Chủ thẻ ATM lo bị “móc túi”

05/01/2012 17:19

Sau khi công an phát hiện đường dây làm giả thẻ ATM để rút tiền, nhiều ngân hàng ráo riết tìm giải pháp bảo vệ.

Khi rút tiền, khách hàng phải quan sát kỹ để tránh bị ăn cắp thông tin thẻ
- Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Theo các chuyên gia, tội phạm thẻ ngày càng tinh vi, do vậy bên cạnh những giải pháp ngân hàng (NH) đưa ra đòi hỏi người sử dụng thẻ cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình.

Nhiều chiêu đánh cắp tiền trong tài khoản

Malaysia: trung tâm của thẻ tín dụng giả

Giữa tháng 11-2011, cảnh sát Liên bang Úc đã bắt giữ hơn 10.000 thẻ tín dụng giả trong một chiến dịch ở thành phố Melbourne. Tổng cộng ba người bị buộc tội cầm đầu đường dây, trong đó có hai người Malaysia gồm một người đàn ông 38 tuổi tên Lai Yean Wong, một phụ nữ và một đồng phạm Hong Kong.

Khi lục soát nhà của các bị can, cảnh sát đã phát hiện một hệ thống sản xuất thẻ tín dụng cực kỳ tinh vi. Hàng ngàn thẻ tín dụng giả bị tịch thu có khả năng rút đến 25 triệu đôla Úc, tương đương 2.500 đôla Úc mỗi thẻ. Theo cảnh sát, Wong đã lừa đảo tổng cộng 6,7 triệu đôla Úc kể từ khi đến Úc tháng 3-2011.

Cũng trong tháng 11-2011, cảnh sát Malaysia phát hiện một đường dây làm giả thẻ tín dụng ở Bandar Puteri, bang Selangor, bắt giữ hai người cùng hơn 3.200 thẻ tín dụng giả. Dây chuyền làm thẻ giả của các nghi can bao gồm hai máy tính cá nhân, máy dập nổi, máy khắc, máy in, máy ép nhựa, sơn... Cảnh sát cho biết nhóm nghi can đã bán số thẻ này ra nước ngoài với giá thấp nhất chưa tới 5 USD/thẻ.
Hàng loạt vụ lừa đảo thẻ tín dụng bắt nguồn từ Malaysia cũng xảy ra ở nhiều nước. Tại Chennai, bang Tamil Nadu của Ấn Độ, đa số trong 19 vụ lừa đảo thẻ tín dụng trong năm 2009 đều có liên quan đến tội phạm tại Malaysia và Trung Quốc...
TRẦN PHƯƠNG
(Theo Malay Mail, The Star, The Age, ECNS)

Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ NH Ngoại thương chi nhánh TP.HCM, cho biết những chiếc thẻ trắng tội phạm dùng để rút tiền tại các máy ATM, còn thẻ in giả logo của các NH chúng dùng để “cà” khi mua hàng thời trang cao cấp, điện thoại di động, máy chụp ảnh đắt tiền.

Các đối tượng này thường đem theo trong người hàng loạt thẻ của nhiều NH khác nhau để “làm ăn”. Đầu tiên là mua một món hàng, sau đó nếu thấy thanh toán được chúng sẽ tiếp tục mua nhiều món hàng đắt tiền khác. Hết hạn mức thẻ này chúng sẽ mang những thẻ khác ra “cà”. Cũng theo ông Thức, gần đây rộ lên nhóm tội phạm Malaysia sử dụng thẻ tín dụng giả do NH nước ngoài phát hành. Để tránh bị nghi ngờ, họ thường tự xưng là người Singapore hoặc Hong Kong và thường sử dụng hộ chiếu photo hoặc hộ chiếu giả.

Theo các NH, trong trường hợp các đối tượng này sử dụng thẻ tín dụng giả do NH trong nước phát hành thanh toán trót lọt, người thiệt hại trước tiên là NH vì phải đền tiền cho người bán hàng. Tuy nhiên, phía người bán cũng chịu rủi ro rất lớn do rơi vào trường hợp này, NH thường viện lý do hoặc tìm sơ suất của người bán hàng để từ chối thanh toán, chẳng hạn hóa đơn nộp cho NH không đúng hạn, thiếu chữ ký...

Cẩn thận khi xài thẻ ATM

Sau vụ lộ đường dây làm thẻ giả, nhiều người có thói quen dùng thẻ thanh toán khi ăn uống tại quán ăn, quán cà phê, nhà hàng bắt đầu giật mình vì họ thường giao phó thẻ của mình cho nhân viên phục vụ mang đến quầy thu ngân “cà” mà chẳng bao giờ giám sát. Giám đốc trung tâm thẻ một NH cho rằng rất có thể các thông tin thẻ, trong đó có ba mã cuối phía sau thẻ đã bị lộ mà chủ thẻ không hề hay biết.

