỹ tích cực chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân.

Khóc ngất bên cạnh người chồng nằm thiêm thiếp, chị Vi Thị Thích, vợ anh Vi Văn Thích (hai vợ chồng trùng tên nhau, chị vốn mang họ Ca, nhưng đổi sang họ của anh từ khi lấy chồng) nghẹn lời: Đau đớn quá chị ơi, đại gia đình nhà tôi mất đi 3 mạng người, mọi người ở nhà lo ma chay cả, chỉ còn tôi bỏ con thơ cho bà nội già xuống đây chăm chồng.

Đôi lúc tỉnh lại, anh Thích lại quờ tay nắm chặt tay vợ. Hai vợ chồng anh đều là người dân tộc Thái ở bản Na Lạn, xã Châu Lý. Bố mất sớm, anh Thích là con út trong nhà có 6 anh em nghèo như nhau. Từ ngày lấy vợ, vợ chồng anh chung sống cùng bà nội, và chỉ có nghề làm ruộng (được chia 1 sào ruộng cộng với thuê thêm ruộng để cấy 1 sào nữa). Cái nghèo đeo bám, anh nhận làm thuê, ai mượn gì làm nấy để có tiền nuôi hai đứa con con ăn học. Có những lúc, không có tiền đóng học, thấy con nghỉ học không đành anh lại lặn lội xin đi làm thuê, làm mướn. Công việc cửu vạn, bốc gỗ thuê là công việc mà anh và đàn ông trai tráng ở đây vẫn quen làm, và thường xuyên được chủ gọi mỗi khi cần. Chị Thích kể: Có những hôm, chủ gọi đi bốc gỗ thuê từ 6 giờ tối, thế là nhịn cơm luôn để chạy đi. Hôm qua họ gọi lúc 9 giờ, thế là còn may được ăn tối. Mỗi đêm đi như thế, công một cửu vạn được trả 100 ngàn.



Các bác sĩ đang tích cực chăm sóc bệnh nhân.



Nỗi đau của chị Thích.

Cùng đi chuyến này với anh Thích, em vợ anh là Ca Văn Anh và 2 người anh con bác ruột là Vi Văn Là và Vi Văn Hiếu đã thiệt mạng. Chị Thích vừa lo cho chồng, lại nghĩ đến em trai và 2 người anh họ đang làm đám tang ở nhà mà “ruột gan như đứt rời mất thôi”.

Xuống cùng chị Thích, chị Nguyễn Thị Hạ cũng đang bỏ lại 2 đứa con thơ dại, một đứa lên 4, đứa kia lên 2 cho bà trông để theo chăm chồng. Vẫn chưa hết thất thần, chị kể: Khoảng 4 giờ sáng nay, nghe tin dữ báo: xe chở gỗ lật, nhiều người chết, nhưng chồng tôi thì còn sống và đang cấp cứu tại Bệnh viện huyện Quỳ Hợp, tôi vội nhờ người bà con chở tới bệnh viện. Nhìn thấy anh còn sống, tôi đã thấy gia đình mình may mắn quá rồi. Bao nhiêu bà con trong xóm đang khóc xé lòng vì con, vì chồng không còn nữa. Bản Na Lạn có 7 đàn ông đi, chỉ còn 2 người sống sót nằm đây. Hầu hết những người đi chuyến này đều còn trẻ, con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn.

Chị Hạ kể tới một hoàn cảnh thương tâm nhất cùng làng, đó là gia đình ông Lô Văn Hùng. Ông Hùng và vợ sinh được 3 người con, không hiểu vì lí do gì mà nhà cũng đã phải bán. Thế là cả đại gia đình: 2 ông bà, cô con gái và 2 gia đình của 2 cậu con trai phải ra cạnh bờ khe dựng tạm một mái gianh. Và 2 cậu con trai ông Hùng là Lô Văn Thông, Lô Văn Minh cũng tham gia cửu vạn cho xe gỗ đêm qua, đều thiệt mạng. Thông là anh, đã có con trai 2 tuổi, còn Minh là em cũng đã có 2 con, một đứa 2 tuổi, đứa sau mới được 2 tháng tuổi.

Hai người phụ nữ nghèo khổ, cùng đi chăm sóc chồng trong vụ tai nạn thương tâm đều như không còn sức lực. Họ đứng tựa vào cửa buồng bệnh, ánh mắt vô hồn với bao nỗi đau đớn chất chứa. Những câu chuyện đằng sau vụ tai nạn cũng là những câu chuyện buồn không kém. Mong rằng, các cấp, ngành sớm có sự quan tâm, động viên, thăm hỏi kịp thời tới những số phận đáng thương này.


Thùy Vinh