Bài 1: "Dòng sông bùn"

19/02/2012 15:39

(Baonghean)- Người dân các xã Thanh Đồng, Thanh Mai, Thanh Ngọc... huyện Thanh Chương đang rơi vào tình cảnh khốn đốn chưa từng có vì những tuyến đường thi công dang dở. Nhà thầu "lặn" chẳng sủi tăm, huyện chỉ đạo chiếu lệ, đường lầy vẫn hoàn lầy, người dân phải hằng ngày đi trên những con đường "đau khổ" mà chẳng biết kêu ai.


Tuyến đường "đau khổ" nhất là tuyến 533 nối các xã Thanh Giang, Thanh Mai với đường Hồ Chí Minh. Tuyến này khởi công từ năm 2006 đến nay nhưng vẫn thi công chưa xong. Cả tuyến đường dài 6 km trông như một "dòng sông bùn". Ông Lê Xuân An - Trưởng xóm Nam Sơn bức xúc: Đường bùn lầy, nên học sinh phải ngồi xe bò lốp để đi học. Xóm có trên 100 ha keo lai đã đến tuổi thu hoạch cũng chẳng bán được cho ai. Chưa kể là cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào cây chè nhưng đường giao thông khó đi lại nên liên tục bị ép giá, thậm chí không bán được.

Ông Bùi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Mai nói thêm: "Tuyến đường này là trục chính của xã, bị cô lập từ tháng 7/2011 đến nay. Cán bộ xóm Trung Sơn muốn lên trung tâm xã phải cuốc bộ mất 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi lên huyện đi họp cũng phải cuốc bộ ra tận xã Thanh Giang mới đi được xe máy. Trong năm 2011, xã không thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng công trình trường tiểu học, các công trình 135 và nhiều nhà dân sinh vì xe không thể vận chuyển được nguyên, vật liệu. Tuyến đường này thi công đã khá lâu, chúng tôi cũng không hiểu sao lại bị bỏ dở. Mong các cấp, ngành cần có giải pháp mau chóng thi công tuyến đường này, ổn định cuộc sống của người dân".



Tuyến đường lầy lội ở xã Thanh Ngọc (Thanh Chương).


Chúng tôi tiếp tục tìm về tuyến đường xã Thanh Ngọc, vốn ban đầu là đường đất sỏi, lâu nay dân đi lại bình thường. Năm 2011, UBND huyện Thanh Chương cho thi công thành đường vào bãi rác thải nhưng đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Minh Quyền chỉ đào đắp một số đoạn nền đường rồi đổ đất lên, trời mưa đất nhão thành bùn.

Mặc dù trời đã hửng nắng được 3 hôm, khi chúng tôi tìm đến nhưng cả tuyến đường vẫn lầy sục bùn. Các em học sinh cấp 1, cấp 2 đều phải đi bộ đẩy xe đạp, hoặc nhờ người lớn vác qua những đoạn lầy thụt, nhiều em áo quần lấm lem bùn đất. Chị Trần Thị Hà ở xóm 5 than thở: "Trời nắng được mấy ngày còn đỡ, chứ mưa phùn thì khốn khổ hết chỗ nói, phải xắn quần mà cõng con đi học, có bữa trơn trượt ngã cả mẹ lẫn con, có nhiều trường hợp ngã sái chân, bong gân. Bức xúc trước tình trạng trên, các hộ dân của những xóm trên đã đóng góp tiền mua sỏi đổ tạm trên mặt đường để đi lại. Thi công kiểu này thì thà để đường cũ còn hơn...". Cháu Nguyễn Văn Tiến, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Thanh Ngọc nói: "Cháu đã bị ngã xe đạp 2 lần khi đi trên con đường này rồi, giờ sợ lắm...". Ông Võ Văn Đình - Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc cho hay: "Nhà thầu cần phải san gạt đường cho bà con đi lại để ổn định cuộc sống...".


Tuyến QL 46 nối các xã Thanh Đồng, Thanh Phong đi Tràng Sơn, Minh Sơn (Đô Lương) dài 6 km trị giá trên 40 tỷ đồng (đường cấp 4), do Công ty Vi Len (Hà Nội) thi công. Hơn 2 năm qua cũng là quãng thời gian khốn khổ của hàng ngàn hộ dân các xã Thanh Đồng, Thanh Phong, khi luôn phải sống chung với bùn lầy. Chúng tôi đi dọc tuyến đường, chiều nắng gắt, nhiều đoạn bùn vẫn lầy thụt, đoạn khô thì xe cộ chạy qua tung lên những đám bụi mịt mù. Ông Nguyễn Doãn Thao - Chủ tịch UBND xã Thanh Đồng khi trao đổi với PV lắc đầu ngán ngẩm: "Dịp Tết Nguyên đán mưa nhiều, anh coi con đường bùn đặc quánh, ngoằn ngoèo những con chạch trơn trượt, xe đi qua bùn bám chặt bánh. Có thời điểm tuyến đường bị cô lập, người dân phải cuốc bộ vòng vèo sang xóm 5, xã Thanh Đồng để ra QL 46. Hiện nay 2 đầu mố cầu ở xã Thanh Phong vẫn chưa làm xong, bùn ngập ngụa rất dễ gây tai nạn cho người đi đường".


Khi được hỏi về giải pháp chỉ đạo đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường thi công dang dở, ông Nguyễn Hữu Vinh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nóng nảy đáp: "Các anh sang mà hỏi anh Hà (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - PV)" (ghi theo lời ghi âm).

Cuối cùng chúng tôi cũng làm việc được với ông Nguyễn Viết Thiện - Trưởng phòng Công thương huyện Thanh Chương, được biết: Tuyến Thanh Giang - Thanh Mai - đường Hồ Chí Minh dài 8 km trị giá trên 40 tỷ đồng do Công ty Thuỷ lợi I xây dựng, hiện đơn vị thi công đã ứng được hơn 50% số tiền và thi công cũng đạt gần 50% khối lượng. Dịp Tết, công ty đã rải trên 260m3 đá dăm đoạn trọng yếu, còn thời gian khi nào thi công xong chúng tôi vẫn chưa biết vì đang có sự điều chỉnh vốn. Nói chung, đặc biệt khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn, như tuyến Thanh Thịnh đi Ngọc Lâm dài 9 km trị giá trên 30 tỷ đồng, khởi công năm 2011 nhưng đơn vị thi công mới ứng được 2 tỷ đồng. Với các tuyến Thanh Đồng - Thanh Phong, tuyến bãi rác - Thanh Ngọc... trời nắng ráo huyện sẽ chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công.


Dẫu biết rằng, trong giai đoạn khó khăn về nguồn vốn nhưng UBND huyện Thanh Chương cần rà soát các công trình giao thông, nếu đã được ứng nguồn vốn thì cần đẩy nhanh tiến độ thi công, khó khăn về nguồn vốn thì phải có biện pháp phối hợp với các ngành chức năng và nhà thầu dùng các phương tiện máy móc, san gạt đường, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện.


(Còn nữa)


Văn Trường