Theo ông, gần đây khoảng 700 quán ăn, quán cà phê trên địa bàn TP.HCM đã được NH trang bị máy POS cầm tay có thể đem đến tận bàn để thanh toán nhằm tránh trường hợp dữ liệu thẻ của khách hàng bị lợi dụng. Nhiều NH cũng mã hóa dữ liệu truyền từ máy POS tại các điểm chấp nhận thẻ về NH nhằm tránh tình trạng hacker đột nhập đường truyền đánh cắp dữ liệu thẻ.

Ông Trần Quang Thoại, giám đốc trung tâm thẻ NH Phương Nam, lưu ý chủ thẻ cần tuyệt đối cẩn trọng khi thực hiện khai báo thông tin cũng như chọn các trang web đảm bảo, uy tín để giao dịch. Đồng thời khi giao dịch chủ thẻ nên có kiểm tra qua lại, yêu cầu nơi cung cấp hàng hóa gửi email xác nhận hoặc xác nhận qua điện thoại về giao dịch vừa diễn ra để đảm bảo chắc chắn không phát sinh giao dịch khác ngoài hóa đơn đã mua. Trường hợp được yêu cầu cung cấp những thông tin mật, chủ thẻ nên liên hệ với NH phát hành thẻ để kiểm tra xem có chính xác không. Ngoài ra khách hàng sử dụng thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng nên đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking (nhắn tin) để khi tài khoản có biến động thì kịp thời phát hiện.

Theo các NH, hiện nay không chỉ thẻ tín dụng mà bọn tội phạm đang tìm cách làm giả cả thẻ máy ATM để rút trộm tiền bằng cách gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ chồng lên khe đọc thẻ của máy ATM, đồng thời lắp camera chiếu thẳng xuống bàn phím để quay lén mật mã thẻ.

Các NH cũng bắt đầu tìm cách bảo vệ chủ thẻ bằng nhiều cách khác nhau. NH ACB lắp thiết bị phòng chống đột nhập từ bên ngoài tại các phòng máy ATM, khách hàng phải quẹt thẻ để mở cửa khi bước vào buồng ATM và cửa sẽ đóng lại khi khách hàng đang giao dịch... NH Công thương triển khai ứng dụng tạo rung trong quá trình nạp và trả thẻ tại đầu đọc thẻ ATM, đồng thời dán thông báo tại tất cả máy ATM để khách hàng lưu ý.

Chủ thẻ phải tự bảo vệ mình

Một cán bộ tham gia bắt giữ các đối tượng trong đường dây làm giả thẻ ATM để rút trộm tiền mới đây tại Q.11 cho biết các đối tượng từ nước ngoài vào VN mang theo phôi thẻ ATM và thẻ tín dụng chưa ghi thông tin của NH phát hành cũng như số thẻ, tên chủ thẻ. Tại VN, các đối tượng mới hoàn thiện những chiếc thẻ giả bằng phương pháp in thương hiệu, logo, số và tên chủ thẻ vào những phôi trắng.

Để có được thông tin về chủ thẻ, số thẻ và mã bí mật, các đối tượng sử dụng hai cách: thứ nhất là đặt thiết bị ghi hình, ghi âm và các thiết bị công nghệ cao để đánh cắp thông tin ngay tại trụ máy ATM bất kỳ khi chủ thẻ vào giao dịch. Cách thứ hai, các đối tượng đánh cắp thông tin thông qua việc lừa các chủ thẻ cung cấp thông tin về số thẻ, mã pin khi mua sắm qua mạng hoặc dùng các thủ đoạn lừa đảo khác để chủ thẻ cung cấp thông tin cho một người bạn ảo.

Theo cán bộ này, người dân khi sử dụng thẻ để giao dịch qua máy ATM cần chú ý những bất thường tại trụ máy như nơi tiếp nhận thẻ có vật lạ hay không, ngoài camera an ninh của các NH thì có camera khác hay không. Khi bấm mã bí mật nên che chắn kín để không bị lộ. Nếu có giao dịch mua bán qua mạng, người dân nên thận trọng, phải hiểu các nguyên tắc khi giao dịch qua mạng cần cung cấp những gì, nếu không biết chắc chắn thì không nên cung cấp thông tin cá nhân và số thẻ tín dụng của mình.

* Theo các NH, cách tốt nhất để chống thẻ giả là chuyển từ công nghệ thẻ từ sang công nghệ chip do thẻ chip hiện chưa có công nghệ làm giả. Tại VN, một số NH đã bước đầu sử dụng công nghệ chip cho thẻ tín dụng vì số lượng thẻ ít và cũng đến hạn theo khuyến cáo của các tổ chức thẻ quốc tế. Còn với thẻ ATM, cái khó hiện tại là chưa biết theo chuẩn chip nào và chi phí chuyển đổi sang thẻ chip khá tốn kém.
G.MINH


Theo Tuổi trẻ