Hiệu quả từ dự án “xanh”

06/12/2011 14:16

(Baonghean) - Bắt đầu từ năm 1997, được sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Nhật Bản, “Chương trình trồng rừng ngập mặn và Phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng” được Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai thực hiện. Sau gần 15 năm triển khai, chương trình trồng rừng ngập mặn góp phần cải thiện sinh kế tại địa phương và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, diện tích rừng trồng được xem là "vành đai xanh" chắn sóng, chắn xâm lấn của biển hiệu quả và bền vững...

Đi dọc đê Hưng Hòa (TP.Vinh) chúng ta bắt gặp hình ảnh rừng bần xanh tốt, rộng khoảng 60 ha, trải dài trên 4 km. Rừng bần còn có tên gọi là tràm chim vì động vật ở đây chủ yếu là các loại chim như: cò, vạc, chèo bẻo, chim sâu, cu gáy... và tập trung nhiều loại động vật xương sống và không xương sống quý hiếm. Trước đây, rừng bần chỉ khoảng 10 ha, từ khi được hưởng lợi từ chương trình trồng rừng ngập mặn, rừng được trồng mới thêm 50 ha, nhờ chăm sóc và bảo vệ tốt nên rừng phát triển nhanh, tạo thành bức tường chắn sóng, tránh hiện tượng xâm thực và ngăn mặn. Bà Dương Thị Bảy, Chủ tịch Hội CTĐ xã Hưng Hòa, cho biết: “Bên trong chân đê là những ao tôm, ruộng lúa của người dân. Nếu không có rừng bần che chở, bảo vệ thì khi mùa mưa lũ về, khi triều cường dâng lên, dân làng sẽ bị ngập, nước mặn sẽ xâm nhập vào đất sản xuất... Từ khi thực hiện chương trình trồng rừng ngập mặn đến nay, Hưng Hòa tránh được những rủi ro do thiên tai gây ra. Đặc biệt, với sự đa dạng sinh học hiện có, rừng bần đang trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn...”.

Hưng Hòa là một trong 24 xã của 5 huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP.Vinh được hưởng lợi từ Chương trình “Trồng rừng ngập mặn và phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng” do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Sau gần 15 năm triển khai, đến nay đã trồng được gần 1.400 ha, toàn bộ cây trồng đã xanh tốt thành rừng, tạo thành “vành đai xanh” bảo vệ đê biển, hạn chế tác hại của gió bão, triều cường xói mòn đê điều, ngăn chặn hiện tượng bờ biển lấn sâu vào đất liền.



Chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn tại An Hòa (Quỳnh Lưu).

Bên cạnh tác dụng phòng ngừa thảm họa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra thì chương trình trồng rừng ngập mặn còn góp phần tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho những người dân ở các xã được thụ hưởng chương trình. Thông qua dự án, từ năm 1997 đến nay đã có 45.000 gia đình được hưởng các chế độ do dự án mang lại. Rừng ngập mặn cũng đã giúp tăng thu nhập từ việc thu lượm thủy hải sản (ví dụ như: tôm, cua, sò, ngao, hàu) cho ngư dân ven biển; ngăn được mặn, chắn được nạn xâm thực nên người dân ven biển yên tâm sản xuất trên những đầm tôm, ao cá, ruộng muối, đất trồng trọt... góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ dân ở các xã ven biển tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng ngập mặn nuôi ngao đem lại hiệu quả cao. Ở những nơi rừng trồng sớm, bần đã ra quả và cho thu hoạch, người dân dùng quả giống mở rộng diện tích và cung cấp cho các tỉnh lân cận hàng chục tấn quả giống đem lại nguồn thu lớn.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, Hội đã phối hợp với các địa phương mở hàng ngàn lớp tập huấn về phòng ngừa thảm họa cho người dân, cán bộ Hội và học sinh, giáo viên các trường tiểu học. Từ năm 2000 đến nay, đã tổ chức tập huấn cho gần 2.500 hộ dân; trên 1.200 cán bộ Hội; trên 2.413 giáo viên và trên 170.000 học sinh; cấp phát 20.000 tờ rơi, gần 16.000 cuốn sách nói về thảm họa cho các đối tượng tham gia chương trình. Từ đó, nhận thức của người dân về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được nâng cao.

Ông Nguyễn Phùng Vinh, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà hệ thống rừng ngập mặn đem lại. Để duy trì tính hiệu quả bền vững của chương trình cần giữ mối quan hệ thường xuyên và tranh thủ sự ủng hộ từ phía các nhà tài trợ; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động của dự án để kịp thời điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của dự án; nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án... Chú trọng công tác động viên cán bộ, hội viên, các hộ trồng rừng tích cực chủ động trồng, bảo vệ rừng, đề xuất các phương thức khai thác nguồn lợi từ rừng để lấy rừng nuôi rừng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của rừng ngập mặn...”


Duy Nam