Từ "Khai bút đầu Xuân" đến "Tết Khuyến học"

13/01/2012 15:38

(Baonghean.vn) - Trong tâm thức của người Việt thì ngày đầu tiên của năm là ngày quan trọng cho một khởi đầu mới. Trong khoảng thời gian ấy, mọi người thường tranh thủ làm nhiều việc lấy may cho cả năm: "Quan" khai "ấn", "thương" khai "thương", "nông" khai "canh" và "sỹ" thì khai "bút". Phong tục "Khai bút đầu Xuân" mong cho năm mới "công danh thành đạt" trở thành một mỹ tục của người Việt. Từ nét đẹp đầu Xuân đó, ngày nay được phát triển thành phong trào "Tết khuyến học" đầy ý nghĩa ở mỗi địa phương, gia đình, dòng họ...


Xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", xã anh hùng, nơi sản sinh nhiều bậc hiền tài, văn sỹ. Quỳnh Đôi xưa chỉ có 2 nghề: Đi học và dệt lụa, nhiều gia đình nghèo vẫn cố gắng cho con theo đòi nghiên bút ''Ăn mày lấy dăm ba chữ thánh hiền''. Thời phong kiến, Quỳnh Đôi có 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương, trong đó có đến 13 giải nguyên.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay, xã Quỳnh Đôi ước tính có 500 người tốt nghiệp đại học, 23 thạc sỹ, 33 tiến sỹ. Truyền thống hiếu học đó được giữ gìn, phát huy. Đến nay, nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu vẫn còn giữ được phong tục "Khai bút đầu Xuân". Sau lễ cúng gia tiên vào thời khắc giao thừa, gia đình chuẩn bị sΩn một chiếc bàn, đặt trang trọng ở gian giữa, lần lượt con cháu trong gia đình lấy giấy bút viết ra những dòng chữ, có thể đó là câu thơ, tên bố, mẹ, hay đơn giản là lời chúc mừng năm mới...



Lễ khai bút đầu Xuân của ông đồ xứ Nghệ


Nhiều nhà công phu còn chuẩn bị cả giấy gió, bút lông, người cao tuổi trong nhà "khăn đóng áo the" mở đầu cho lễ khai bút. Những dòng chữ đầu tiên của năm mới được con cháu gìn giữ cẩn thận, để luôn răn mình phải chú tâm chuyện học, không được sao nhãng... Ông Kiều Ngọc Bát, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Đến nay, nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu nói chung và Quỳnh Đôi nói riêng vẫn còn tổ chức "Khai bút đầu Xuân" cho con cháu. Không bút lông, giấy gió, không phải viết chữ Nho, chữ Hán như những nho sỹ ngày xưa, nhưng ý nghĩa "Khai bút đại cát", nghĩa là khai bút để gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học vẫn còn nguyên giá trị."


Đã nhiều năm nay, Làng văn hóa thôn 5, xã Thanh Tường (Thanh Chương) duy trì được "Lễ khai trí đầu Xuân". Đêm giao thừa, cán sự xóm, chi bộ, chi hội khuyến học tổ chức trao thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó trong thôn; liên hoan văn nghệ và thi đố vui có thưởng, giải bài toán vui... Kết thúc chương trình là lời dặn dò của bậc cao niên, là lời chúc dành cho con cháu một năm học hành tấn tới.


Khối 9, phường Trung Đô (TP.Vinh) gần 10 năm nay đều tổ chức được chương trình "Mùa Xuân - nối vòng tay khuyến học", tập trung con cháu trong khối, những người đi làm ăn xa thành đạt, những học sinh đậu đạt cao ở nhà văn hóa khối. Ngoài trao quà khuyến học của khối, những học sinh đậu đạt cao sẽ truyền lại kinh nghiệm học tốt cho đàn em lớp sau. Còn những người làm ăn xa thành đạt thì đóng góp vào quỹ khuyến học của khối.

Với cách làm này, hàng năm khối vận động được hàng chục triệu đồng góp vào quỹ khuyến học, trao hàng chục suất quà, học bổng cho con em trong khối. Hay, từ phong tục mừng tuổi đầu năm mới cho con cháu trong mỗi gia đình, dòng họ Nguyễn Duy (Thanh Chương) đã có sáng kiến phát động các gia đình trong họ tộc hưởng ứng "Tết Khuyến học" bằng cách trao quà khuyến học cho con cháu vào sáng mồng Một. Thay cho những bao lì xì đựng tiền là những tập vở, cuốn sách, cât bút, hay chiếc cặp... động viên con cháu sang năm mới học giỏi, chăm ngoan.

Từ ý nghĩa của phong tục truyền thống đó, bắt đầu từ năm 2004, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức phát động "Tết Khuyến học khuyến tài lần thứ nhất". Trải qua 8 "Tết Khuyến học", mỗi năm một chủ đề khác nhau, nhưng tựu trung lại gồm có các nội dung sau: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát động khuyến học, khuyến tài từ mỗi gia đình, dòng họ, cùng toàn dân xây dựng xã hội học tập; tạo điểm nhấn cho công tác khuyến học một năm mới... Với nhiều hình thức như: Tổ chức tọa đàm về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo; tổ chức hội thi "Thơ khuyến học"; "Tiếng hát khuyến học"... thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đặc biệt, dịp Tết, những người con xa quê về sum họp cùng gia đình, họ tộc cũng bày tỏ tấm lòng thơm thảo của mình với phong trào khuyến học của dòng họ, quê hương. Ngoài ý nghĩa về tinh thần, đây được xem là cách vận động quỹ có hiệu quả, trung bình mỗi "Tết Khuyến học" toàn tỉnh huy động được khoảng trên 15 tỷ đồng vào quỹ khuyến học.


"Tết Khuyến học" lần thứ 9 Nhâm Thìn 2012 được phát động từ Rằm tháng Chạp năm Tân Mão đến hết Rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn với mục tiêu đề ra: "Nâng cao chất lượng toàn diện, có chiều sâu các phong trào thi đua khuyến học, nhất là phong trào thi đua gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học".

"Tết Khuyến học" được coi là mốc khởi đầu cho phong trào khuyến học, khuyến tài của một năm mới; kêu gọi, huy động sự vào cuộc, chung tay, giúp sức của toàn xã hội, sự chăm lo, quan tâm từ mỗi gia đình, dòng họ đối với việc học của con em. Từ đó, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập, làm rạng danh truyền thống hiếu học của quê nhà.


Phúc Thanh