Tránh lãng phí trong đốt hàng mã

19/02/2012 15:54

(Baonghean) - Việc đốt hàng mã hiện trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các ngày lễ, giỗ, trong các đền... Tuy nhiên, sử dụng hàng mã sao cho hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, vừa tránh lãng phí là điều rất quan trọng.

Qua cầu Bến Thủy, đi gần 4 km ghé thăm đền Củi (Xuân Hồng - Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Ngôi đền thờ ông Hoàng Mười, thu hút lượng khách thập phương rất lớn. Tại đây, hàng mã bày bán đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Có bộ cây lộc vàng, đỉnh vàng, cành lộc vàng, bộ cóc vàng, quả dứa, có đồng xu, bộ 5 đồng tiền vàng, các khối vàng...

Các sản phẩm này đều được làm bằng chất liệu đặc biệt, có màu vàng rực rỡ với nhiều chi tiết hoa văn độc đáo, lạ mắt. Nhiều quầy hàng còn bày những chú ngựa đại cao gần 1,5 m. Chị Nguyễn Thị Liên - một người bán hàng cho biết: "Năm nào, nhà tôi cũng bày bán những chú ngựa bằng giấy bề thế để phục vụ khách thập phương về cầu may, cầu lộc dịp đầu năm và dịp lễ giỗ tháng 9, tháng 10. Mỗi ngày tôi phải huy động cả nhà hoàn tất khoảng 4 đến 5 chú ngựa đại".


Tại chợ Vinh hay các chợ Quán Lau, chợ Ga Vinh... thị trường hàng mã "nở rộ" trong nhiều quầy hàng, ốt quán của các tiểu thương, đáp ứng mọi nhu cầu của khách với xe hơi, bàn ghế, voi, quần áo, thuốc lá và các loại tiền, vàng mã cũ, mới khác nhau. Đặc biệt, có những sản phẩm nhà tầng cao từ 1 - 2m với đủ các kiểu mẫu mã và chủng loại lớn, nhỏ.


Anh Hoàng Thế Nam ở Thị trấn Cầu Giát, cho biết: "Về với đền Củi, để cầu được nhiều điều, mình phải thành tâm dâng lễ vật cho xứng. Mình chọn bộ lễ vật cầu sự an lành gồm chú ngựa đại có hài, mũ, áo, nón, một chú dắt ngựa và 1 khối vàng". Theo như tìm hiểu của chúng tôi, mỗi một mục đích tâm linh có những lễ vật khác nhau. Một lễ giải hạn gồm có tiền, vàng mã, cau trầu, rượu. Lễ dùng cho giỗ chạp hay đầu năm đốt bội gồm nhà tầng và đủ 16 loại dụng cụ như: giường, bàn ghế, tủ.... Lễ tiễn ông Vải về thượng giới gồm: tiền, vàng, bộ quần áo, mũ. Tất cả các lễ vật đều được thiết kế bằng giấy và các chất liệu dễ cháy.


Điều đáng quan tâm ở đây là giá cả các sản phẩm hàng mã. Theo như chị Nguyễn Thị Biên, chủ của hàng vàng mã ở đền Củi, một chú ngựa đại hoàn chỉnh giá 350.000 đồng, khối vàng giá 30.000 đồng. Bộ lộc vàng, đỉnh vàng hay con cóc vàng có giá trên 100.000 đồng, cành lộc vàng giá giá 20.000 đồng. Nhiều sản phẩm hàng mã tại chợ Vinh như bộ lễ vật nhà tầng và 16 dụng cụ trong nhà có giá 250.000 đồng... Để có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh, không ít người sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí tối thiểu cho một bộ lễ vật trên dưới 400.000 đồng. Đây rõ ràng là một khoản chi phí không nhỏ.


Trên địa bàn Thành phố Vinh hiện có các đền, chùa như: Đền Quang Trung, đền Hồng Sơn, đền Cảnh, đền Trìa, chùa Cần Linh... Tuy nhiên, theo ông Bùi Nam Hậu - Trưởng phòng VHTT Thành phố Vinh, riêng 2 đền Quang Trung và Hồng Sơn do thành phố trực tiếp quản lý nên đã hạn chế được việc mang các lễ vật cồng kềnh vào khu vực đền. Nhưng việc sử dụng và đốt hàng mã còn rất khó kiểm soát tại các đền, chùa và đang thực sự gây lãng phí. Thời gian tới, thành phố sẽ quán triệt tinh thần và giao trách nhiệm cho các BQL tại các đền, chùa trên địa bàn, yêu cầu đại diện phòng VHTT, ban quản lý các đền, chùa, các đồng chí phó chủ tịch các phường có đền, chùa nhất quán công tác quản lý về sử dụng và đốt hàng mã.


Nhu cầu tâm linh của con người là chính đáng và không ai ngăn cấm việc đốt hàng mã. Có điều, sử dụng sao cho hợp lý để góp phần giảm bớt lãng phí, đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo văn hóa trong tâm linh là điều các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu và sớm có giải pháp chấn chỉnh.


Lương Mai