Con Cuông đưa cơ giới vào đồng ruộng

04/12/2011 15:59

(Baonghean) - Cũng như hầu hết các huyện trung du miền núi khác, sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông chủ yếu tập trung...

(Baonghean) - Cũng như hầu hết các huyện trung du miền núi khác, sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông chủ yếu tập trung vào trồng lúa, trồng chè và một số cây màu ngắn ngày kết hợp với trồng rừng và chăn nuôi. Việc cơ giới hóa sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn như ruộng đồng nhỏ lẻ, manh mún và địa hình không bằng phẳng nên khó sử dụng các loại máy móc. Đa phần bà con đã quen với tập quán sản xuất cũ nên ngại thay đổi cái mới, nhất là những thiết bị hiện đại có nhiều ứng dụng. Một khó khăn nữa là giá thành của các loại máy thường rất cao, như: máy cày đa chức năng có giá khoảng 26 triệu, máy cắt chè khoảng 10 đến 12 triệu. Nếu như không có sự hỗ trợ của nhà nước thì bà con ít có khả năng mua các loại máy trên.



Máy cắt chè được sử dụng phổ biến tại huyện Con Cuông.

Đứng trước những khó khăn đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông đã hỗ trợ nhân dân trên địa bàn huyện 11 máy cày đa chức năng, 72 máy cắt chè bằng nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất trong 24 tháng và trợ giá 20% từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Con Cuông. Bên cạnh đó, Dự án Phát triển nông thôn miền núi huyện Con Cuông (Chương trình 135) đã hỗ trợ hoàn toàn các loại máy trên với số lượng: 27 máy cày đa chức năng, 150 máy tuốt lúa, 255 máy phun thuốc, 12 máy bơm nước li tâm. Không chỉ giúp bà con trang bị máy móc, các dự án trên còn giúp bà con tập huấn cách sử dụng, chăm sóc, bảo quản máy và tiến hành phân chia máy theo nhóm hộ để dễ quản lý và sử dụng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc giúp bà con nông dân.

Một số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã sớm nhận thấy ưu điểm của việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nên đã tự bỏ tiền mua các loại máy này trước khi có chính sách hỗ trợ của các dự án. Gia đình anh Nguyễn Hồng Sáng, ở thôn Tân Lập, xã Bồng Khê là một trong những hộ đầu tiên sử dụng máy cắt chè. Năm 2007, khi mà chiếc máy cắt chè còn là điều xa lạ đối với đa số bà con trồng chè ở các xã Chi Khê, Bồng Khê, Yên Khê thì anh Sáng, đã mạnh dạn mua chiếc máy cắt chè do Nhật Bản sản xuất với giá gần 13 triệu đồng. Không chỉ phục vụ cho nhà mình, anh còn đi cắt thuê cho các hộ khác trong xã, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình và nhanh chóng trả hết số tiền mua máy.

Từ những chiếc máy đầu tiên ấy, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có khoảng hơn 100 máy cắt chè và phần lớn diện tích trồng chè đều được thu hoạch bằng máy móc.

Lục Dạ, huyện Con Cuông là một xã nghèo với gần 100% hộ là đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai sinh sống. Người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, làm trang trại để nuôi sống gia đình. Đây cũng là một trong những địa phương nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ các dự án hỗ trợ hoặc cấp phát máy móc phục vụ trồng lúa của huyện. Trên toàn xã hiện nay có 13 máy cày đa chức năng, còn có một số máy gặt đập liên hợp, máy xay xát gạo, máy bơm nước, máy phun thuốc cải tiến. Công tác gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến đều được tiến hành theo đúng trình tự khoa học kỹ thuật và có sự hỗ trợ của các loại máy móc, nên các giống lúa nếp truyền thống của địa phương cũng như các giống mới đều cho năng suất cao hơn.

Không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân, việc cơ giới hóa vào nông nghiệp đã giúp người nông dân không còn phải thức khuya, dậy sớm để tuốt lúa, giã gạo, phẻ ngô.


Thu Trang